Đầu tư Blue Diamond Land: Ra thêm thông báo mới, ngấm ngầm đe dọa khách hàng?

Sau khi có những đơn thư tố cáo Blue Diamond Land có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngày 21/9 vừa qua, khách hàng đầu tư vào doanh nghiệp này đã nhận được thông báo mới.

Thông báo mới, nội dung cũ

Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ bất động sản Blue Diamond (sau đây viết tắt là Công ty Blue Diamond) có trụ sở tại tầng 3, tòa nhà An Phú Plaza, 117 - 119 Lý Chính Thắng, phường 07, quận 3, TP.HCM. Công ty được thành lập vào 18/08/2020, người đại diện pháp luật là Giám đốc Đào Minh Hùng.

Từ những ngày đầu thành lập, Blue Diamond Land đã giới thiệu ra thị trường rất nhiều gói đầu tư khác nhau, đánh vào tâm lý “đầu tư ít, lãi suất cao” của không ít khách hàng muốn kiếm tiền một cách dễ dàng. Cho đến tháng 7 năm nay, các mức đầu tư được cam kết sẽ mang về lãi suất 102% trong vòng 20 tháng, tương đương với hơn 61,3%/năm.

0124_bang-gia
Blue Diamond Land từng tung ra nhiều mức đầu tư với lợi nhuận tăng gấp 2 số tiền bỏ ra

Trước đó, vào tháng 12/2020, Blue Diamond Land “trình làng” 10 gói đầu tư, từ thấp nhất 10 triệu đồng tới cao nhất là hơn 5 tỷ đồng. Đặc điểm chung của các gói đầu tư này đều là mức lãi suất rất cao: 120% trong vòng 20 tháng, tương đương với 72%/năm.

Thế nhưng, theo thông tin từ chính những khách hàng của Blue Diamond Land, từ ngày 12/7 đơn vị này bỗng nhiên biến mất. Những số điện thoại trước đây dùng để liên hệ với các nhân viên giao dịch, trưởng phòng, Phó tổng hay Tổng Giám đốc của Blue Diamond Land giờ đều không thể liên lạc được. Thời điểm hiện tại, các trang web của Blue Diamond Land cũng đã đóng cửa.

website-khong-the-truy-cap
Website của Blue Diamond Land hiện đã không còn truy cập được

Động thái trên khiến rất nhiều khách hàng bức xúc, bởi lẽ chưa một khách hàng nào nhận đủ số tiền gốc đã gửi cho Blue Diamond Land nữa là tiền lãi. Không những vậy, suốt thời gian hoạt động, doanh nghiệp này cũng thường xuyên khất lần, kéo dài thời gian phải phân chia lợi nhuận (PCLN) theo cam kết. Bởi lẽ đó, không ít khách hàng đã làm đơn tố cáo Blue Diamond Land có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 21/9 vừa qua, một số khách hàng của Blue Diamond Land nhận được thông báo qua zalo từ số liên hệ được cho là của Giám đốc doanh nghiệp này - ông Đào Minh Hùng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng thông báo này chỉ là chiêu trò khác của Blue Diamond Land nhằm kéo dài thời gian để “ban lãnh đạo” doanh nghiệp này tẩu tán tài sản hoặc bỏ trốn.

Cụ thể, một số nội dung trong thông báo này như sau:

Do khách quan đại dịch bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam và đặc biệt là TP.HCM, Nhà nước ra các chỉ thị giãn cách xã hội, cấm đi lại nên công ty đã đóng cửa, ngừng hoạt động trong suốt 04 tháng vừa qua. Các nguồn đầu tư của Công ty vào các hạng mục, các cơ sở kinh doanh đều không thu lại được do các cơ sở đã đóng cửa hoặc phá sản. Theo tình hình hiện nay, 80-90-95% các Doanh nghiệp đăng ký phá sản, đây là rủi ro chung của nền kinh tế Việt Nam và đặc biệt là các Doanh nghiệp tại TP.HCM.

...

Đến nay về chủ trương chống dịch của nhà nước vẫn chưa theo kế hoạch nên Ban lãnh đạo Công ty chưa có kế hoạch cụ thể mở lại hoạt động kinh doanh của Công ty.

Ban lãnh đạo Công ty xin thông báo:

Công ty tạm thời ngưng tất cả các hoạt động Phân chia lợi nhuận cho các Khách hàng và Nhà đầu tư... Sau thời gian nhà nước có thông báo cho mở cửa hoạt động trở lại, 01 tháng sau Công ty sẽ có thông báo về kế hoạch PCLN”.

Đồng thời, trong thông báo này, Blue Diamond Land đã “đề nghị các Nhà đầu tư không lập group riêng, có những thông tin tiêu cực hay gửi đơn kiện tụng làm ảnh hưởng đến Công ty và không đăng các thông tin tiêu cực lên mạng xã hội. Ban lãnh đạo Công ty không chịu trách nhiệm về việc Công ty phá sản nếu các Nhà đầu tư có những hành vi trên”.

Với các khách hàng đang đầu tư tại Blue Diamond Land, thông báo này không có gì mới mẻ, ngoài việc cho biết khách hàng sẽ phải chờ đợi thêm rất lâu mới được biết số tiền mà mình bỏ ra đã "đi đâu, về đâu".

Tiếp tục “mò kim đáy bể”

Ngay khi nhận thông báo trên, nhiều khách hàng vô cùng bức xúc, bởi lẽ trong suốt thời gian dài, ngoài các thông báo kéo dài thời gian PLCN, khách hàng không nhận được văn bản nào khác về việc doanh nghiệp ngừng hoạt động. Trước đó, các nhân viên tư vấn của Blue Diamond Land đều trả lời khách hàng với một mẫu tin nhắn chung là “đã nghỉ việc” khi được hỏi về tình hình hoạt động của công ty.

Không những vậy, số liên hệ trên Zalo sau khi gửi thông báo này tiếp tục rơi vào trạng thái “không nghe, không đọc, không biết” với các nỗ lực liên hệ của khách hàng.

tin-nhan-cho-giam-doc
Một khách hàng bức xúc khi nhận được thông báo từ Blue Diamond Land

Anh T.N, một khách hàng của Blue Diamond Land cho hay: Tôi nghĩ mấy thông báo kiểu này là giả, không có giá trị. Vì hợp đồng ghi rõ thông báo từ công ty sẽ được gởi lên nhóm Telegram cho mọi người biết. Còn cái này chỉ gởi cho vài người qua zalo và câu chữ thì lủng củng, lạc đề. Nó (Blue Diamond Land - PV) còn hăm dọa nhà đầu tư nữa.

Cũng theo nhận định của một số khách hàng, các thông báo gần đây của Blue Diamond Land đều sử dụng chữ ký dấu của Giám đốc, không phải là chữ ký trực tiếp - ký tươi như khi ký hợp đồng với khách hàng. Do đó, rất có thể ông Đào Minh Hùng, Giám đốc của doanh nghiệp này hiện đã “cao chạy xa bay”.

Không ít đơn tố cáo đã được khách hàng gửi tới cơ quan cảnh sát điều tra, với mong muốn lấy lại số tiền đầu tư. Thế nhưng, cần xác định rằng trong hầu hết các vụ việc tương tự, số tiền mà khách hàng đòi về được là rất ít, thậm chí là... không có.

Hiện tại, các khách hàng vẫn tiếp tục tìm kiếm thông tin của các cá nhân liên quan đến hoạt động kinh doanh của Blue Diamond Land, đồng thời tìm kiếm những “nạn nhân” có chung cảnh ngộ. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh và lượng thông tin ít ỏi, để tìm ra những cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp cho hoạt động của doanh nghiệp này là rất khó khăn.

Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư Hà Nội) từng chia sẻ trên truyền thông rằng, phương thức lừa đảo huy động vốn hiện nay rất đa dạng. Thứ nhất, chúng có thể đóng vai các doanh nhân thành đạt, làm ăn khá giả và huy động vốn trả lãi suất cao. Thời gian đầu, chúng trả lãi suất rất đúng hạn để tạo uy tín cho việc huy động thêm tiền, khi đã huy động được một số tiền rất lớn thì bỏ trốn. Thứ hai, các đối tượng thu hút vốn thông qua các mô hình góp vốn kinh doanh làm ăn chung với hứa hẹn hấp dẫn.

Các đối tượng thường tìm đến những người rảnh rỗi hoặc đang có nhu cầu tìm việc làm hoặc nhu cầu đầu tư rồi đưa ra các mô hình kinh doanh, lãi suất hấp dẫn. Khi đã huy động được một số tiền lớn, các đối tượng thường bỏ trốn hoặc nhiều trường hợp nạn nhân chuyển tiền nhưng không có chứng từ nên không thể tố cáo…

“Người dân cần nâng cao cảnh giác, không ham lãi suất cao vì chẳng có một khoản đầu tư nào có thể sinh lời một cách bất thường. Bên cạnh đó, khi cho vay mượn tiền hay đầu tư góp vốn kinh doanh cũng cần ghi rõ mục đích của việc cho vay hay đầu tư góp vốn, tránh ghi chung chung đến khi bị lừa đảo lại rất khó xử lý các đối tượng. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm 2 yếu tố, đó là có hành vi gian dối và chiếm đoạt tài sản”. 

Theo quy định tại Ðiều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.