Theo lời anh Lê Hân, người dân sống tại phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài cho biết, tuyến đường Hồ Xuân Hương từng được coi là tuyến đường đẹp nhất TP Đồng Xoài bởi con đường uốn lượn theo hồ Suối Cam, nhấp nhô theo triền đồi và có dải phân cách trồng hoa giấy.
Đường được đưa vào sử dụng từ năm 2010, tuy lưu lượng xe lưu thông ít nhưng tuyến đường này thường xuyên bị nứt lún, tạo ra những ổ gà, ổ voi rất nguy hiểm. Chính sự lún nứt này nên con đường liên tục sửa chữa, chắp vá tạo nên những mảng gồ ghề. Miệng hố thu nước trên mặt đường mất nắp chắn rác trở thành “cái bẫy” nguy hiểm đối với người dân khi lưu thông, vỉa hè sụt lún...
Cuối tháng 7/2022, UBND TP Đồng Xoài đã tổ chức khởi công nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông trên địa bàn thành phố trong đó có một số tuyến đường thuộc phường Tân Phú.
Phát biểu khởi công nâng cấp, cải tạo các tuyến đường, chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài Nguyễn Minh Bình nhấn mạnh để xây dựng thành phố Đồng Xoài là đô thị “Sạch, xanh, sáng, đẹp, an toàn và đáng sống”, bằng hành động thiết thực, trong năm nay lãnh đạo thành phố đã quyết tâm bố trí 90 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố để đầu tư nâng cấp 31 tuyến đường giao thông đã xuống cấp nhiều năm nay (Thuộc các xã, phường: Tân phú, Tân Đồng, Tân Bình, Tân Xuân, Tân Thiện và xã Tân Thành).
Ngày 15/11, UBND tỉnh Bình Phước cho hay, Chủ tịch UBND tỉnh này đã có quyết định phê duyệt đề án phát triển giao thông kết nối vùng và nội tỉnh. Theo đó, từ nay đến năm 2025, địa phương này sẽ thực hiện 34 dự án đường với kinh phí dự kiến hơn 16.600 tỷ đồng.
Bình Phước đặt mục tiêu ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, kết nối nội tỉnh, đặc biệt là các trục kết nối 3 trung tâm tạo động lực gồm TP.Đồng Xoài - TX.Chơn Thành và huyện Đồng Phú; 3 vùng đô thị có sức lan tỏa gồm TP.Đồng Xoài - TX.Bình Long - TX.Phước Long và các trung tâm kinh tế khác của tỉnh.
Mục tiêu ưu tiên của UBND tỉnh Bình Phước là phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, kết nối nội tỉnh. Nhưng trên thực tế, 1 tuyến đường như đường Hồ Xuân Hương lại thường xuyên bị nứt lún, chắp vá tạo nên những mảng gồ ghề. Mặc dù lưu lượng xe rất ít. Người dân cũng cho rằng chính quyền tỉnh Bình Phước cần lập đoàn thanh tra vì sao một con đường sửa hoài vẫn hỏng. Đồng thời kiểm tra chất lượng công trình cũng như năng lực của nhà thầu thi công.
Qua ghi nhận thực tế của PV TT&CS ngày 15/11/2022, tuyến đường Hồ Xuân Hương đang trong tình trạng thi công sửa chữa, một số đoạn được nhà thầu cào bóc lớp mặt sâu gần 30 cm để lu lèn, đá thi công đổ đống nhiều vị trí dưới hố nền đường, một số đoạn nhà thầu tiến hành đổ bê tông trước khi thảm nhựa đường, nhiều chỗ bị chắp vá bằng một lớp xi măng trên nền đường nhựa rất tạm bợ... Liệu với cách làm này có chấm dứt được thực trạng vừa sử dụng lại phải vá sửa hay không?
Tuy tuyến đường vừa thi công vừa cho phương tiện lưu thông nhưng việc cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông cũng rất lơ là với vài cọng dây văng mỏng manh, thưa thớt, có đoạn nền đường đổ bê tông cao hơn mặt đường đang lưu thông 20cm… nhưng không lắp biển cảnh báo, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông.
Đáng nói, công trình dù đang thi công sửa chữa mặt đường nhưng suốt tuyến đường nhà thầu lại không gắn bảng thi công công trình, không có thông tin gói thầu, nhà thầu và đơn vị giám sát thi công.
Một số hình ảnh PV ghi nhận:
Trên suốt tuyến đường Hồ Xuân Hương, nhiều chỗ bị chấp vá bằng một lớp xi măng trên nền đường nhựa rất tạm bợ. |
Nhiều phương tiện tham gia thi công trên đường nhưng không có biển báo đường đang thi công. |
Một số đoạn được nhà thầu cào bóc lớp mặt sâu gần 30 cm để lu lèn nhưng lại không lắp biển cảnh báo, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông. |
Toàn tuyến đường đang thi công nhưng không hề có biển cảnh báo, không gắn bảng thi công công trình, không có thông tin gói thầu, nhà thầu và đơn vị giám sát thi công. |
Theo quy định tại Khoản 3b Điều 13 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì mức phạt khi thi công trên đường bộ đang khai thác không có biện pháp bảo đảm an toàn được quy định như sau:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Thi công trên đường bộ đang khai thác không có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông thông suốt để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc phải thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo quy định.