GELEX (GEX) và thương vụ thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp nhà nước

Từ một doanh nghiệp không mấy tiếng tăm, sau khi tiến hành cổ phần hoá vào năm 2010 GELEX (GEX) trở nên lớn mạnh. Cho đến thời điểm hiện tại, GELEX đã sở hữu tổng tài sản lên tới 5 tỷ USD.

Bán 122 triệu cổ phiếu GEX trong vòng 30 phút

GELEX (HOSE - Mã chứng khoán: GEX) tiền thân là Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện, được thành lập từ năm 1990, do Bộ Công thương quản lý. Năm 2010, công ty này tiến hành cổ phần hóa và đổi tên thành Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (GELEX).

Còn nhớ, ngày 25/12/2015, Bộ Công thương thoái vốn, bán 122 triệu cổ phiếu GEX, tương đương 78,74% vốn điều lệ, tổng giá trị hơn 2.100 tỷ đồng.

Trước đó 1 ngày, ngày 24/12/2015, Bộ Công thương có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc thoái vốn. Ngay trong ngày hôm sau, chỉ trong vòng 30 phút trên sàn UPCOM, 122 triệu cổ phiếu GEX đã được khớp lệnh ở mức giá 17.700 - 17.800 đồng/cổ phiếu.

0035-5-nguyen-van-tuan-2-1578
Ông Nguyễn Văn Tuấn (ảnh báo Thanh niên)

Sự việc này khiến cho nhà đầu tư vào thời điểm đó trở tay không kịp. Bởi chỉ 1 ngày, hiếm có cá nhân, tổ chức nào có thể chuẩn bị được lượng tiền mặt khoảng 2.100 tỷ đồng để mua số cổ phiếu trên.

Tại đại hội cổ đông năm 2016 của GELEX, ông Nguyễn Văn Tuấn (Sinh năm 1984) có quê quán tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam được bầu vào làm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của GELEX.

Dòng tiền của GELEX đến từ đâu?

Theo thông tin trên báo Nhân dân, đến thời điểm hiện tại, trong số các cổ đông lớn nhất của GELEX có ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn GELEX. Ông Tuấn sở hữu hơn 192 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 22,58% vốn điều lệ. Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX (thành lập tháng 4/2016, vốn điều lệ 800 tỷ đồng, chủ sở hữu là Công ty TNHH Thiết bị và xây lắp Huy Hoàng, có thành viên góp vốn là bà Đào Thị Lơ và bà Dương Thị Hồng Hạnh - vợ ông Tuấn) sở hữu hơn 113 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 13,3% vốn điều lệ.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch và môi trường ECO & MORE sở hữu hơn 24 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 4,95% vốn điều lệ; bà Đào Thị Lơ sở hữu 24 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 4,9% vốn điều lệ; Công ty Cổ phần MHC (tiền thân là Công ty Cổ phần Hàng hải Hà Nội, thành lập tháng 11/1998, vốn điều lệ hiện nay 414 tỷ đồng) sở hữu hơn 19 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 4,02% vốn điều lệ...

0120-gelex2
Tổng công ty Viglacera

Sau hoạt động thoái vốn của cổ đông Nhà nước, GELEX đã thực hiện tái cấu trúc nhằm phục vụ kế hoạch phát triển. Trong đó có thoái vốn theo lộ trình tại các công ty không thuộc ngành nghề kinh doanh lõi (sản xuất, kinh doanh thiết bị điện) như: thoái vốn tại CTCP Chế tạo bơm Hải Dương (HNX - Mã: CTB), CTCP Khí cụ điện 1 – Vinakip, CTCP Vật tư và Xây dựng Hà Nội (HMCC),…

Về mảng bất động sản, ngoài việc gián tiếp sở hữu Khách sạn Melia Hà Nội, GELEX cũng đầu tư Dự án số 10 Trần Nguyên Hãn với tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn văn phòng cho thuê, với tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng.

Năm 2021, GELEX hoàn thành mua và chi phối Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) với tỷ lệ 50,21% vốn điều lệ. Dư luận cho rằng, sở dĩ có cuộc thâu tóm này là do Viglacera đang "sở hữu", nắm giữ hàng nghìn hecta đất "vàng" khu công nghiệp, đất dự án khu đô thị...nằm rải tác khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trước đó, năm 2018, GELEX cũng đã mua và sở hữu chi phối CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco). Công ty này gây ồn ào dư luận về trách nhiệm liên quan trong vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước của nhà máy nước sạch Sông Đà làm ảnh hưởng hàng vạn hộ dân ở Thủ đô.

Cho đến thời điểm hiện tại GELEX trở thành một tập đoàn đa ngành nghề. Theo tính toán, tổng tài sản khoảng 5 tỷ USD. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 cho thấy, GELEX lãi sau thuế 694 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận chủ yếu từ Viglacera đóng góp. Còn báo cáo tài chính riêng lẻ công ty mẹ thì GELEX chỉ lãi có 19,6 tỷ đồng.

GELEX có nợ phải trả lên tới 39.787 tỷ đồng với hệ số nợ 0.65. Sâu hơn, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu khoảng 1,83 lần. Đặc biệt, vay và nợ thuê tài chính của GELEX hơn 22.773 tỷ đồng, chiếm 57% nợ phải trả. Trong đó, vay ngân hàng khoảng 14.779 tỷ đồng (vay ngắn hạn 6.637 tỷ đồng và dài hạn 8.142 tỷ đồng).

Còn trước đó, tính đến thời điểm ngày 31/12/2021, theo số liệu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của GELEX và các công ty thành viên là 6.820 tỷ đồng, bao gồm: CTCP Tập đoàn GELEX (GEX) có 10 lô trái phiếu, tổng giá trị phát hành 4.550 tỷ đồng; CTCP thiết bị điện Gelex có 2 lô trái phiếu, tổng giá trị phát hành 870 tỷ đồng; CTCP hạ tầng Gelex có 1 lô trái phiếu, tổng giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng; CTCP thiết bị điện có 1 lô trái phiếu, giá trị 400 tỷ đồng.

Thông tin mà Công ty Cổ phần Tập đoàn GELEX công bố sáng 21/4, ông Nguyễn Văn Tuấn, Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Tổng giám đốc GELEX, đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu GEX để nâng tỷ lệ sở hữu. Phương thức giao dịch là thoả thuận hoặc khớp lệnh theo quy định của pháp luật; thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 25//.2022 đến ngày 25/5/2022.

Nếu giao dịch thành công, số cổ phiếu GEX thuộc sở hữu của ông Tuấn sẽ tăng từ 192,3 triệu (tương ứng 22,58% cổ phần) lên 202,3 triệu cổ phiếu (tương ứng 23,75% cổ phần).