Xác định giá đất chiếm trên 50% vướng mắc của các
Dự án Làng sinh thái, du lịch, đô thị đầm Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) bỏ hoang bởi gặp nhiều khó khăn trong việc xác định giá đất (Ảnh: Trần Kháng).
Theo Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân gây khó khăn, vướng mắc cho các dự án là liên quan đến pháp luật về đất đai. Cụ thể, khó khăn vướng mắc trong tính tiền sử dụng đất, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất... Đặc biệt, việc xác định đâu là giá đất "thị trường" chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án.
"Cơ quan chức năng e ngại, sợ trách nhiệm gây thất thoát nếu định giá thấp hơn thị trường. Nhiều trường hợp định giá cao hơn giá giao dịch thực tế gây khó khăn cho doanh nghiệp triển khai thực hiện", Bộ Xây dựng nêu.
Tiếp đó, vướng mắc liên quan pháp luật về quy hoạch như: Quy hoạch chi tiết 1/500 không phù hợp với quy hoạch cấp trên; thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; điều kiện, thời điểm rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo đồng bộ quy hoạch xây dựng…, đang gây ra khó khăn trong việc triển khai dự án.
Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện việc triển khai dự án khu đô thị, nhà ở tại nhiều địa phương gặp vướng mắc, khó khăn liên quan đến pháp luật về đầu tư. Đơn cử như: Phải thực hiện thẩm định, điều chỉnh chủ trương đầu tư khi điều chỉnh tiến độ dự án vì nguyên nhân khách quan, chủ quan…; điều chỉnh dự án khi vi phạm chậm đưa đất vào sử dụng; không cho phép chấp thuận chủ trương đồng thời lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại khi nhà đầu tư đã có quyền sử dụng "đất khác" nhưng không phải đất ở…
Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, đối với các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về nhà ở, đô thị...
Người thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm
Về tổ chức thực thi pháp luật của các địa phương, Bộ Xây dựng cho biết, tổ chức, người thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đẩy hồ sơ lòng vòng, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định.
Nhiều địa phương chưa tập trung, chú trọng rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân, lý do các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai.
Không ít địa phương chưa chủ động tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, dự án bất động sản đang gặp phải để kịp thời tháo gỡ.
Các địa phương chưa kịp thời ban hành các quy định cụ thể theo thẩm quyền để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và các quy định pháp luật khác có liên quan như: Điều kiện, tiêu chỉ, quy mô, tỷ lệ được tách diện tích đất trong dự án bất động sản thành dự án độc lập đối với các diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại.
Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, nhiều thông tin xã hội không chính xác, không chính thống về tài chính, tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, xử lý vi phạm tại một số doanh nghiệp đã gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư dẫn đến e ngại, nghe ngóng, tạm dừng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản mà chuyển sang các kênh đầu tư khác khiến doanh nghiệp không bán được hàng, không có dòng tiền, khó khăn trong thanh khoản gây ảnh hưởng xấu đến thị trường.