Liên tục hạ giá chào bán về 15.000 đồng/cổ phiếu
DIC Corp trình cổ đông kế hoạch chào bán tối đa 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.500 tỷ đồng. Trong đó, toàn bộ số tiền được Công ty đầu tư vào dự án Khu đô thị du lịch Long Tân.
Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 22/04/2022, cổ đông đã thông qua kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 30.000 đồng để huy động 3.000 tỷ đồng. Trong đó, toàn bộ số tiền được Công ty đầu tư vào dự án Khu đô thị du lịch Long Tân.
Tuy nhiên, sau đó DIC Corp bất ngờ trình cổ đông thay đổi kế hoạch trong Đại hội cổ đông bất thường lần 1 ngày 14/09 (Đại hội không tổ chức do số lượng nhà đầu tư tham dự ít hơn quy định, đại hội không thể tổ chức) với khối lượng 150 triệu cổ phiếu (tăng 50 triệu so với kế hoạch đầu năm) với giá 20.00 đồng/cổ phiếu (thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu so với kế hoạch đầu năm) để huy động 3.000 tỷ đồng. Trong đó, DIC Corp dự kiến dùng toàn bộ số tiền huy động để đầu tư vào dự án Khu đô thị du lịch Long Tân.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, DIC Corp liên tục hạ giá chào cho cổ đông hiện hữu từ 30.000 đồng/cổ phiếu xuống tới 15.000 đồng/cổ phiếu.
Thứ hai, DIC Corp tăng 2.845,94 tỷ đồng chi phí đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng 780,1 tỷ đồng; tăng 1.294,2 tỷ đồng tiền sử dụng đất; tăng 473,9 tỷ đồng chi phí thực hiện kề chống sạt bờ sông; và tăng 297,67 tỷ đồng chi phí đầu tư do điều chỉnh theo suất đầu tư mới.
Ngoài ra, dự án cũng được phân kỳ triển khai với 5 phân khu bao gồm phân khu 1 với diện tích 82,1 ha, phân khu 2 với diện tích 65,7 ha, phân khu 3 với diện tích 49,07 ha, phân khu 4 với diện tích 69,1 ha, và phân khu 5 với diện tích 65,9 ha. Dự án sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật toàn dự án vào quý IV/2028 (tăng thêm 3 năm để hoàn tất xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tờ trình Đại hội bất thường ngày 14/9/2022).
Như vậy, sau điều chỉnh, tổng vốn đầu tư dự án sau thuế là 15.711,64 tỷ đồng. Trong đó, Công ty dự kiến sử dụng 5.477,97 tỷ đồng vốn huy động ngân hàng và phát hành trái phiếu; và 9.540,67 tỷ đồng vốn tự có của doanh nghiệp và huy động hợp pháp khác.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Công ty nâng vốn để tăng tổng vốn đầu tư vào dự án đang triển khai. Trong năm 2021, DIC Corp đã tăng thêm 6.942,9 tỷ đồng để nâng tổng vốn đầu tư lên 10.971,9 tỷ đồng đối với dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu; tăng thêm 7.866,1 tỷ đồng lên 12.618 tỷ đồng tổng vốn đầu tư dự án KĐT Du lịch Long Tân.
Ngoài ra, theo tìm hiểu dự án Khu đô thị du lịch Long Tân nằm tại xã Long Tân và xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với quy mô 331,998 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu chỉ là 12.618 tỷ đồng. Tính tới thời điểm công bố tài liệu ĐHĐCĐ bất thường lần 2, Công ty đã đền bù giải phóng được 156,15ha/331ha với tổng kinh phí 1.324,5 tỷ đồng và dự kiến đầu năm 2023 (tài liệu Đại hội bất thường ngày 14/9 là cuối năm 2022, như vậy tiếp tục kéo dài thời gian triển khai) sẽ được giao đất đợt 1 với diện tích 82,11ha, đủ điều kiện khởi công đầu tư xây dựng.
Cổ đông lớn “tháo chạy” khỏi DIC Corp
DIC Corp cho biết cuộc họp dự kiến tổ chức ngày 14/9/2022. Tuy nhiên, cuộc họp không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại Điều 145 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều 10 Điều lệ công ty do số lượng cổ đông tham dự họp đại diện không đủ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của Công ty theo danh sách chốt ngày 11/8/2022.
Trước đó, trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, Công ty ghi nhận có 18.861 cổ đông tham dự, đại diện 318.492.551 cổ phần, tương ứng 100% vốn điều lệ của Công ty.
Như vậy, sau khi tăng thêm 29.419 cổ đông thì công ty bất ngờ không thể tổ chức Đại hội cổ đông bất thường do không đủ số lượng nhà đầu tư tham dự. Tuy nhiên, DIC Corp không công bố chi tiết số lượng nhà đầu tư thực sự tham dự đại hội.
Được biết, bối cảnh nhà đầu tư không tham dự sau khi cổ phiếu DIG tăng nóng, giảm sâu và hàng loạt cổ đông lớn “tháo chạy” khi cổ phiếu lao dốc.
Cụ thể, từ 2/8/2021 đến 11/1/2022, cổ phiếu DIG tăng 373% từ 20.740 đồng lên 98.200 đồng/cổ phiếu. Sau đó, cổ phiếu lao dốc tới ngày 21/6/2022, tức giảm 73,7% so với đỉnh ngày 11/1/2022 về 25.820 đồng/cổ phiếu và hiện tại đang hồi phục về vùng 32.900 đồng/cổ phiếu.
Tận dụng sự hưng phấn của thị trường cuối năm ngoái, hai cổ đông lớn lần lượt giảm sở hữu. Trong đó, CTCP Kinh doanh địa ốc Him Lam đã giảm sở hữu từ 21,25% còn 4,99% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn của DIC Corp. CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân cũng liên tục bán ra cổ phiếu để giảm sở hữu từ 20,45% còn 16,89% vốn điều lệ. Việc nhóm cổ đông lớn liên tục bán ra cổ phiếu dẫn tới tỷ lệ trôi nổi bên ngoài tăng từ 39,73% lên 62,74% vốn điều lệ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/9, cổ phiếu DIG giảm 150 đồng về 32.900 đồng/cổ phiếu.