Salim Abdool Karim, nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Nam Phi, hôm 22/12 cho biết đất nước này đã nhanh chóng đi qua đỉnh của làn sóng ca nhiễm Omicron.
Dựa trên bằng chứng sơ bộ, ông dự kiến "mọi quốc gia, hoặc hầu hết quốc gia khác, sẽ đi theo quỹ đạo tương tự”.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Karim đề cập đến sự gia tăng "gần như thẳng đứng" của các ca mắc mà Nam Phi ghi nhận trong những tuần đầu tiên của tháng 12. Đồng thời, ông cho rằng hình dạng của làn sóng Omicron "như sườn phía bắc của đỉnh Everest", theo Washington Post.
"Bây giờ chúng ta đang đi xuống, quay trở lại sườn phía nam", ông cho biết. Vị chuyên gia bày tỏ sự tin tưởng rằng điều đó sẽ xảy ra với một biến chủng tương tự Omicron, và rộng hơn nữa, "có lẽ là những biến chủng tiếp theo ở giai đoạn này của đại dịch”.
Dấu hiệu tích cực ở Nam Phi
Chỉ một tuần trước, Nam Phi đã chứng kiến số ca mắc tăng vọt và hàng dài chờ xét nghiệm. Nhưng trong những ngày đầu tiên của tuần này, đã có một sự thay đổi về tỷ lệ dương tính và sự căng thẳng ở những cơ sở xét nghiệm.
Để đối phó với sự gia tăng ca mắc, Nam Phi quyết định không áp đặt lệnh phong tỏa hoặc các hạn chế khác. Trong khi đó, nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã áp dụng các hạn chế đối với du khách từ Nam Phi và nhiều nước láng giềng.
Hôm 20/12, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét dỡ bỏ những hạn chế đi lại đó, do sự lây lan trong cộng đồng của biến chủng Omicron đang xảy ra ở nhiều quốc gia.
Số ca mắc Covid-19 ở Nam Phi từ 1/3/2020 đến 22/12. Ảnh: Washington Post.
"Chúng tôi đang cho phép người dân từ các quốc gia có số ca nhiễm cao hơn những nước miền Nam châu Phi (được đến Mỹ). Vì vậy, có khả năng chúng tôi sẽ cân nhắc điều đó một cách cẩn thận để quyết định liệu có thể rút lại quy định này hay không”, vị chuyên gia cho biết.
Cũng trong ngày 22/12, Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm Nam Phi đã công bố một nghiên cứu củng cố những phát hiện trước đó rằng Omicron gây ra ít trường hợp nhập viện hơn các chủng virus corona trước đó. Nghiên cứu hiện vẫn chưa được bình duyệt.
Nghiên cứu cho thấy biến chủng Omicron dẫn đến nguy cơ nhập viện thấp hơn 80% so với biến chủng Delta. Đối với những bệnh nhân phải nhập viện, nguy cơ bệnh diễn tiến nặng thấp hơn 30%.
Ông Karim cho biết số ca mắc nhanh chóng đạt đỉnh và việc Omicron gây ra tình trạng bệnh ít nghiêm trọng hơn có thể do nhiều yếu tố cụ thể ở Nam Phi, nổi bật nhất là việc hơn 70% người dân đã nhiễm các biến chủng trước đó. Điều này giúp phần lớn dân số có phản ứng kháng thể mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, ông lưu ý rằng mọi trường hợp mắc Covid-19 ở tuần trước đều liên quan đến biến chủng Omicron. Dữ liệu gần đây của Mỹ cho thấy hơn 70% các ca mắc mới ở quốc gia này đều do Omicron gây ra.
Vẫn còn quá sớm để kết luận
"Chúng tôi có thể đi trước Mỹ từ hai đến ba tuần, trước Na Uy và Đan Mạch khoảng hai tuần, và về cơ bản, có thể lên đến bốn tuần đối với Anh và phần còn lại của châu Âu. Song những gì chúng ta đang chứng kiến ở Nam Phi dự kiến là tin tốt cho tất cả quốc gia”, ông Karim nói.
Chính quyền Tổng thống Biden đã nghiên cứu chặt chẽ dữ liệu từ Nam Phi, tìm kiếm manh mối về sự gia tăng các ca nhiễm Omicron cũng như mức độ nghiêm trọng, ba quan chức chịu trách nhiệm về việc ứng phó với Covid-19 ở Mỹ cho biết.
Trong khi kết quả ban đầu của Nam Phi đang cho thấy dấu hiệu tích cực, các quan chức cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để phát triển chính sách của Mỹ dựa trên dữ liệu ở nước ngoài, vì sự khác biệt về nhân khẩu học và những yếu tố khác.
Chẳng hạn, một tỷ lệ lớn người Nam Phi có khả năng đã nhiễm các biến chủng của virus corona sớm hơn người Mỹ, và do đó có mức độ bảo vệ chống lại Omicron cao hơn, hai quan chức cho biết.
“Dữ liệu từ Nam Phi rất quan trọng. Dữ liệu từ Nam Phi, Hà Lan, Vương quốc Anh và New York vẽ nên một bức tranh hoàn chỉnh hơn”, một quan chức cho biết.
Chính phủ nhiều nước châu Âu nhanh chóng áp đặt các hạn chế đi lại để ngăn đà lây lan của biến chủng Omicron. Ảnh: AFP.
Các nhà khoa học Nam Phi công bố phát hiện biến chủng Omicron cách đây chưa đầy một tháng. Kể từ đó, chính phủ nhiều nước châu Âu đã áp đặt các hạn chế, một phần vì nhiều dữ liệu và nghiên cứu về Omicron còn chưa được chứng minh.
Ở Anh và các nơi khác của châu Âu, sự gia tăng đáng kể các ca nhiễm Omicron đã tạo ra một làn sóng hạn chế và cấm đi lại. Tại Anh, giới khoa học cảnh báo rằng nếu không có hạn chế nghiêm ngặt hơn, số ca nhiễm có thể lên tới 600.000 đến 2 triệu trường hợp mỗi ngày vào cuối tháng này.
Đan Mạch, nơi được coi là "phòng thí nghiệm" cho những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, cũng đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số ca mắc.
Điều này không giống những đợt bùng phát trước đó ở quốc gia này. Các nhà khoa học cho biết nguyên nhân một phần là do khả năng lây lan cao hơn của Omicron.