Theo như báo cáo tài chính của quý 2 năm nay, tổng tài sản của Tập đoàn FLC tính đến ngày 30/06/2022 là 36.300 tỷ đồng, so với thời điểm đầu năm đã tăng 7,4%. Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn là 15.406,9 tỷ đồng, tăng 13,4% so với hồi đầu năm và chiếm 42,4% tổng tài sản của tập đoàn.
Sau khi kết thúc quý 2, FLC lỗ sau thuế 640 tỷ đồng do phát sinh khoản lỗ đột biến từ công ty liên doanh liên kết lên tới hơn 317 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính trong kỳ này cũng giảm mạnh, chỉ còn bằng 1/10 so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời, tập đoàn cũng ghi nhận nhiều thay đổi đáng kể trong cấu trúc vay nợ.
Cụ thể, tính đến ngày 30/6, tổng nợ vay cả ngắn và dài hạn của FLC là 5.126,4 tỷ đồng, so với thời điểm đầu năm đã giảm khoảng 1.078 tỷ đồng. Đáng chú ý, tập đoàn này đã tất toán xong khoản nợ 1.840 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank – Mã: STB).
Đồng thời, một cá nhân khác là ông Lê Thái Sâm cũng cho tập đoàn FLC vay tín chấp 621 tỷ đồng thông qua 4 hợp đồng vay được ký rải rác kể từ tháng 4 cho đến tháng 6 năm nay. Được biết, những khoản vay này có kỳ hạn 12 tháng, lãi suất là 7%/năm. Ông Lê Thái Sâm là thành viên HĐQT FLC mới được bổ nhiệm kể từ ngày 2/7. Trong biên bản của ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 lần hai của FLC, ông Sâm chính là người có số phiếu bầu cao nhất và đạt 265,9 triệu cổ phần, con số này tương đương 100,26% (bầu dồn phiếu) số cổ phần tham dự đại hội.
Bên cạnh ông Lê Thái Sâm, FLC còn nhận được thêm một dòng vốn cho vay tín chấp khác đến từ CTCP Tập đoàn Homeliday (Homeliday Group). Tính riêng trong nửa đầu năm, Homeliday Group đã cho Tập đoàn FLC vay tín chấp 185 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Được biết, khoản vay này có lãi suất 12%/năm thời hạn đến hết ngày 30/6/2022. Đáng chú ý, hợp đồng vay vốn giữa FLC và Homeliday Group được đề ngày 1/3/2022, chưa tròn 1 năm kể từ khi Homeliday Group thành lập.
Số tiền mà Homeliday Group cho Tập đoàn FLC vay tín chấp tương đương 92,5% vốn điều lệ của công ty này, thể hiện sự tin tưởng gần như tuyệt đối của chủ doanh nghiệp này dành cho FLC.
Tiền thân của Homeliday là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản BHS (BHS Invest) - một thành viên thuộc BHS Group. BHS Group được thành lập vào giữa năm 2019, chủ yếu hoạt động trong mảng tư vấn phát triển bất động sản, quản lý bán hàng. Tập đoàn này được dẫn dắt bởi nhiều lãnh đạo cũ thuộc Công ty Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land).
Đáng chú ý, Homeliday Group được nhiều người biết đến là nhà phát triển của dự án Homeliday Eo Gió (tên cũ là FLC Eo Gió Sun Bay) do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Quy mô của dự án này lên đến 90.500 m2 và thuộc quần thể FLC Quy Nhơn Beach & Golf Resort. Dự án được khởi công từ tháng 11/2021, dự kiến đến quý 3/2023 sẽ hoàn thành.
Đăng ký kinh doanh của Homeliday cho thấy, bốn lãnh đạo của BHS Group chính là bốn cổ đông của doanh nghiệp này. Cổ đông lớn nhất là ông Nguyễn Thọ Tuyền - cựu CEO Cen Land Nguyễn Thọ Tuyển.