Trong báo cáo mới nhất về tình hình thị trường thép Việt Nam được công bố cuối tuần qua, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết trong tháng 7/2022, bán hàng thép các loại đạt 1,99 triệu tấn, giảm đến 11,48% so với tháng trước và giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Phải tự bù lỗ dù giá thép đã “nguội”
Việc sụt giảm đầu ra như vậy không chỉ khiến doanh thu của các doanh nghiệp (DN) ngành thép sụt giảm mà còn phảng phất “sức khoẻ” của các DN ngành xây dựng khi sắt thép vốn chiếm tỷ trọng lớn trong vật liệu xây dựng.
Đặc biệt là trong nửa đầu tháng 8/2022, nhiều DN đã thông báo giảm giá thép trong nước đến lần thứ 12 chỉ trong gần 3 tháng. Tuy vậy, nhu cầu tiêu thụ thép được dự báo có thể sẽ tiếp tục hạ nhiệt và kéo dài đến hết quý 3/2022. Điều này được cho là vì đã qua mùa cao điểm xây dựng, tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, ngân hàng siết tín dụng bất động sản…
Điều đáng nói, dù cho giá thép đã “nguội” phần nào đó giúp giảm chi phí xây dựng, thế nhưng các nhà thầu vẫn đang chịu áp lực về “bão giá” vật liệu xây dựng.
Tính đến nửa quý III này, so với quý trước, những đánh giá cho thấy hoạt động của các nhà thầu xây dựng khó khăn hơn do vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi giá vật liệu xây dựng còn neo cao. Bởi lẽ, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp dùng cho hoạt động sản xuất luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất của các DN xây dựng.
Cần nhắc lại một cuộc thăm dò trong các DN xây dựng của Tổng cục Thống kê về tình hình quý III/2022 với khó khăn đã được lường trước, có tới 60,7% DN dự báo chi phí nguyên vật liệu tăng so với quý II/2022, chỉ có 26,2% DN cho rằng không đổi và 13,1% DN dự báo giảm.
Theo giới phân tích, dù giá thép có sụt giảm thì việc tăng giá các nguyên vật liệu khác dùng cho xây dựng đã tác động trực tiếp đến giá thành xây dựng các công trình, dự án đã ký kết. Các nhà thầu xây dựng phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng đối với các hợp đồng đã ký.
Và nghịch lý đang diễn ra khi rất nhiều nhà thầu hiện nay càng làm càng lỗ vì đơn giá, định mức còn chưa đáp ứng được thực tế công việc. “Bão giá” vật liệu xây dựng chính là một cản trở rất lớn cho họ khi phải bù lỗ và không được các nhà đầu tư trợ giá.
Với hệ thống định mức, đơn giá như hiện tại, nhiều nhà thầu cho rằng họ "càng làm càng chết". Để thực sự cải tiến hệ thống định mức, đơn giá thì rất cần sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan có liên quan.
Chính vì vậy mà vừa qua, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) có gửi văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị Chính phủ yêu cầu các tỉnh công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp giá cả thực tế của thị trường nơi xây dựng công trình làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu điều chỉnh giá hợp đồng.
Cần chỉ số giá phù hợp
Ông Trần Chủng, Chủ tịch VARSI, cho rằng tính chuyên nghiệp của các nhà đầu tư, nhà thầu hiện nay cần phải được nâng cao, phải nhìn nhận đầy đủ các rủi ro. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay mà không thể một sớm một chiều có thể giải quyết ngay được, đó là công bố giá và chỉ số điều chỉnh giá vật liệu xây dựng.
Theo ông Chủng, cần lường trước các tình huống để có thể xây dựng bộ đơn giá, chỉ số giá cho loại công trình đầu tư công cấp đặc biệt, chẳng hạn như đường cao tốc. Bên cạnh đó, để giảm bớt khó khăn cho các nhà thầu thì có thể nên công bố cơ chế đặc thù để hỗ trợ kịp thời, điều chỉnh giá, để bù giá cho một số tình huống.
Đơn cử như với các gói thầu thuộc các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 được đầu tư theo hình thức đầu tư công, hợp đồng giữa nhà thầu với Bộ Giao thông Vận tải có quy định việc điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, theo VARSI, việc công bố chỉ số giá của các địa phương chưa kịp thời, chưa sát với thực tế giá thị trường, chưa có chỉ số giá phù hợp với đặc tính của đường cao tốc và các công trình đặc thù như hầm đường bộ, gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu thi công, thậm chí nhiều nhà thầu thua lỗ nhưng vẫn phải làm do tuân thủ hợp đồng đã ký.
Thay cho tình trạng bất ổn, để các nhà thầu xây dựng ổn định thi công trong thời gian tới, giới chuyên gia nhấn mạnh cần quyết liệt và kịp thời hơn nữa để bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho ngành xây dựng.
Như khuyến nghị của Tổng cục Thống kê, cần hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật, đặc biệt với các công trình giao thông để đảm bảo đúng tiến độ.
Ngoài ra, rất cần đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các nhà thầu thi công. Hơn nữa, nên tạo điều kiện cho DN nhà thầu tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn thông qua các thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng.
Đặc biệt là nên bổ sung vốn kịp thời cho các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, hạn chế tình trạng nợ đọng thanh toán cho các công trình làm ảnh hưởng đến vòng quay vốn của các nhà thầu.