Thị trường có tuần giảm thứ 6 liên tiếp và VN-Index đã mất gần 31% kể từ đầu năm, đặc biệt trong tuần đầu tiên của tháng 10 vừa diễn ra, chỉ số này đã “bay hơi” gần 100 điểm, tương ứng giảm gần 10% và đang tiệm cận về mốc 1.000 điểm.
Việc thị trường liên tục xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ, trong đó phiên đầu tuần trước 3/10, chỉ số VN-Index đã xác nhận gãy kênh giá sideway down khi không thể giữ được ngưỡng 1.120 điểm, tương ứng với trendline nối các đáy tháng 5 và tháng 7 với nhau.
Việc gẫy kênh giá này đã khiến cho bức tranh kỹ thuật của VN-Index chuyển biến xấu đi và nếu đo đúng theo target của mẫu hình kể trên thì chỉ số có thể lùi về quanh ngưỡng 950 điểm trong đợt điểm chỉnh này.
Mặc dù thanh khoản trong 2 phiên cuối tuần trước gia tăng, cho thấy dòng tiền bắt đáy nhập cuộc, nhưng diễn biến chưa có sự cải thiện đáng kể và áp lực cung vẫn còn chi phối thị trường.
Theo đánh giá của giới phân tích, hiện thị trường đã về vùng hỗ trợ mạnh và có thể sẽ có sự hồi phục. Tuy nhiên, sự phục hồi chỉ là tạm thời trong ngắn hạn khi mà xu hướng trung hạn vẫn còn xấu bởi áp lực từ những yếu tố như lãi suất, lạm phát, TTCK thế giới vẫn đang xấu, chỉ số đồng USD đang trong xu hướng tăng.
Trong khi đó, trên thị trường quốc tế, sau báo cáo việc làm vững chắc trong tháng 9 làm tăng khả năng Fed sẽ tiếp tục mạnh tăng trong việc tăng lãi suất, gây ra lo ngại sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, đã nhấn chìm phố Wall trong phiên thứ Sáu.
Với những diễn biến không mấy khả quan trên, thị trường chứng khoán trong nước vẫn mở cửa phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 10/10 trong trạng thái đỏ lửa.
Áp lực bán vẫn khá lớn, đặc biệt là gánh nặng từ nhóm cổ phiếu bluechip, khiến VN-Index giảm gần 15 điểm ngay khi mở cửa và biến động giằng co quanh mốc 1.020 điểm trong đợt khớp lệnh liên tục.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là gánh nặng chính của thị trường, bị tác động bởi những thông tin tiêu cực trên thị trường cuối tuần trước. Trong đó, cổ phiếu TPB mở cửa nằm sàn và thu hẹp chút ít biên độ, với mức giảm 5,6%, TCB giảm 4,8%, STB, VPB, HDB giảm hơn 2,5%; BID, VIB, VCB… giảm hơn 1%.
Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng giảm sâu như VHM giảm 3%, VNM giảm 2,6%, VIC giảm 1,7%, NVL giảm 3,8%...
Tuy nhiên, điểm sáng đang ngược dòng tích cực là nhóm cổ phiếu dầu khí. Trong đó, GAS có thời điểm tăng gần 5% và hiện còn tăng 2,3%; PVD tăng 3%, PVS tăng 3,5%, PVC tăng 6,3%, PVB tăng 4,6%, BSR tăng 3,1%...