Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bên cạnh đó, những lo ngại về việc Việt Nam liệu có đủ nguồn cung về ngoại hối để bình ổn tỷ giá, trước các biến động khôn lường của thị trường thế giới, cũng được đặt ra.
Trong những ngày đầu tháng 3/2022, thị trường tài chính toàn cầu vẫn đang tiếp tục xoay quanh xung đột giữa Nga – Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây. Diễn biến căng thẳng địa chính trị và quan hệ kinh tế toàn cầu đã khiến các đồng tiền trú ẩn an toàn đều tăng so với trước đó, trong đó, điển hình là đồng USD đã có những biến động trên thị trường thế giới.
Đối với tỷ giá USD/VND trong nước, theo ghi nhận chưa có diễn biến tăng đột biến do Việt Nam không chịu tác động trực tiếp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, áp lực đối với đồng VND đã xuất hiện khi đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế và áp lực lạm phát cao hơn từ giá dầu tiếp tục tăng cao
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng nguồn cung ngoại hối sẽ vẫn dồi dào trong năm 2022. Mặt khác, tình trạng xuất siêu dự tính sẽ tiếp tục trong năm 2022 khi các yếu tố vĩ mô vẫn đang ủng hộ. Theo tính toán của BSC, con số này ước tính đạt 5,2 – 6,9 tỷ USD. Cùng với đó, nguồn kiều hối ước tính có tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm ở mức 4,4% và đạt 18,9 tỷ USD vào năm 2022.
Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách thu mua ngoại tệ nhằm nâng cao dự trữ ngoại hối. BSC cho rằng, tỷ giá liên ngân hàng nhiều khả năng sẽ nằm trong khoảng từ 23.100 – 23.200 đồng/USD (tăng 0,7% - 1,2% so với năm 2021). BSC nhấn mạnh có 2 lý do để đưa ra dự báo trên, đó là: Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dừng việc thu mua trái phiếu và nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022, sẽ khiến nguồn cung USD suy giảm và từ đó, tăng mạnh giá trị đồng tiền này trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Mỹ loại Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ và quyết định gia tăng mối quan hệ thương mại song phương là tín hiệu tốt cho chính sách gia tăng dự trữ ngoại hối của NHNN. Điều này có thể đảm bảo biến động của tỷ giá nằm dưới biên độ 2% của NHNN.
Nhằm tiếp tục để cân đối nguồn ngoại tệ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ký quy chế mua bán ngoại tệ trong việc điều hành thị trường ngoại hối; đồng thời, tạo thuận lợi cho ngân sách nhà nước cân đối ngoại tệ, phục vụ cho các khoản chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ.
Theo đó, việc triển khai quy chế mua bán ngoại tệ sẽ tiếp tục tăng cường sự phối hợp của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách, điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một số cơ chế cụ thể của mua/bán ngoại tệ như giá ngoại tệ, rủi ro tỷ giá, tính minh bạch trong quy chế chưa được công bố.
Hiện Việt Nam vẫn đang có cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại hối đang ở mức cao nhất lịch sử, trong khi nền kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến cuối năm 2020 đạt 94,8 tỷ USD, đánh dấu chuỗi gia tăng mạnh mẽ kể từ năm 2016.
Đến cuối năm 2021, báo cáo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết giá trị dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng lên 105 tỷ USD. Đây là mức dự trữ ngoại hối cao kỷ lục của Việt Nam. Với Việt Nam, đà tăng mạnh những năm vừa qua ghi nhận chủ yếu từ hoạt động mua ròng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện. Năm 2020 đã đạt 94,8 tỷ USD, đánh dấu chuỗi gia tăng mạnh mẽ kể từ năm 2016.
Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định, Việt Nam vẫn duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại hối quốc gia gồm các cấu phần khác nhau như ngoại tệ, vàng, trái phiếu chính phủ nước ngoài,… được xác định và đánh giá lại tại các thời điểm.
Một khi lượng dự trữ ngoại hối dồi dào sẽ giúp cho Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa và giải pháp phù hợp trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Đặc biệt nhất là, chúng tạo nên sự thuận lợi trong việc điều hành linh hoạt và ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị của VND.
Dự trữ ngoại hối còn là một bộ đệm quan trọng giúp nền kinh tế trong nước chống đỡ lại các cú sốc từ bên ngoài, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, thị trường ngoại hối ổn định sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài tự tin bỏ vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, bởi họ ít phải lo ngại về rủi ro tỷ giá. “Chính sách tỷ giá luôn là một yếu tố vĩ mô quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài xem xét khi họ có ý định đầu tư vào Việt Nam”, ông Hiếu khẳng định.