Do mối lo ngại suy thoái, giá dầu bắt đầu giảm mạnh từ đỉnh. Cụ thể, từ đầu tháng 3 tới nay, giá dầu Brent đã giảm 16,8% về 102,77 USD/thùng và dầu thô giảm 13,8% về 99,8 USD/thùng. Giá dầu đang cho thấy dấu hiệu tiếp tục xu hướng giảm.
Mới đây, Citigroup Inc đã dự báo giá dầu thô có thể giảm xuống 65 USD/thùng vào cuối năm nay và giảm xuống khoảng 45 USD/thùng vào cuối năm 2023 nếu suy thoái toàn cầu xảy ra.
"Bằng chứng lịch sử cho thấy giá dầu sẽ giảm trong tất cả các cuộc suy thoái do nhu cầu suy giảm", Citigroup nhấn mạnh.
Hơn nữa, trong công nghiệp, đồng là nguyên liệu được sử dụng cho nhiều ngành cũng đang có dấu hiệu giảm mạnh (đồng được sử dụng từ xây dựng đến các ngành công nghiệp nặng, đồ điện tử). Từ ngày 4/3 đến 5/7, giá đồng giảm 30,1% từ 4,9 về 3,43 USD/pound và đã thấp hơn đầu năm 2021 tới nay.
Tương tự, giá kẽm, nguyên liệu quan trọng để mạ thép, cũng có nguy cơ giảm sâu hơn.
Giá các hàng hóa cơ bản như dầu, thép, đồng, bạc, kẽm đều đang cho thấy xu hướng đảo chiều giảm do nhu cầu suy yếu và nếu như nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn giảm tốc. Do nhu cầu suy giảm, giá các nguyên liệu cơ bản này có xu hướng tiếp tục lao dốc.
Đà tăng của USD cũng là một lý do khiến giá hàng hóa cơ bản giảm. Giới phân tích kỳ vọng USD tiếp tục mạnh lên trong giai đoạn cuối năm do Fed nâng lãi suất, giới đầu tư và đầu cơ tiếp tục tích trữ đồng USD và bán các hàng hóa, chờ đồng USD ổn định sẽ quay trở lại mua hàng hóa cơ bản.
Ví dụ, mặc dù vàng là kênh bảo toàn vốn trong khủng hoảng nhưng năm nay từ 8/3 đến 5/7, giá vàng đã giảm 13,8% về 1.768 USD/ounce và tiếp tục xu hướng giảm. Thực tế, hiện tại chỉ có mỗi đồng USD lên giá và các tài sản khác đang có dấu hiệu bị bán, kể cả tài sản vàng.
Do đó, trước khi Fed nâng lãi suất lên 2,5% đến 2,75% hoặc lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt thì áp lực giảm giá lên các tài sản khác như vàng và các hàng hóa khác cơ bản bị bán vẫn còn tiếp diễn.