Đằng sau làn sóng sa thải nhân viên của các 'ông lớn công nghệ' Đông Nam Á

Các công ty công nghệ ở Đông Nam Á đang 'nối gót' Mỹ tiến hành các đợt sa thải nhân viên quy mô lớn trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó khăn.
GoTo đã thông báo cắt giảm 1.300 nhân viên. Ảnh minh họa: Tempo

GoTo đã thông báo cắt giảm 1.300 nhân viên. Ảnh minh họa: Tempo

Các nền tảng lớn nhất của khu vực này như GoTo của Indonesia và Sea của Singapore đã thông báo cắt giảm tới 10% lực lượng lao động trong năm nay, trong đó có một số công ty đánh tín hiệu về một đợt giảm sâu hơn nữa.

Ngày 18/11, GoTo đã thông báo cắt giảm 1.300 nhân viên, khoảng 12% lực lượng lao động, trong một biện pháp cắt giảm chi phí khi công ty này gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận.

Mới đây, GoTo cũng thông báo đã lỗ ròng 20.300 tỷ rupiah (1,29 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 1-9/2022, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2021 do các chiến dịch quảng cáo gây áp lực lên công ty.

Trong báo cáo doanh thu, giám đốc điều hành GoTo group Andre Soelistyo cho biết đợt sa thải trên là bắt buộc để đảm bảo tình hình hoạt động lâu dài của công ty.

Tuy nhiên, vụ sa thải lớn nhất trong khu vực cho đến nay là ở Sea, nơi cung cấp nhiều loại hình dịch vụ từ trò chơi và thương mại điện tử đến dịch vụ tài chính.

Các báo cáo gần đây cho thấy tập đoàn công nghệ này đã sa thải hơn 7.000 nhân viên, tương đương khoảng 10% tổng lực lượng lao động, trong sáu tháng qua.

Trong khi đó, Giám đốc tài chính Peter Oey cho biết nhà điều hành siêu ứng dụng Grab đã bắt đầu "tạm dừng hoặc giảm tốc độ tuyển dụng ở các bộ phận khác nhau" kể từ đầu năm nay. Ông Oey cho hay một số bộ phận đã giảm số lượng nhân viên và công ty sẽ vẫn thận trọng trong hoạt động tuyển dụng.

Nguyên nhân gây ra làn sóng sa thải là gì?

Nhiều công ty công nghệ đã thuê quá nhiều lao động trong giai đoạn đại dịch COVID-19 để đáp ứng nhu cầu chưa từng có về dịch vụ và hàng hóa kỹ thuật số.

Hãng Nikkei Asia dẫn lời Daljit Sall, Tổng giám đốc công nghệ của Randstad Singapore, cho biết thay vì thuê nhân viên hợp đồng để linh hoạt hơn trong quản lý lực lượng lao động, các công ty "đã quá cam kết bằng cách thuê nhân viên toàn thời gian với mức lương và thù lao tăng cao".

Ví dụ, ở Singapore, Sea đặc biệt tích cực tuyển dụng các kỹ sư được săn đón nhiều, hứa hẹn lương cao gấp đôi so với các đối thủ cho một số vị trí nhất định. Theo báo cáo thường niên, Sea có 67.300 nhân viên tính đến cuối năm 2021, gần gấp đôi so với một năm trước đó.

Tuy nhiên khi các công ty gặp khó khăn để đảm bảo vốn do lãi suất tăng trong bối cảnh lạm phát cao, họ đang điều chỉnh các nguồn lực của mình để tái cấu trúc và xây dựng lực lượng lao động phù hợp hơn.

Chris Kaptein, đối tác quản lý của Integra Partners, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore, cho biết chi phí vốn tăng cao trong năm nay đã khiến các công ty tìm kiếm sự tăng trưởng bền vững, "thay vì đốt tiền để giành thị phần".

Kaptein cho hay toàn bộ ngành công nghiệp đang nới lỏng hoặc giảm đòn bẩy. Những yếu tố này kết hợp với nhau đồng nghĩa với việc sa thải nhân viên trong thời gian ngắn.

Làn sóng sa thải nhân viên tại các công ty công nghệ Mỹ cũng đang ảnh hưởng đến các công ty ở châu Á. Amazon được cho là đã cắt giảm khoảng 10.000 nhân viên, trong khi Meta thông báo cắt giảm 11.000 việc làm trong tháng này và Twitter đã cắt giảm 50% lực lượng lao động trên toàn cầu.

Những "gã khổng lồ" công nghệ phương Tây khác cũng đã bắt đầu cắt giảm lực lượng lao động như một biện pháp kiểm soát ngân sách.

Công ty thương mại điện tử Shopify của Canada (Ca-na-đa) cho biết sẽ sa thải khoảng 10% lực lượng lao động, tương đương khoảng 1.000 nhân viên, trong khi công ty thanh toán Stripe, có trụ sở tại Dublin và San Francisco, được cho là đã cắt giảm khoảng 14% nhân viên. Văn phòng của công ty này ở Singapore cũng bị ảnh hưởng.

Theo chỉ thị từ trụ sở chính, một làn sóng sa thải đã bắt đầu tại các văn phòng ở các nước Đông Nam Á như Singapore, nơi có 80 trong số 100 công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Vậy xu hướng này sẽ tiếp tục trong bao lâu?

Vì hầu hết các công ty công nghệ vẫn đang thua lỗ và ngay cả những công ty dự kiến sẽ hòa vốn cũng phải mất một hoặc hai năm nữa. Các công ty công nghệ đã báo hiệu rằng việc cắt giảm chi phí sẽ vẫn tiếp diễn.

Giám đốc Kinh doanh của Sea Yanjun Wang cho biết việc cắt giảm nhân viên gần đây là một phần của "kế hoạch đang diễn ra", báo hiệu có thể có những đợt cắt giảm bổ sung.

Giám đốc tài chính Oey của Grab cho biết quá trình cắt giảm chi phí là "một sáng kiến đang diễn ra mà ban lãnh đạo rất chú trọng".

Khi lạm phát gia tăng tiếp tục đè nặng lên các nền kinh tế trên toàn cầu, khiến môi trường tài chính yếu hơn, công ty Randstad dự đoán xu hướng sa thải nhân viên công nghệ ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục kéo dài sang quý II/2023.

Kaptein của Integra Partners lưu ý rằng mặc dù đây là "giai đoạn điều chỉnh", song khu vực này được dự báo là sẽ đón nhận tăng trưởng trong trung và dài hạn. Theo ông Kaptein, đối với một số công ty khởi nghiệp và mở rộng quy mô, giờ đây có nhiều cơ hội hơn để thu hút và giữ chân nhân tài trong thị trường mà không tìm thấy được chỉ vài tháng trước.

Tuy nhiên, Carman Chan, nhà sáng lập và là đối tác quản lý của Click Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore, dự báo rằng việc tuyển dụng của các công ty công nghệ sẽ tiếp tục trở nên "phi tập trung hơn" do văn hóa làm việc từ xa và xu hướng kinh tế tự do đang gia tăng.