Giá vàng 'nhảy múa'

Giá vàng SJC trong tuần đã lập kỷ lục ở mức 73-74 triệu đồng/lượng (ngày 8-3), tăng khoảng 12-13 triệu đồng/lượng so với đầu năm. Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại TPHCM nhận định, thị trường vàng trong nước biến động mạnh một mặt do chịu ảnh hưởng xu hướng tăng của giá vàng thế giới, nhưng cũng có nguyên nhân nguồn cung vàng SJC trên thị trường không dồi dào.

Giao dịch vàng tại một cửa hàng ở TPHCM. Ảnh: TẨN HUỲNH

Có bị “làm giá”?

Chị Hồng Thúy (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, chị đã mua 30 lượng vàng vào năm 2020 với giá khoảng 43 triệu đồng/lượng, nay giá vàng đã tăng gần gấp đôi nhưng chị vẫn không bán. Không chỉ chị Thúy, người Việt Nam từ xưa đến nay luôn có tâm lý xem vàng là tài sản để dành và tích trữ. Mặc dù không có con số chính thức nhưng theo một số thống kê, số vàng được người dân cất tủ ước khoảng 500 tấn.

Tâm lý chuộng vàng của người dân đã song hành cùng giá vàng SJC nhảy múa thời gian qua, cũng như bất hợp lý khi so sánh với giá vàng thế giới. Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới tăng từ 1.830 USD/ounce (tương đương khoảng 50,2 triệu đồng/lượng) lên 1.985 USD/ounce (55,2 triệu đồng/lượng), tăng khoảng 5 triệu đồng/lượng, thì giá vàng SJC trong nước tăng từ 61 triệu đồng/lượng lên 73 triệu đồng/lượng (trong ngày 8-3), tăng đến 12 triệu đồng/lượng.

Trong 2 tuần qua, giá vàng SJC trong nước biến động mạnh và liên tục lập đỉnh mới nhưng diễn biến giá vàng trong nước có nhiều ngày lại trái chiều với biến động của giá vàng thế giới. Khi giá vàng thế giới giảm nhưng giá vàng trong nước vẫn tăng; giá vàng thế giới tăng một thì giá vàng trong nước tăng 1,2-1,5 lần…. Chênh lệch giá vàng SJC trong nước so với thế giới trong tuần có thời điểm lên đến gần 20 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới khoảng 30%.

Nhà đầu tư mua vàng tại TPHCM. Ảnh: PHAN LÊ

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, một chuyên gia về vàng, đánh giá, thời gian gần đây, giá vàng SJC tăng kỷ lục do các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn điều chỉnh giá vàng SJC trong nước tăng quá đà so với giá vàng thế giới, ngay cả khi thị trường rất ít giao dịch. Giá vàng SJC hiện không hẳn phản ánh cung cầu thị trường mà do ý chí tạo giá của các đơn vị kinh doanh trong bối cảnh giá vàng thế giới đang có xu hướng tăng. Và để phòng ngừa rủi ro, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng nới rộng khoảng cách mua và bán 2,2-2,5 triệu đồng/lượng, đẩy rủi ro cho người mua. Nhìn ở góc độ khác, một chuyên gia về vàng nhận định, việc giá vàng SJC bị “làm giá” là có, thực tế chứng minh điều này. Tháng 8-2020,

khi giá vàng thế giới lập đỉnh lịch sử ở mức 2.063 USD/ounce, giá vàng SJC thời điểm đó cũng lập đỉnh ở mức 62 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, ngày 8-3 vừa qua, giá vàng SJC lập đỉnh tiếp theo ở mức 73-74 triệu đồng/lượng, tăng 12-13 triệu đồng/lượng so với đỉnh giá vàng SJC trước đó, trong khi giá vàng thế giới ngày 8-3 lại thấp hơn khoảng 70 USD/ounce so với đỉnh trong năm 2020.

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế quá cao có thể làm ảnh hưởng đến tỷ giá trong nước, nếu mức chênh lệch này được duy trì thời gian dài sẽ khó tránh việc buôn lậu vàng diễn ra phức tạp.

Rủi ro đầu cơ “ôm vàng”

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, phân tích, hiện nay giá vàng được “điều chỉnh” bởi yếu tố căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng của thị trường vàng chỉ là cục bộ và nhà đầu tư cần cẩn trọng vì giá vàng SJC trong nước liên tục nhảy múa, thậm chí chỉ trong một ngày giá vàng SJC được điều chỉnh tăng giảm đến 3-4 triệu đồng/lượng.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện vàng được coi là tài sản đầu cơ vì chiến sự đang xảy ra. Việc phụ thuộc hoàn toàn vào căng thẳng này sẽ khiến cho giá kim loại quý biến động khó lường, có thể tiếp tục đi lên nhưng cũng có thể lao dốc bất cứ lúc nào. Chẳng hạn khi có thông tin tích cực về đàm phán của hai bên thì giá vàng, giá dầu sẽ hạ nhiệt ngay. Đó là ẩn số lớn nhất, nên rất khó dự báo chính xác với giá vàng, vì vậy đầu tư vào vàng trong thời điểm biến động mạnh là rất rủi ro.

So sánh giá vàng biến động qua 15 ngày chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: NGỌC TRÂM

Trước đây, NHNN đã từng cho phép các ngân hàng thương mại huy động và cho vay vốn bằng vàng đã bộc lộ nhiều bất cập dẫn đến tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, gây khó khăn cho công tác quản lý, nhiều ngân hàng và cá nhân thua lỗ lớn do kinh doanh vàng; tình trạng đầu cơ vàng dẫn đến nhiều đợt biến động tỷ giá, thị trường vàng trong nước trải qua nhiều cơn sốt ảo khi giá vàng thế giới tăng…

Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng với quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, đã dập tắt được cơn sốt vàng, góp phần ổn định tỷ giá suốt thời gian qua. Và hiện nay, NHNN vẫn kiên định với chủ trương này. Hoạt động huy động và cho vay vàng của các ngân hàng đã chấm dứt, hiện ngân hàng chỉ giữ hộ vàng có thu phí.

Ông PHAN DŨNG KHÁNH, Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment: Với mức giá tăng mạnh như hiện nay, nhất là khi chênh lệch giữa giá mua và bán ở mức quá cao thì “lướt sóng” vàng thời điểm này sẽ rủi ro cao. Hiện giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới 25-30% là quá rủi ro nên muốn đầu tư vàng, người dân không nhất thiết phải mua vàng miếng SJC, bởi trên thị trường, nhiều thương hiệu vàng có cùng hàm lượng 9999 nhưng giá giao dịch thấp hơn, khoảng 56-58 triệu đồng/lượng, sát với giá vàng thế giới.

---------------------

Kiến nghị bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, nhiều năm qua hiệp hội đã có nhiều kiến nghị như: bỏ quy định việc NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng; không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như lâu nay mà nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất vàng miếng.

Bên cạnh đó, cho phép thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông giữa giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế; xem xét cho sản xuất thêm một lượng vàng miếng cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng khi giá vàng quốc tế tăng mạnh trở lại.

Đồng thời, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị NHNN xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ…

Thế nhưng đến nay, những kiến nghị trên vẫn chưa được giải quyết.

Đảo chiều liên tục

Giá vàng thế giới giảm sâu nên giá vàng SJC trong ngày 10-3 liên tục tăng - giảm. Đầu giờ sáng, giá vàng SJC giảm mạnh còn 67 triệu đồng/lượng bán ra, tức giảm khoảng 3 triệu đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm trước. Tuy nhiên, khi giá vàng SJC giảm sâu, tổng cộng khoảng 7 triệu đồng/lượng trong 2 ngày, nhà đầu tư đã mua vào trở lại nên cuối giờ chiều, các doanh nghiệp điều chỉnh giá tăng lên hơn 69 triệu đồng/lượng. Khoảng 16 giờ 30 tại TPHCM, Công ty SJC báo giá vàng SJC ở mức 67,9 triệu đồng/lượng mua vào và 69,7 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 700.000 đồng/lượng cả hai chiều mua và bán. Cùng thời điểm, tại Hà Nội, Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 67,3 triệu đồng/lượng mua vào và 69,3 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 1,2 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,1 triệu đồng/lượng chiều bán.

Trên thị trường vàng thế giới, sau khi lập đỉnh ở mức 2.073 USD/ounce ngày 9-3, giá vàng đã giảm hơn 61 USD/ounce, còn 1.992,8 USD/ounce tại giá chốt phiên trên sàn New York, đêm 10-3. Giá vàng giao ngay trên sàn Kitco chiều 10-3 (giờ Việt Nam) tiếp tục giảm còn 1.989 USD, mức giá này sau khi quy đổi tương đương khoảng 55 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 14,7 triệu đồng/lượng.