Xót xa đất vàng “nằm im”
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội năm 2021, Hà Nội đang có gần 400 dự án chậm triển khai. Trong đó có dự án chậm gần... 20 năm của Tổng công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị UDIC tại lô đất vàng B2, Khu đô thị mới Yên Hòa, quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội).
Năm 2004, UBND TP. Hà Nội có quyết định cho Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (nay là Tổng Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị UDIC) thuê 5.000m2 đất tại lô B2, khu đô thị mới Yên Hoà (phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy) để xây dựng trụ sở văn phòng các đơn vị thành viên, thời hạn thuê 30 năm.
Thế nhưng gần 20 năm trôi qua, dự án vẫn chưa đưa vào sử dụng, lãng phí và ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị. Nhiều người dân khu vực đồng loạt phản ánh tình trạng rác thải tập kết ở đây, nhưng chính quyền chưa có biện pháp nào xử lý dứt điểm.
Theo khảo sát của Reatimes, bên ngoài lô đất được quây tôn, còn bên trong cây cối, cỏ dại mọc um tùm, rác thải sinh hoạt nhếch nhác xung quanh gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị. Thời gian gần đây, sau nhiều phản ánh của báo chí, bên trong hiện đã được dọn dẹp gọn gàng hơn, nhưng bản chất lô đất vẫn "nằm không".
Một địa điểm đang gây bức xúc dư luận không kém là dự án Khu chung cư quốc tế Booyoung Vina, nằm trên mặt đường đôi Mỗ Lao 36m, giữa khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông). Chủ dự án là Công ty TNHH Booyoung Việt Nam, triển khai từ năm 2007, dự kiến hoàn thành vào năm 2010 và được đánh giá sẽ "hái ra vàng" khi tọa lạc tại một trong những địa điểm đắt giá của quận Hà Đông.
Thực tế đến nay, sau 15 năm, chủ đầu tư mới đưa vào bàn giao, sử dụng hai tòa nhà chung cư. Phần còn lại vẫn chỉ là bãi đất trống cỏ mọc um tùm cao hơn các tấm tôn quây xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Lành, một người dân ở gần đây cho biết: "Năm 2007, họ thu mua hàng mẫu đất ruộng của chúng tôi chỉ với giá 90 triệu đồng/sào. Hơn 10 năm nay chúng tôi không có ruộng làm ăn. Mấy trăm triệu tiền từ đất ruộng cũng đã tiêu hết. Giờ chúng tôi mong Nhà nước triển khai làm gì đó để dân cũng được hưởng lợi theo, bán mớ rau, chén nước kiếm sống”.
Hàng loạt dự án khác cũng treo nhiều năm chưa hoàn thành cũng đã được chỉ rõ như: Dự án xây dựng nhà ở và văn phòng làm việc (diện tích 13.000m2, khởi công từ 1999) tại phường Yên Phụ (Tây Hồ) do Công ty TNHH Xây dựng IDC làm chủ đầu tư; Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (quận Nam Từ Liêm) khởi công từ giữa năm 2011; Dự án trường Mầm non tại khu đô thị Đồng Tầu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) với diện tích 3000m2 quây tôn để cỏ mọc nhiều năm nay; Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt 35ha theo phê duyệt triển khai từ 2004-2011, nhưng tới nay gần 20 năm trôi qua vẫn là những bãi đất hoang...
Thực trạng đất dự án bỏ hoang, gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực xã hội, làm cho bộ mặt đô thị nhếch nhác thực ra là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm” nhưng “nói mãi” vì sao vẫn chưa được xử lý dứt điểm?
GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, việc phân công, phân cấp theo thẩm quyền giữa các cấp, các ngành của thành phố để xử lý các vi phạm còn chưa rõ ràng. Việc quản lý, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ đã được phê duyệt còn thiếu quyết liệt.
Đối với một số chủ đầu tư, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, họ cứ nộp tiền sử dụng đất rồi ung dung… để đó. Một số chủ đầu tư vì năng lực tài chính, kinh nghiệm hạn chế nên không đủ khả năng thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, theo ông Đặng Hùng Võ, nước ta đã bỏ qua một kênh giám sát quan trọng từ nhân dân. Điều 199 Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Đây là luật duy nhất trong tất cả các luật hiện đang có hiệu lực thi hành có quy định này, thế nhưng sự tiến bộ này hiện tại vẫn nằm trên giấy.
“Vì bưng bít như thế thì giám sát kiểu gì?”, ông Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi về thực trạng hiện nay.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết, những giai đoạn thị trường sốt đất như năm 2007 - 2008 hay trong 2 năm qua, những người ôm đất dự án chỉ cần chuyển nhượng là thu về khoản tiền lời kếch xù trong khi không có đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế. Doanh nghiệp lãi nhưng đất nước và xã hội thiệt hại bởi đất “chết”. Như thế là có tội với xã hội, nhân dân và Nhà nước cần có những biện pháp quyết liệt để chấm dứt tình trạng đau xót này.
Kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai
Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, số lượng các cấp liên quan đến các dự án chậm tiến độ của Hà Nội là vô cùng lớn. Việc cần làm là tiến hành rà soát, phân loại dự án, xem ách tắc ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai. Phải mạnh tay rà soát và xử lý, chúng ta mới trả lại sự trong sạch cho thị trường bất động sản và chống hao hụt, lãng phí tài sản công.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, theo quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 64, Luật Đất đai 2013 có quy định, dự án được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm triển khai sau 12 - 24 tháng sẽ bị thu hồi. Chính quyền rà soát và quy trách nhiệm được thì sẽ giải quyết tốt vấn đề. Bên cạnh đó, cần chọn lựa doanh nghiệp đủ năng lực để cấp phép đầu tư dự án, giúp giảm thiểu những vướng mắc dẫn đến bỏ hoang đất sau này.
Ngoài ra, các chuyên gia đều cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế công khai minh bạch cho người dân giám sát. Các thông tin đầu tư, quy hoạch phải được phổ biến rộng rãi. Thậm chí hướng dẫn người dân cách thức, con đường kiến nghị nếu phát hiện ra vi phạm trong sử dụng đất đai của tổ chức, doanh nghiệp.
Đối với các khu đất chậm tiến độ mà có yếu tố di sản cần bảo tồn, TS.KTS. Tô Kiên, Kiến trúc sư Quy hoạch Cao cấp kiêm Quản lý Ban Quốc tế Tập đoàn Tư vấn Phát triển Hạ tầng Eight - Japan (EJEC) cho rằng, Nhà nước có thể thiết lập mối quan hệ cộng sinh, vừa bảo tồn vừa phát triển.
TS.KTS. Tô Kiên chia sẻ bài học về hợp tác Công - Tư (PPP) tại Nhật Bản, thể hiện trong cơ chế Chuyển nhượng Quyền Phát triển (Transfer of Development Right – TDR), được khởi xướng từ New York và nước ta đang trong giai đoạn nghiên cứu để đề xuất áp dụng. Nếu chủ dự án không thể phát triển bất động sản trên khu đất có công trình bảo tồn vì tuân thủ các quy định về bảo tồn di sản kiến trúc thì quyền phát triển trên khu đất đó của họ phải được bảo đảm bằng cách chuyển đổi hoặc chuyển nhượng sang khu đất khác có khả năng tiếp nhận. TDR được áp dụng ở nhiều đô thị trên thế giới như New York (Mỹ), Đài Bắc (Đài Loan), Singapore, Nhật Bản… Ở đó, chính quyền địa phương tổ chức “sàn giao dịch quyền phát triển bất động sản” và “ngân hàng quyền phát triển bất động sản” để kết nối giữa các cá nhân, tổ chức chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền phát triển bất động sản.
Hiện tại, TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố. Nghị quyết giao UBND Thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện, đảm bảo trong quý II/2022 tập trung xong công tác hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để phân loại, đề xuất xử lý theo các nhóm dự án vi phạm; phấn đấu hết quý IV/2022 thực hiện xử lý xong các dự án chây ì, tiếp tục vi phạm.
Hy vọng lần này, với những biện pháp quyết liệt, tình trạng đất vàng hoang hóa lãng phí sẽ được xử lý dứt điểm./.