Tại TP.HCM, ngày 22/11, diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”.
Gần 90 tham luận được gửi đến Ban tổ chức và tại hội thảo có 9 bài phát biểu của các lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện gia đình cố Thủ tướng.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, các bài tham luận đã phân tích, luận giải để làm sâu sắc hơn về quê hương, gia đình, lý tưởng yêu nước, chí hướng cách mạng... của cố Thủ tướng, qua đó thể hiện lòng kính trọng và sự tri ân sâu sắc đối với ông, người có nhiều đóng to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc, trên các cương vị lãnh đạo, từ Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (sau này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn là người khởi động và thúc đẩy quá trình đổi mới nền kinh tế.
Qua đây, ông Dũng nhắc đến việc “xé rào” khi cố Thủ tưởng còn làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. Đó là, năm 1977, TP.HCM rơi vào tình cảnh thiếu đói, ông Kiệt đã lập "tổ thu mua lúa gạo", chỉ đạo "xé rào", tổ chức thu mua gạo theo "giá thỏa thuận" để kịp thời đáp ứng nhu cầu gạo của người dân thành phố. Hành động này dù đi ngược các quy định đương thời, thậm chí có thể bị kỷ luật nặng, song được nhiều người dân ủng hộ. Việc này về sau trở thành ví dụ tiêu biểu cho "đột phá" cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong phân phối hàng hóa.
Mọi việc làm của mình đều vì lợi ích của nhân dân
Trong cuốn “Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ dân” (NXB Tổng hợp TP.HCM-2022) được phát cho các đại biểu tại hội thảo, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có bài viết về người lãnh đạo đi trước. Ông chia sẻ: “Đã có người hỏi tôi trên cương vị từng là Chủ tịch nước Việt Nam, tôi đánh giá thế nào về di sản của ông Võ Văn Kiệt với đất nước, với nhân dân, với Đảng.
Theo tôi thì ông Sáu đã để lại nhiều di sản lắm. Những di sản có thể nhìn thấy bằng mắt mà ai cũng biết: thủy điện Trị An, thủy điện Thác Mơ, công trình đường dây tải điện 500kV Bắc Nam… Và còn nữa là những di sản tinh thần của ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, đó là tầm nhìn, là nhân cách, là sự hào sảng, là nghĩa khí của một người cách mạng thuộc thế hệ đi trước. Hiếm hoi và quý giá. Có thể theo đó học mãi cùng với thời gian”.
Từng đảm nhận chức trách Bí thư Thành ủy TP.HCM, là lớp người đi sau, nguyên Chủ tịch nước bày tỏ: “Tôi học ở ông trước hết là phải gần dân, lắng nghe ý kiến của dân, tin ở dân và mọi việc làm của mình đều vì lợi ích của nhân dân. Đồng thời cũng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm trước dân và trước đất nước”.
Trong tham luận gửi đến hội thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo lại chia sẻ những tâm tư, tình cảm trong bài viết: “Thế hệ thứ tư” luôn nhớ chú Võ Văn Kiệt.
“Chú luôn động viên, tạo điều kiện cho thế hệ thứ tư - những người gánh vác xứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau ngày giải phóng. Chú gửi gắm nhiều sự trân trọng, nhiều kỳ vọng và luôn mời gọi họ tham gia các công trình lớn, các đại công trường thanh niên,… qua đó mà rèn luyện, trưởng thành”, bà Thảo viết.
Theo bà Thảo, nhiều người trong lứa trẻ hồi ấy vẫn nhớ như in sau cuộc nói chuyện của cố Thủ tướng với thanh niên ở công viên Tao Đàn là cuộc hùng binh của thanh niên ra biên giới và đi đến các công trình thanh niên.
"”Kính chào thế hệ thứ tư” là tất cả sự trao gửi, là thông điệp tin yêu mà chú Võ Văn Kiệt dành cho người trẻ", bà Thảo bày tỏ.
Bà Võ Hiếu Dân, con gái cố Thủ tướng chia sẻ, qua hội thảo, bà và gia đình đã hiểu hơn về một người cha, người ông tận trung với nước, tận hiếu với dân. Cuộc đời và sự nghiệp của ông như tấm gương soi sáng cuộc đời con cháu.
Con gái cố Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn đến sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dành thời gian, công sức và sự trân trọng, yêu thương để tổ chức chuỗi sự kiện tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt những ngày qua.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh: Sáu Dân; sinh ngày 23/11/1922, tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ông mất ngày 11/6/2008. Năm 1938, ông tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11/1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm. Trong sự nghiệp cách mạng, ông đã trải qua nhiều vị trí, làm Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, giữ các chức vụ Bí thư Thành ủy TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX. |
Bảo Anh/Vietnamnet