Đằng sau khoản lãi 308 tỉ đồng từ giao dịch ‘mua rẻ’ BĐS Phước Nguyên của Khang Điền

CapitaLand từng chi tới 1.380 tỉ đồng để thâu tóm doanh nghiệp dự án Đoàn Nguyên Bình Trưng Đông. Song, KDH cho biết chỉ phải chi 620 tỉ đồng để gián tiếp sở hữu chi phối dự án này.

CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã CK: KDH) cho biết, ngày 15/3/2022, nhóm công ty đã hoàn tất việc nhận chuyển nhượng 366 triệu cổ phần, tương đương 60% vốn CTCP Đầu tư Bất động sản Phước Nguyên (Phước Nguyên) với giá phí là 620 tỉ đồng.

Thương vụ này giúp KDH ghi nhận khoản lãi 308,3 tỉ đồng từ ‘giao dịch mua rẻ’ trong quý đầu năm 2022.

Nguồn thu nhập khác đột biến cao gấp đôi doanh thu thuần trong kỳ cũng là nguyên nhân chính giúp KDH báo lãi sau thuế quý 1/2022 đạt 299,4 tỉ đồng, tăng trưởng tới 45% so với cùng kỳ năm trước.

Đằng sau khoản lãi 308 tỉ đồng từ giao dịch ‘mua rẻ’ BĐS Phước Nguyên của Khang Điền ảnh 1

Nên biết, Phước Nguyên hiện là công ty mẹ, sở hữu 100% vốn của Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Nhà Đoàn Nguyên (Nhà Đoàn Nguyên) – doanh nghiệp dự án Đoàn Nguyên Bình Trưng Đông, có diện tích 60.732 m2 (6ha) toạ lạc tại phường Bình Trưng Đông, quận 2, Tp. HCM.

Cũng có thể cho rằng dự án Đoàn Nguyên Bình Trưng Đông đã hồi cố chủ.

Bởi lẽ, như VietTimes từng đề cập, năm 2013, KDH đã ‘bất đắc dĩ’ phải thoái vốn tại Nhà Đoàn Nguyên nhằm giải quyết tình trạng khó khăn của công ty. Đối tác nhận chuyển nhượng khi ấy được cho biết là hai nữ nhà đầu tư cá nhân, là các bà Ngô Thị Bích Duyên và Nguyễn Thị Thanh Thuỷ.

Các nữ cổ đông này khả năng chỉ là người được lựa chọn để ‘ra mặt’, đứng tên hộ một ‘đại gia’ địa ốc nào đó như vẫn thường gặp trong các thương vụ M&A bất động sản.

Đến tháng 8/2018, CapitaLand bất ngờ thông báo về việc thâu tóm 100% cổ phần của Nhà Đoàn Nguyên. Cụ thể, tập đoàn đến từ Singapore đã thông qua các công ty thành viên để mua lại toàn bộ 86 triệu cổ phần CTCP BCLand (BCLand) với số tiền bỏ ra là 1.380 tỉ đồng. Khi ấy, BCLand là công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ của Nhà Đoàn Nguyên.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, nhóm CapitaLand có thể đã rục rịch thoái lui khỏi dự án Đoàn Nguyên Bình Trưng Đông từ nửa sau năm 2021, với việc bà Nguyễn Thị Linh Ngọc (SN 1989) thay thế ông Yap Vooi Soon (SN 1974) đảm nhiệm vai trò giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Nhà Đoàn Nguyên.

 

Cùng với đó, doanh nghiệp dự án cũng thay đổi địa chỉ nhận thông tin về thuế từ toà nhà Deutsches Haus về một toà nhà khác trên phố Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Tp. HCM.

Và cụ thể hơn, là sự thay thế của Phước Nguyên cho BCLand trong vai trò công ty mẹ, sở hữu 100% vốn Nhà Đoàn Nguyên, như đã thể hiện trong thương vụ của KDH mà VietTimes đã đề cập ở đầu bài viết.

BCLand, nên biết, đã công bố việc giải thể vào tháng 12/2021, với lý do ‘không còn nhu cầu kinh doanh’. Ở thời điểm giải thể, BCLand không có khoản nợ nào.

Về phía KDH, sau khi gián tiếp nắm chi phối Nhà Đoàn Nguyên, công ty này cũng bắt đầu ghi nhận phần bất động sản xây dựng dở dang với ‘Khu nhà ở Đoàn Nguyên’, với giá trị ghi nhận đạt 3.185,8 tỉ đồng tại thời điểm cuối quý 1/2022. Lưu ý rằng, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của dự án này đã được thế chấp cho khoản vay ngân hàng.

Phước Nguyên của ai?

Theo dữ liệu của VietTimes, Phước Nguyên được thành lập từ tháng 6/2021 bởi 2 thể nhân, với quy mô vốn điều lệ ban đầu là 150 tỉ đồng, bao gồm: ông Nguyễn Thanh Phong (góp 90 tỉ đồng, sở hữu 60% vốn điều lệ) và bà Nguyễn Thị Kim Cúc (góp 60 tỉ đồng, sở hữu 40% vốn điều lệ).

Đến tháng 9/2021, Phước Nguyên đã tăng vốn điều lệ lên 610 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông cũng có sự thay đổi, bao gồm: ông Nguyễn Thanh Phong (góp 366 tỉ đồng, sở hữu 60% VĐL), CTCP Đầu tư Bình An House (góp 152,5 tỉ đồng, sở hữu 25% VĐL), bà Nguyễn Thị Trà My (góp 61 tỉ đồng, sở hữu 10% VĐL) và CTCP Khami Việt Nam (góp 30,5 tỉ đồng; tương đương 5% VĐL).

CTCP Đầu tư Bình An House được thành lập từ tháng 10/2014, do ông Đào Duy Hải làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Sinh năm 1982, có trình độ Thạc sỹ kinh tế, ông Hải còn làm đại diện theo pháp luật ở nhiều pháp nhân khác, bao gồm: CTCP Gateway Thủ Thiêm, CTCP Đầu tư Phát triển Thịnh Thịnh Vượng, CTCP Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn, CTCP Đầu tư Bất động sản Long Thành Phát, và Công ty TNHH MTV Dầu khí Sài Gòn Du Lịch.

Đứng tên ở nhiều doanh nghiệp là vậy, song ít ai biết rằng, ông Đào Duy Hải chỉ đảm nhiệm vai trò Trưởng ban kiểm soát ở CTCP Chứng khoán quốc tế Việt Nam (VISe) – công ty chứng khoán có mối liên hệ với nhà chủ ngân hàng OCB Trịnh Văn Tuấn.

Trong khi đó, CTCP Khami Việt Nam (Khami Việt Nam) được thành lập vào tháng 12/2014, do bà Lâm Thị Tố Nga làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Sinh năm 1976, bà Lâm Thị Tố Nga là phu nhân của ông Đinh Quang Hoàn – Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt, cựu Thành viên HĐQT độc lập Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây Dựng (Mã CK: DIG)./.