Đường tới Bamboo Airways của đại gia Dương Công Minh

Trước khi hiện diện tại Bamboo Airways với vai trò cố vấn HĐQT, đã có nhiều giao dịch, nhân sự của FLC và Bamboo Airways liên quan tới ông Dương Công Minh.

Công ty CP Hàng không Tre Việt - Bamboo Airways vừa công bố việc ông Dương Công Minh trở thành cố vấn HĐQT. Quyết định được đưa ra không lâu sau khi Ban quản trị hãng hàng không này kiện toàn nhân sự và bầu ra chủ tịch mới là ông Nguyễn Ngọc Trọng.

Đáng chú ý, trước khi chính thức hiện diện tại Bamboo Airways, ông Dương Công Minh đã là nhân vật có nhiều liên quan tới các giao dịch, cá nhân tại hãng hàng không này và tập đoàn mẹ FLC.

Cụ thể, Sacombank - nơi ông Dương Công Minh làm chủ tịch - chính là một trong những chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC và Bamboo Airways.

Mối quan hệ Sacombank - FLC - Bamboo Airways

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tháng 4 vừa qua, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết ngân hàng này đã cho hệ sinh thái của FLC Group (bao gồm cả Bamboo Airways) vay trên 5.000 tỷ đồng. Các khoản vay chủ yếu được bảo đảm bằng cổ phiếu BAV và các dự án bất động sản.

Tuy nhiên, sau sự cố xảy ra với ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch FLC, Sacombank đã tiến hành tất toán trước hạn hàng nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay tại tập đoàn này.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của FLC, trong nửa đầu năm nay, Sacombank đã cấp cho tập đoàn một khoản tín dụng ngắn hạn gần 64 tỷ đồng, khoản vay này sau đó được tất toán trước ngày 30/6.

Tương tự, đầu năm, Sacombank cũng có khoảng 1.840 tỷ đồng dư nợ cho vay dài hạn tại FLC, nhưng đến cuối tháng 6, toàn bộ số nợ vay này đã được tất toán.

Không chỉ là một trong những chủ nợ chính của FLC Group, tháng 4/2021 trước đó, Sacombank đã ký kết hợp tác trở thành đối tác toàn diện của Bamboo Airways.

ong-duong-cong-minh-tai-buoi-ky-ket-hop-tac-toan-dien-giua-sacombank-va-bamboo-airways-nam-2021-1660725553.jpg
Ông Dương Công Minh tại buổi ký kết hợp tác toàn diện giữa Sacombank và Bamboo Airways năm 2021. Ảnh: STB.

Không lâu sau đó, ông Trịnh Văn Quyết đã dùng 18 triệu cổ phần BAV (Bamboo Airways) để bảo đảm cho một khoản vay phát sinh tại Sacombank. Trong hợp đồng cầm cố tài sản, Sacombank chốt giá xử lý cổ phần BAV ở mức 8.500 đồng/đơn vị, tương ứng định giá của ngân hàng là 153 tỷ đồng cho lô cổ phần ông Quyết cầm cố.

Cũng trong giai đoạn tháng 5-10/2021, ông Quyết lần lượt mang 92 triệu cổ phần; 114,5 triệu cổ phần và 114,3 triệu cổ phần BAV làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại Sacombank.

Không riêng ông Quyết, cả bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ); Tập đoàn FLC; Công ty FLC Faros; Công ty Quản lý vốn và Tài sản FLC Holding… cũng từng phát sinh giao dịch thế chấp hàng chục triệu cổ phần BAV tại Sacombank.

Hình bóng doanh nghiệp liên quan

Không dừng ở việc liên quan các giao dịch cho vay, một số nhân sự mới tham gia HĐQT FLC và Bamboo Airways cũng được cho là có liên quan tới vị đại gia gốc Bắc Ninh.

Cụ thể, trong chia sẻ mới đây, cựu Chủ tịch Bamboo Airways Đặng Tất Thắng cho biết đã “chuẩn bị sẵn sàng để chuyển giao Bamboo Airways với nhà đầu tư mới”.

Đến phiên họp bất thường vừa qua, cổ đông hãng bay này đã thống nhất bầu ông Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm, Nguyễn Mạnh Quân và Doãn Hữu Đoàn vào HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024, thay thế các thành viên đã từ nhiệm.

Trong đó, HĐQT hãng bay này thống nhất bầu ông Nguyễn Ngọc Trọng làm chủ tịch; ông Doãn Hữu Đoàn làm phó chủ tịch thường trực và ông Lê Bá Nguyên giữ chức phó chủ tịch.

Đáng chú ý, ông Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Doãn Hữu Đoàn cũng là 3 nhân sự mới tham gia HĐQT của FLC.

Theo nguồn tin của Zing tại tập đoàn này, một trong những nhân sự mới tham gia HĐQT FLC và Bamboo Airways là người có liên quan tới ông Dương Công Minh.

dai-hoi-co-dong-bat-thuong-cua-flc-1660725641.jpg
Ông Lê Thái Sâm (thứ 3 tính từ bên phải) tham gia HĐQT tại cả FLC và Bamboo Airways trong đợt thay tướng của hai doanh nghiệp. Ảnh: FLC.

Theo tìm hiểu, ông Lê Bá Nguyên là anh vợ của ông Trịnh Văn Quyết. Trước khi trở lại FLC làm chủ tịch, ông Nguyên cũng từng là thành viên HĐQT tại tập đoàn này trong giai đoạn 2013-10/2017 và tháng 6/2018-6/2020.

Ngoài ra, ông Nguyên cũng từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Y tế Hà Thành, Công ty CP Tập đoàn Dược phẩm ATS.

Trong khi đó, ông Doãn Hữu Đoàn hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP An Khang Phú Thịnh, Thành viên HĐQT Công ty CP Sách Đại học - Dạy nghề (HEV) và làm việc tại Công ty CP Chứng khoán MB (MBS). Trước đây, ông từng có thời gian làm việc tại Ngân hàng ACB và Công ty CP Chứng khoán Vietcombank (VCBS).

Còn về ông Lê Thái Sâm, ông tốt nghiệp tại Đại học Kinh tế Quốc dân TP.HCM và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, tài chính ngân hàng. Theo giới thiệu của FLC, ông Sâm có nhiều mối quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn.

Hiện tại, ông là người đại diện theo pháp luật của một loạt doanh nghiệp như Công ty CP Sắt thép Cửu Long; Công ty CP Thép Thăng Long; Công ty TNHH Sun hay Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Huỳnh Nguyên.

Đáng chú ý, cá nhân này từng là Ủy viên HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại DIC (DIC) - công ty liên kết của DIC Corp (DIG) - giai đoạn 2009-2012. Trong đó, Him Lam của ông Dương Công Minh cũng từng hiện diện tại DIG với vai trò cổ đông lớn giai đoạn 2020-2022.

Ngoài ra, ông Sâm cũng từng là Thành viên HĐQT Công ty CP Khu công nghiệp Suối Dầu (Sudazi) giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Sudazi là doanh nghiệp phát triển dự án Khu công nghiệp Suối Dầu quy mô 133,95 ha tại tỉnh Khánh Hoà.

Dự án này do Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hoà (TIC) - doanh nghiệp có nhiều giao dịch tài chính với Công ty Chứng khoán Liên Việt và LienVietPostBank - làm chủ đầu tư.

Trước đó, ông Lê Thái Sâm cũng từng dùng 125.000 cổ phần BAV thế chấp tại LienVietPostBank để đảm bảo cho một khoản vay cá nhân tại ngân hàng này.

Trên thị trường, bên cạnh Him Lam, Chứng khoán Liên Việt cùng LienVietPostBank đều là những doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của đại gia Dương Công Minh.

Chủ nợ mới của FLC

Dù chỉ là thành viên HĐQT độc lập tại FLC, trên báo cáo tài chính mới công bố, ông Lê Thái Sâm lại đóng vai trò quan trọng hơn nhiều tại tập đoàn này.

Theo đó, sau khi Sacombank tất toán hàng nghìn tỷ đồng nợ vay tại FLC, đến cuối tháng 6, ông Sâm đã trở thành một trong những chủ nợ lớn nhất tại FLC.

Tính đến ngày 30/6, FLC có số dư nợ vay và thuê tài chính khoảng 5.126 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu năm, số dư vay ngắn hạn là 1.534 tỷ. Trong đó, riêng ông Sâm đã cho tập đoàn vay 621 tỷ đồng ngắn hạn.

Thực tế, số tiền cá nhân này cho FLC vay ngắn hạn trong nửa đầu năm nay lên tới 870 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng tiền vay ngắn hạn phát sinh trong kỳ. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6, FLC đã tất toán 249 tỷ đồng dư nợ vay trong số này và còn nợ lại 621 tỷ.

Số tiền kể trên được ông Sâm cấp cho FLC thông qua 4 hợp đồng vay tín chấp, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 7%/năm. Mục đích vay là bổ sung vốn lưu động, thanh toán cho hợp đồng 16C/2016 và 658/2017 của Faros.