Dự án của Handico "bóp nghẹt" giao thông Thủ đô

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) nắm trong tay đất vàng lớn bậc nhất Hà Nội sử dụng chiến thuật phổ biến là dự án nào cũng phải xin điều chỉnh quy hoạch, kết cấu hạ tầng từ 2-5 lần. Và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác đã phần nào được Thanh tra Chính phủ kết luận rõ ràng?

Hà Nội nỗ lực từng ngày với hàng loạt phương án được đề xuất chống ngập mùa mưa, chống tắc đường giờ tan tầm, giảm ô nhiễm môi trường, tạo văn hoá giao thông an toàn,...Nhưng Hà Nội có lẽ chỉ đem lại cuộc sống thoải mái cho người dân khi có sự đồng lòng của lãnh đạo thành phố, doanh nghiệp và cộng đồng. Giả dụ, phương án hợp lý cứ triển khai, nhưng người dân không tham gia giao thông một cách an toàn, doanh nghiệp xin điều chỉnh quy hoạch - nâng số tầng tăng mật độ giao thông, dự án ăn phần đường - vỉa hè,...thì câu trả lời sẽ khá phức tạp. 

Dự án điều chỉnh tăng dân "gây áp lực" cho đường Lê Văn Lương

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội - Handico được thành lập ngày 21/9/1999, là đơn vị đầu tiên hoạt động theo mô hình Tổng công ty 90 của thành phố Hà Nội, trên cơ sở hợp nhất từ 17 đơn vị thuộc 10 cơ quan chủ quản của thành phố. Mục tiêu ra đời nhằm đáp ứng những yêu cầu đổi mới trong lĩnh vực phát triển nhà ở và các khu đô thị của thành phố Hà Nội.

Handico đã đóng góp cho Thành phố hơn 3,5 triệu m2 sàn xây dựng; là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về quỹ nhà phục vụ di dân, tái định cư, giải phóng mặt bằng với khoảng 1 triệu m2 sàn xây dựng nhà với trên 7.500 căn hộ. Nhờ đó, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo mục tiêu về nhà ở, chính sách an sinh xã hội và phục vụ nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội của Thủ đô. Trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố, Tổng công ty đã thực hiện nhiều công trình có ý nghĩa chính trị lớn, đảm bảo tiến độ, chất lượng và tạo được dấu ấn của Thủ đô Hà Nội, dấu ấn của thương hiệu .

Hiện nay, Tổng công ty có 37 đơn vị thành viên làm việc tại trên 60 đầu mối trực thuộc trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành trong cả nước. Quy mô tổ chức sản xuất của Handico liên tục phát triển, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Trong đó đáng chú ý là CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà số 6 Hà Nội đang niêm yết cổ phiếu với mã HD6 tại sàn Upcom, được đánh giá là một trong những mã cổ phiếu xây dựng được đánh giá cao trên thị trường. Chốt phiên sáng ngày 3/1/2023 của HD6 là 13.700 đồng.

Trong kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng tháng 5/2022, về những sai phạm liên quan quy hoạch hai bên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình, đặc biệt về vấn đề điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện, vượt thẩm quyền, có nhắc tên Handico6. 

Cụ thể, tại Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất C1 do Công ty Handico6 làm chủ đầu tư (tên thương mại là Dự án Diamond Flower Tower, 48 Lê Văn Lương), Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận UBND thành phố Hà Nội 01 lần điều chỉnh quy hoạch, Sở Quy hoạch – Kiến trúc 03 lần điều chỉnh tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sai quy định pháp luật.

Ngoài việc liên tục được điều chỉnh quy hoạch theo hướng có lợi cho chủ đầu tư, các dự án nêu trên hầu hết đều vi phạm trong quá trình thi công, xây dựng dự án. Những vi phạm tại Dự án Diamond Flower Tower được Thanh tra Bộ Xây dựng nêu ra như: Khu vực tầng 1 có diện tích khoảng 404 m2 đang sử dụng làm văn phòng làm việc (trong khi thiết kế được duyệt là dịch vụ thương mại). Tại tầng 2,3,4,5 của tòa nhà hiện đang sử dụng làm văn phòng (trong khi thiết kế được duyệt là dịch vụ thương mại). Tại tầng kỹ thuật ký hiệu L1 (giữa tầng 5 và tầng 6) đang sử dụng diện tích khoảng 1211 m2 làm văn phòng làm việc,...

Tầng cao tối đa sau nhiều lần điều chỉnh tăng từ 6 tầng lên thành 39 tầng; chức năng sử dụng đất sau nhiều lần điều chỉnh từ thương mại, dịch vụ công cộng thành trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà ở; hệ số sử dụng đất của dự án này sau nhiều lần điều chỉnh đã tăng từ 1,24 lần lên thành 13,4 lần; mật độ xây dựng sau nhiều lần điều chỉnh tăng từ 31% lên 40,05%; dân số tăng thêm 912 người.

Trong BCTT quý II/2022, có thể thấy, Dự án tại ô đất C2 được quy hoạch thực hiện công trình y tế, nhà văn hóa và bãi để xe phục vụ cư dân. Tuy nhiên Công ty Handico6 đã lập dự án chậm gần 20 năm. Năm 2014, Công ty Handico6 xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo hướng tăng các chỉ tiêu quy hoạch, thêm chức năng văn phòng làm việc và nhà ở là không thực hiện đầy đủ việc xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội, không triển khai thực hiện dự án dẫn đến thiếu công trình công cộng phục vụ dân cư. Đến nay vẫn chỉ dừng lại ở "Đang chuẩn bị đầu tư". Nguyên nhân được đưa ra là việc đầu tư dự án với mục đích là dịch vụ nên lâu và khó thu hồi vốn, nên doanh nghiệp cũng phải tính toán kỹ tới 2 thập kỷ bởi lĩnh vực đầu tư dịch vụ này cũng không mấy doanh nghiệp mặn mà.

trich-bao-cao-tai-chinh-cua-handico-1672802079.jpg
 

....đến "nuốt" đường dân sinh Khu tập thể Thuỷ sản

Dự án Handiresco Complex gồm 2 khối nhà cao 25 tầng có chức năng căn hộ ở kết hợp dịch vụ thương mại, do liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) và Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội (Handiresco) cũng có nhiều sai phạm. Theo đó, UBND TP Hà Nội điều chỉnh quy hoạch 3 lần, Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh 1 lần sai quy định pháp luật.

Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra, dự án được điều chỉnh 4 lần từ đã tăng diện tích sàn xây dựng tăng thêm 10.794m2. Sau 4 lần điều chỉnh đã điều chỉnh từ đất ở thành văn phòng, thương mại (2008); thành hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (năm 2012); 1 khối văn phòng lại thành tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, nhà ở, nhà trẻ (năm 2017) đã làm tăng tầng cao từ trung bình 6,5 tầng lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở, phát sinh tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm 10.794m2.

Ngoài ra, kết luận thanh tra cũng chỉ ra, năm 2014 Sở Xây dựng cấp GPXD có phần hầm vượt chỉ giới xây dựng (theo quyết định của UBND TP cho phép xây dựng tầng hầm nhà chung cư diện tích 3.188m2 nhưng GPXD cấp 3.245m2).

Qua kiểm tra thực tế, cơ quan thanh tra cũng phát hiện chủ đầu tư xây dựng sai GPXD: theo GPXD hầm lửng cốt -3,9 diện tích 2.148m2 nhưng thực tế xây dựng 3.245m2, tuy nhiên UBND quận Thanh Xuân, UBND phường Nhân Chính, Đội Quản lý trật tự xây dựng quận không kiểm tra, xử lý. Mặc dù kết luận thanh tra chỉ rõ nhiều vi phạm tại dự án trên, chủ đầu tư Handico vẫn đang tiếp tục triển khai thi công giai đoạn 2 trên diện tích 1.792m2, gồm một khối nhà cao 25 tầng với 3 tầng hầm.

Chưa hết, dự án còn đang ăn mòn vào đường dân sinh của cư dân. Suốt thời gian qua, các hộ dân sinh sống tại khu Tập thể Thủy sản (ngõ 1 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) liên tục kêu cứu, vì khi dự án triển khai tại ô đất 3.10-N0 Lê Văn Lương sẽ "nuốt" mất con đường dân sinh. Bất chấp việc người dân phản đối, để phục vụ việc thi công dự án chủ đầu tư đã rào chắn khiến lối đi hiện chỉ còn rộng chừng hơn 1 mét.

cac-ho-dan-sinh-song-tai-khu-tap-the-thuy-san-lam-don-phan-anh-toi-co-quan-bao-chi-1672802234.jpeg
 

Nếu không may có hỏa hoạn, thì nguy cơ thiệt hại lớn về con người và tài sản sẽ xảy ra vì xe PCCC khó di chuyển vào trong khu dân cư. Đó là chưa kể, về mật độ xây dựng cũng như lượng cư dân sau khi chung cư này đưa vào hoạt động sẽ đổ dồn gánh nặng lên hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông khu vực.

Chính vì vậy, các hộ dân khu Tập thể Thủy sản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ tính pháp lý của các quyết định phê duyệt, điều chỉnh của dự án và cần thiết phải xem xét tạm dừng ngay việc chủ đầu tư này đang thi công rầm rộ. Ngoài ra, cư dân còn đề nghị chính quyền Hà Nội xem xét lại quy trình lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch, công khai cho người dân được biết.

 Dự án Golden Palace: Xây hầm vượt chỉ giới đường, cuộc chuyển đất cho tư nhân nhiều kỳ thú

Cũng liên quan đến chủ đầu tư Handico, Thanh tra Chính phủ (TTCP) kết luận hồi tháng 5/2022 khẳng định, 2.408 m2 đất để thực hiện Dự án Khu nhà ở - dịch vụ - thương mại Golden Palace tại Lô đất C3 là một phần Dự án Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khu đất đã có hạ tầng được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng UBND TP. Hà Nội lại giao cho Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) thuê để đầu tư, không thông qua đấu giá, vi phạm Khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2003; Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án nêu trên do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hoàng Cường làm chủ đầu tư với 470 tỷ đồng; tiến độ thực hiện từ tháng 4/2011 đến tháng 12/2016. Tiền sử dụng đất phải nộp cho Nhà nước là 125 tỷ đồng.

Kết luận của TTCP cũng chỉ ra rằng, năm 2011, UBND TP. Hà Nội cho phép Handico chuyển mục đích sử dụng đất để liên danh với Công ty CP Đầu tư Thương mại Hà Nội Xanh và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hoàng Cường thực hiện dự án nói trên. 

Đến tháng 11/2012, liên danh chủ đầu tư Handico - Hoàng Cường và Hà Nội Xanh báo cáo xin điều chỉnh chủ đầu tư dự án. Ngay sau đó, UBND TP. Hà Nội cho phép 2 đơn vị rút khỏi dự án, chỉ để Hoàng Cường thực hiện dự án. Với lý do thoái lui là thị trường bất động sản trầm lắng. Theo thoả thuận giữa 3 bên, Handico sẽ bàn giao toàn bộ dự án cho công ty Hoàng Cường. Đổi lại, Hoàng Cường hoàn trả cho Handico số tiền 46 tỷ đồng. 

Đến ngày 28/11/2014, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có Văn bản số 5266/QHKT-P2 chấp thuận phương án kiến trúc của Dự án và Sở Xây dựng Hà Nội sau đó đã cấp phép xây dựng theo phương án kiến trúc này cho Hoàng Cường. Điểm đáng chú ý là chủ đầu tư này được cấp phép xây dựng công trình nhà cao tầng với 3 tầng hầm vượt chỉ giới xây dựng phía đường Lê Văn Lương 3.5 m, vi phạm Điểm b Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị.

Sau đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc 2 lần điều chỉnh quy hoạch. Sau điều chỉnh, số tầng cao được nâng từ 6 tầng lên thành 17 tầng + tum thang kĩ thuật; chức năng khu đất từ hành chính, văn hóa, y tế được chuyển thành chức năng hỗn hợp; số căn hộ được điều chỉnh từ 0 lên 112 căn hộ; mật độ xây dựng từ 42,6% tăng thành 80%; dân số tạm tính tăng thêm 448 người.

Việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến hàng loạt hệ quả làm tăng áp lực giao thông, hạ tầng của trục Lê Văn Lương kéo dài, khiến tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội trở thành “điểm nóng” tắc đường thường trực của Thủ đô trong những khung giờ cao điểm.  

kien-truc-su-nguyen-quang-minh-1672802348.png
 

Việc điều chỉnh quy hoạch một trục đường hay cả một khu vực là một công việc đòi hỏi sự nghiên cứu cẩn trọng và tỉ mỉ và cần tham vấn ý kiến của các nhà chuyên môn cũng như lấy kiến của cộng đồng.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, việc điều chỉnh quy hoạch này cũng có vẻ rất dễ dàng và nhanh chóng. Còn dư luận trước những sai phạm thì cũng không thể không đặt câu hỏi liệu có dấu hiệu của lợi ích nhóm trong việc điều chỉnh quy hoạch này hay không?

Điều chỉnh quy hoạch với mật độ xây dựng và tầng cao lên rất nhiều lần, rõ ràng đem lại lợi ích lớn cho chủ đầu tư. Còn phần thua thiệt sẽ thuộc về cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực cũng như người có việc hằng ngày phải đi lại qua tuyến đường đó và rộng hơn cho cư dân của toàn bộ đô thị vì bộ mặt kiến trúc của đô thị là một vấn đề mang tính chất toàn dân không phải riêng cư dân sinh sống trong khu vực đó.

Và việc sai phạm này cũng nhìn nhận lại quy trình thẩm định quy hoạch cũng như công tác quy hoạch trong thời gian vừa qua.

PGS.TS, Kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh, trường đại học Xây dựng Hà Nội trả lời VOV.vn.

Dự án tại Nam Trung Yên "xí phần" rồi chậm 11 năm 

Trong đợt kiểm tra kết quả kiểm tra, rà soát lại các dự án theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vào năm 2020, còn có Dự án Tổ hợp bãi đỗ xe, phòng khám y tế, dịch vụ công cộng, trung tâm thương mại và xây dựng công trình hỗn hợp siêu thị, chợ, văn phòng cho thuê tại ô đất B9/CC1, B9/CC3 và C3/HH, C3/CC1-1 Khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy.

Tháng 7/2007, TP chấp thuận về nguyên tắc đề nghị của Handico về việc giao Handico làm chủ đầu tư xây 2 bãi đỗ xe ngầm tĩnh và các công trình trên 2 ô đất B9 và C3 Khu đô thị (KĐT) Nam Trung Yên bằng nguồn vốn huy động để khai thác sử dụng (không có nội dung chỉ đạo cho liên danh sử dụng đất).

Một tháng sau, Handico ký Hợp đồng liên danh hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Thuỳ Dương (TD Group) đề xuất TP phê duyệt làm chủ đầu tư cùng thực hiện dự án. Tháng 5/2008, TP có văn bản chấp thuận chủ trương cho Liên danh Handico và TD Group nghiên cứu lập, triển khai dự án.

Tháng 1/2011, TP quyết định thu hồi hơn 18.000m2 đất tại ô đất C3/CC2 và ô đất B9/CC1, B9/CC3 KĐT Nam Trung Yên của BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho TD Group và Handico thuê đất thực hiện dự án. Tháng 5/2011, TP có văn bản cho phép Handico và TD Group thành lập Cty cổ phần để thực hiện dự án.

Sau đó Handico và TD Group thành lập hai công ty cổ phần là Công ty CP Đầu tư Handico – Thuỳ Dương; Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Handico – Thuỳ Dương để thực hiện dự án.

Đến tháng 6/2012, TP có văn bản cho phép Handico không tham gia góp vốn trong các công ty cổ phần. Ít lâu sau, TP. Hà Nội cho Handico chuyển quyền tham gia góp vốn trong Cty cổ phần để thực hiện dự án cho TD Group theo quy định (không phải là cho rút khỏi liên danh).

Năm 2013, các Cty cổ phần trên nộp hồ sơ vào Sở TN&MT đề nghị điều chỉnh quyết định cho thuê đất, chuyển chủ sử dụng đất từ Thuỳ Dương và Handico sang Cty CP Đầu tư Handico – Thuỳ Dương (với lô đất B9/CC1, B9/CC3) và Cty CP Thương mại & Dịch vụ Handico – Thuỳ Dương (với lô đất C3/CC2).

Theo Kết luận thanh tra số 337 ngày 7/3/2014 của Sở TN&MT Hà Nội xác định: Khi thành lập 2 Cty cổ phần trên đều có thêm pháp nhân là Cty CP Xây dựng & Thương mại Thuỳ Dương là không đúng với chỉ đạo của TP tại Văn bản 3726 ngày 17/5/2011. Đồng thời đề nghị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng, tiến hành xây dựng công trình trong quý II/2014, đưa đất vào sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả (tức là đơn vị sử dụng đất vẫn là liên danh chứ không phải các Cty CP).

Sau khi TP. Hà Nội có quyết định điều chỉnh quy hoạch dự án vào tháng 9/2014 bổ sung hạng mục công trình hỗn hợp siêu thị, dịch vụ thương mại và căn hộ để ở. Handico đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội xin rút khỏi liên danh với lý do tập trung cho các hạng mục đầu tư khác để nhượng quyền đầu tư dự án này cho Công ty đầu tư Thùy Dương.

Tháng 12/2017, TP có thông báo chỉ đạo tạm dừng triển khai dự án tại ô đất B9 và C3, chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan và chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo UBND Hà Nội, từ chủ trương TP cho phép huy động vốn để thực hiện dự án theo chính sách xã hội hoá đầu tư xây dựng công trình công cộng trên diện tích đất công của TP, Handico đã liên danh với TD Group để thực hiện dự án. Nhưng sau khi Handico đề xuất điều chỉnh quy hoạch sang xây dựng công trình hỗn hợp và được TP chấp thuận phê duyệt, Handico lại rút khỏi liên danh và bàn giao dự án cho TD Group để thực hiện dự án, dẫn đến sau này TD Group đã vi phạm pháp luật khi thực hiện dự án.

du-an-tai-nam-trung-yen-1672802447.png
 

Đến nay dự án đã chậm triển khai 11 năm gây lãng phí tài nguyên đất đai. Sai phạm của dự án này đã có ý kiến đánh giá của UBKT Thành ủy, Công an TP. Không có cơ sở pháp lý để cho phép nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.

Theo tìm hiểu, Công ty CP đầu tư Thùy Dương đã thực hiện thế chấp toàn bộ dự án để thực hiện các dự án trên 3 khu đất này cho Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank) theo hợp đồng thế chấp số 672/HĐTC-PVCB-TDI-B9NAMTRUNGYEN ngày 4/12/2014. 

Theo hợp đồng này, phía Thùy Dương sẽ dùng toàn bộ các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản phí mà Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Handico - Thùy Dương thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển; Các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất của Dự án Tổ hợp bãi đỗ xe, phòng khám y tế, dịch vụ công cộng, trung tâm thương mại và xây dựng công trình hỗn hợp siêu thị, chợ, văn phòng cho thuê tại ô đất ký hiệu B9/CC1, B9/CC3 thuộc Khu đô thị mới Nam Trung Yên, Hà Nội của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Handico - Thuỳ Dương là chủ đầu tư làm tài sản thế chấp. 

....Giữ đất không làm dự án, đem tiền đi mua trái phiếu...bị lừa?

Quỹ đất thì hạn hẹp, không có lý do gì để dự án nằm "chết" hơn chục năm, giá trị đất đai lớn nằm tồn đọng, gây lãng phí. Chưa nói đến, khi dự án "treo" thì kéo theo hàng loạt những ảnh hưởng khác liên quan đến đời sống phát triển chung của thành phố, đất nước như vấn đề về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật…

Dân gian nôm na hay gọi là "xí phần". Chủ đầu tư cứ xin dự án rồi để đấy không triển khai. Có "ông" đợi đấy, lúc giá được thì "sang tay".  Trước khi có Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị vào năm 2013, các thành phố lớn xảy ra hiện tượng "vết loang" đô thị, nhà đầu tư cần đâu là "đánh dấu" vào đó, mạnh ai người nấy xin. Cuối cùng là hợp thức giao đất nhưng không làm. Nhưng đến khi triển khai lại xin điều chỉnh dự án làm tăng mật độ giao thông, nghiêm trọng hoá hơn vấn đề quy hoạch. 

HD6 (Handico 6) được cho là mã cổ phiếu đại diện của nhà Handico, đơn vị này trước đó bị phạt 300 triệu đồng do đăng ký giao dịch chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng. Cụ thể, Công ty trở thành công ty đại chúng trước ngày 01/01/2016. Tuy nhiên, ngày 01/04/2020, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội mới nhận được hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu của Công ty.

Handico6 không chỉ dính hàng loạt "lùm xùm" về các dự án bất động sản do mình triển khai, mà đơn vị này còn từng bị UBCK ban hành quyết định về việc xử phạt 360 triệu vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Ngày 27/8/2020, UBCK đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Handico 6.

Bên cạnh đó, Handico 6 còn chịu thêm mức phạt 60 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với các tài liệu: Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2017, 2018; Báo cáo thường niên năm 2018; Nghị quyết họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Như vậy, tổng mức xử phạt đối với Handico 6 là 360 triệu đồng.

Giữ đất là vậy, nhưng Handico quản lý tài chính chưa hiệu quả, tiền không làm dự án đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhưng gần như bất ổn. Chẳng hạn Handico6 vướng vụ trái phiếu của Tân Hoàng Minh và Việt Vương là hơn 27 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% vốn mua trái phiếu của Handico6. 

trich-bao-cao-tai-chinh-handico-1672802527.jpg
 

Tính đến nay, lãnh đạo của Tân Hoàng Minh đã rơi vào vòng lao lý vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các lô trái phiếu nhiều nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp này bán ra vẫn đang được cơ quan chức năng hỗ trợ tìm cách giải quyết cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, để đòi được tiền mua trái phiếu là cả một chặng đường dài.

Còn đối với Việt Vương, tại Báo cáo tài chính năm 2021, CTCP Việt Vương nhận định có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn nhờ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và tiền thu từ các tài sản tài chính đáo hạn. Tuy nhiên trên thực tế, Việt Vương đã không thể trả tiền gốc trái phiếu cho nhà đầu tư khi đến hạn.

CTCP Việt Vương đã phát hành lô trái phiếu riêng lẻ trên vào ngày 3/8/2021, đáo hạn ngày 3/8/2022. Lô trái phiếu trị giá 150 tỷ đồng với kỳ hạn là 12 tháng, lãi suất 11%/năm. Tài sản đảm bảo 1 là 75% cổ phần của CTCP Việt Vương, tài sản đảm bảo 2 là 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Hà Lộc, Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ thuộc sở hữu của ông Lê Phượng Hoàng. 

Mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của CTCP Việt Vương. Theo công bố, lô trái phiếu này được bán cho 33 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh mặc dù đã quá hạn nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chưa nhận được tiền gốc thanh toán trái phiếu do CTCP Việt Vương phát hành, tính đến giữa tháng 9/2021. 

Bên cạnh đó, năm 2021 lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh của Việt Vương âm 199 tỷ đồng, Công ty bù đắp dòng tiền này bằng cách tăng các khoản vay ngắn hạn dẫn tới áp lực trả nợ trong năm 2022 tăng lên. Nếu công ty không có các biện pháp thu hồi công nợ phải thu khách hàng cũng như đẩy nhanh tiền độ hoàn thành hợp đồng và giải phóng hàng tồn kho thì năm 2022 sẽ là năm khó khăn cho Việt Vương trong việc cân đối các dòng tiền để thanh toán các khoản công nợ.