Từ tháng 7/2021, Nguyễn Quốc Khiêm đã giả danh là sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM để có tên trong danh sách tình nguyện viên phục vụ ở khu cách ly tập trung, theo báo Pháp Luật TP.HCM. Sau đó, Khiêm trở thành "thạc sĩ - bác sĩ điều trị", ra các y lệnh điều trị cho các bệnh nhân F0 tại khu cách ly tập trung và người mắc Covid-19 ở trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM (quận 12).
Trao đổi với Zing ngày 22/2 về vấn đề này, thạc sĩ Trương Văn Đạt, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết trường không có sinh viên nào tên Nguyễn Quốc Khiêm. Đồng thời, nhà trường nhận sơ suất trong quá trình tuyển tình nguyện viên để hỗ trợ các khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Trường xác minh và báo cáo vụ việc từ tháng 10/2021
Ông Đạt cho hay sự việc của Nguyễn Quốc Khiêm được nhà trường biết và phản hồi với các cơ quan chức năng hồi tháng 10/2021.
Cụ thể, đầu tháng 10/2021, nhân viên của Trung tâm Y tế quận 12 gọi điện cho đội trưởng của đội để xác minh về tình nguyện viên Nguyễn Quốc Khiêm. Sau khi kiểm tra trên cơ sở dữ liệu, nhà trường xác nhận đây không phải bác sĩ, đồng thời thẻ sinh viên mà Nguyễn Quốc Khiêm sử dụng cũng là giả.
Xác minh tại cơ sở dữ liệu của phòng Đào tạo đại học, trường không có sinh viên Nguyễn Quốc Khiêm, sinh ngày 12/5/1996, lớp Y 2014.
"Ngay lúc đó, trường đã trao đổi toàn bộ kết quả xác minh với Trung tâm Y tế quận 12 để đơn vị có biện pháp xử lý. Nhà trường cũng nhận sai sót vì để lọt người giả mạo vào đội tình nguyện viên cung cấp cho các đơn vị nhưng phải đặt sự việc trong bối cảnh lúc đó dịch bệnh ở TP.HCM rất cấp bách, cam go. Các khu điều trị, cách ly thiếu nhân lực trầm trọng, trường tuyển được tình nguyện viên đã rất mừng nên việc đối chiếu, xác nhận thông tin đã không chặt chẽ", thạc sĩ Trương Quốc Đạt thông tin.
Nguyễn Quốc Khiêm làm giả thẻ sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM. Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM. |
Sự việc bắt đầu từ tháng 7/2021, UBND quận 12 có công văn đề nghị nhà trường cử tình nguyện viên gồm 10 sinh viên hỗ trợ khu cách ly của quận 12 tại Cao đẳng Điện lực TP.HCM.
Trong thời gian dịch bệnh đỉnh điểm, để đảm bảo 5K và tuân thủ giãn cách xã hội, các hoạt động điều hành, quản lý tình nguyện viên được thực hiện trực tuyến thông qua kênh truyền thông, email, mạng xã hội (Facebook, Zalo…). Đội trưởng sẽ thông báo và tuyển tình nguyện viên phù hợp yêu cầu trong nhóm Zalo tình nguyện viên của trường.
Ngày 10/7/2021, đội trưởng của đội thông báo tuyển tình nguyện viên trong nhóm của nhà trường. Kết quả chọn được 8 tình nguyện viên tham gia gồm 6 sinh viên tuyển qua form đăng ký và 2 sinh viên tuyển trực tiếp, trong đó có tình nguyện viên tên Nguyễn Quốc Khiêm, tự nhận là sinh viên khoa Y của trường.
Trước khi giao lực lượng cho đơn vị tiếp nhận là khu cách ly của quận 12 tại Cao đẳng Điện lực TP.HCM, người quản lý đội hình đã có kiểm tra xác nhận về sinh viên thông qua thẻ sinh viên, đồng thời gửi danh sách lên Đoàn trường. Đoàn trường đã đề nghị Phòng Công tác sinh viên thực hiện thủ tục gửi công văn cử 8 sinh viên tham gia.
"Không biết bằng cách nào, Nguyễn Quốc Khiêm đã vào được nhóm tình nguyện viên của ĐH Y Dược TP.HCM (hàng nghìn thành viên trên Zalo). Lúc đó, tình hình dịch đang cao điểm. Do tin tưởng tinh thần tình nguyện, không lường trước có chuyện giả mạo cũng như do mọi việc quá cấp bách, người quản lý đội hình chỉ xác minh một chiều thông qua thẻ sinh viên, chưa xác minh lại từ cơ sở dữ liệu của nhà trường nên để lọt trường hợp này", đại diện nhà trường lý giải.
Nghiêm túc rút kinh nghiệm về quản lý và điều hành
Thạc sĩ Trương Văn Đạt cũng nói thêm ĐH Y Dược TP.HCM có trách nhiệm tuyển tình nguyện viên và cử tới các cơ sở y tế có nhu cầu, còn công việc cụ thể do lãnh đạo các cơ sở y tế tiếp nhận phân công và quản lý, điều hành.
Trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19 với khối lượng công việc lớn và hơn 5.500 tình nguyện viên, nhà trường đã thiếu sót trong việc xác minh về việc đăng ký tham gia hoạt động phòng, chống dịch, tin tưởng vào tinh thần tình nguyện và trách nhiệm của các tình nguyện viên, không lường trước về vấn đề có trường hợp giả danh sinh viên để tham gia hoạt động. Nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc quản lý và điều hành.
"Thẻ sinh viên giả được Nguyễn Quốc Khiêm chuẩn bị nhìn qua rất giống thẻ thật. Do đó, người quản lý đội tình nguyện không nghi ngờ. Sau này tìm hiểu tôi được biết, thời điểm đó, Nguyễn Quốc Khiêm có chụp hình là bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận giấy khen, kết quả cuộc thi nghiên cứu khoa học của ĐH Y Dược TP.HCM để khoe với các bác sĩ, y tá trong khu điều trị ”, thạc sĩ Đạt cho hay.
Trưởng phòng Công tác sinh viên chia sẻ trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở TP.HCM, ĐH Y Dược TP.HCM đã kêu gọi và nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo cán bộ, nhân viên, học viên, sinh viên của nhà trường.
Qua nhiều đợt, trường cử 5.731 người gồm 4.229 cán bộ, giảng viên, học viên sau đại học, sinh viên và 1.502 nhân viên y tế của Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM tham gia công tác phòng, chống dịch tại khu điều trị, cách ly ở nhiều quận huyện và HCDC
Công việc của các tình nguyện viên từ truy vết, quản lý, cập nhật thông tin ca bệnh, ca tiếp xúc, xét nghiệm, truyền thông, trực hotline đến lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, hỗ trợ tiêm vaccine Covid-19; trực tổng đài 115, vận hành 10 xe xét nghiệm lưu động; mô hình chăm sóc F0 tại nhà, trạm cấp cứu lưu động.
Bên cạnh đó, nhà trường đã cử gần 150 tình nguyện viên hỗ trợ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lấy mẫu cộng động trong gần một tháng, hỗ trợ nhân lực y tế cho Bệnh viện dã chiến tại tỉnh An Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đến ngày 30/11/2021, ĐH Y Dược TP.HCM vẫn còn gần 1.000 tình nguyện hỗ trợ tại các Bệnh viện hồi sức, thu dung và các khu điều trị tại các quận, huyện.