Giá vàng suy yếu

Trong bối cảnh giá vàng thế giới một lần nữa rơi xuống dưới vùng 1.790 USD/ounce, giá vàng miếng trong nước cũng có dấu hiệu suy yếu dù vẫn duy trì trên 58 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch cuối cùng của tháng 10 với phiên giảm sâu đêm qua (giờ Việt Nam). Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế giảm 14,8 USD trong phiên gần nhất, chốt tuần ở 1.784,3 USD/ounce, tương đương mức giảm ròng 0,8% trong ngày.

Nếu so với giá cao nhất mà vàng thế giới ghi nhận được trong tuần này, giá đóng cửa phiên cuối tuần thấp hơn 1,6%. Nếu so với cuối tuần trước, giá kim quý thế giới cũng giảm 7,7 USD, tương đương 0,43%.

Với giá tương lai, hợp đồng vàng giao tháng 12 hiện cố định ở mức 1.784,8 USD/ounce, cũng thấp hơn 0,9% so với phiên liền trước.

Tuần này (25-30/10), vàng thế giới đã khởi đầu với phiên tăng vọt lên vùng 1.810 USD/ounce, mức cao nhất trong gần 2 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, đồng USD mạnh lên và áp lực chốt lời của giới đầu tư tiếp tục là nguyên nhân khiến kim quý đóng cửa tuần dưới ngưỡng tâm lý quan trọng 1.800 USD.

Giá vàng miếng trong nước vẫn giữ được vùng giá cao hơn 58 triệu đồng/lượng nhưng đã giảm so với giữa tuần. Ảnh: Nam Khánh.

Theo ông Gary Wagner, chuyên gia phân tích giá vàng của Kitco, phiên giảm sâu của vàng đêm qua có nguyên nhân chính từ đồng USD tăng giá. Trong khi giá vàng giảm 0,8% trong ngày thì chỉ số USD-Index lại tăng 0,9%, hiện cố định ở 94,16 điểm.

Vị chuyên gia cũng cho rằng sự sụt giảm đáng kể của giá vàng phiên cuối tuần cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn tin rằng lạm phát không quá căng thẳng như các bên phân tích dự báo.

Điều này tạo ra niềm tin với một bộ phận nhà đầu tư rằng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải lùi thời gian tăng lãi suất để phục hồi kinh tế thay vì kiềm chế lạm phát.

Trong bối cảnh giá vàng thế giới một lần nữa đóng cửa tuần dưới 1.800 USD/ounce, giá vàng miếng trong nước dù vẫn giữ được vùng giá trên 58 triệu đồng/lượng, nhưng cũng đã giảm đáng kể so với đỉnh ghi nhận được trong tuần này.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hôm nay niêm yết giá vàng miếng ở mức 57,75 - 58,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng so với cuối ngày 29/10. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp mà SJC đưa ra với mặt hàng vàng miếng tuần này.

So với mức đỉnh ghi nhận trong tuần (58,7 triệu/lượng), giá vàng miếng tại đây hiện đã giảm 250.000 đồng/lượng.

Tuy nhiên, so với cuối tuần trước, giá vàng miếng tại SJC hiện vẫn cao hơn 200.000 đồng.

Tương tự, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hôm nay cũng ghi nhận phiên giảm giá thứ 2 liên tiếp với mặt hàng vàng miếng, hiện chấp nhận mua vào ở mức 57,7 triệu/lượng và bán ra ở 58,4 triệu đồng.

So với phiên liền trước, giá vàng miếng tại PNJ đã giảm 100.000 đồng và thấp hơn 300.000 đồng so với đỉnh ghi nhận trong tuần (cũng ở 58,7 triệu/lượng phiên 28/10).

Dù giảm 2 phiên cuối tuần, nhưng giống SJC, giá vàng miếng tại PNJ hiện vẫn cao hơn 200.000 đồng so với cuối tuần trước.

Cũng tại doanh nghiệp này, giá vàng nhẫn do PNJ tự chế tác hiện phổ biến ở mức 51,5 - 52,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), thấp hơn 200.000 đồng so với ngày 29/10.

Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện chấp nhận mua vào vàng miếng với giá 57,7 triệu/lượng và bán ra ở 58,35 triệu/lượng, thấp hơn 50.000 đồng so với cuối ngày hôm qua.

Hiện tại, DOJI là doanh nghiệp niêm yết giá bán vàng miếng thấp nhất thị trường trong nước.

Với diễn biến trái chiều của giá vàng trong nước và thế giới tuần này, chênh lệch giá giữa 2 thị trường đã bị nới rộng lên mức 9,25 triệu đồng. Trong đó, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt vào khoảng 49,2 triệu đồng/lượng.