Thương hiệu dẫn đầu xe ôm công nghệ
Grab ra mắt lần đầu vào năm 2012 tại Malaysia với tên gọi MyTeksi với tính năng khởi nguồn đơn giản như một dịch vụ hỗ trợ đặt taxi, với 11.000 lượt tải. Năm 2014, ứng dụng này có mặt tại Việt Nam với tên gọi GrabTaxi. Khi đó, Grab là cái tên hoàn toàn xa lạ với thị trường Việt Nam, bởi thời điểm đó mới chỉ xuất hiện hãng taxi công nghệ là Uber.
Nhằm thu hút người dùng, trong thời gian đầu Grab nhắm đến chiến lược giảm giá cho những người sử dụng thường xuyên dịch vụ gọi đồ ăn, gọi xe… nhằm biến họ trở thành những người sử dụng quen thuộc. Về phía tài xế, những gói thưởng hấp dẫn khi đạt được số chuyến xe được tung ra.
Một chính sách khác để Grab áp dụng là cho phép hành khách thanh toán bằng cả tiền mặt và tài khoản ngân hàng, trong khi Uber chỉ cho phép người dùng thanh toán bằng tài khoản ngân hàng. Điều này đã đánh đúng tâm lý khách hàng, bởi người Việt có thói quen sử dụng tiền mặt. Nhờ vậy, Grab mở rộng được thị trường một cách nhanh chóng.
Đến năm 2019, Grab trở thành nền tảng đặt xe công nghệ lớn nhất, là ứng dụng được tài xế và hành khách yêu thích sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Theo thống kê, có đến 25% dân số Việt Nam sử dụng dịch vụ Grab với 190.000 tài xế tham gia mạng lưới vận chuyển này.
Ảnh hưởng thương hiệu bởi chính sách gây bức xúc
Trong những năm đầu tiên tại thị trường Việt Nam, tài xế tham gia Grab được hàng loạt mức thưởng hấp dẫn, chiết khấu thấp. Thậm chí, giai đoạn 2015 - 2016 còn có làn sóng nhiều người vay tiền ngân hàng mua xe ô tô để chạy Grab, với mức thu nhập hứa hẹn 25 - 30 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên từ năm 2018, mối quan hệ đối tác giữa Grab và các tài xế trở nên mâu thuẫn khi hãng tăng mức chiết khấu, kèm theo hàng loạt mức tính phí khác.
Tháng 1/2018, sau khi bị Grab áp mức chiết khấu mới từ 20% lên 23,6% nhiều tài xế tại TP.HCM và Hà Nội đã kêu gọi tắt ứng dụng để đình công hoặc book các chuyến đi ảo để phản đối Grab.
Một lần phản ứng khác với tài xế GrabCar khi mức chiết khấu với đối tác mới tham gia sau 1/10/2018 tăng lên đến 28% và 23,6% với tài xế tham gia trước 1/10/2017 (tài xế cũ có mức chiết khấu là 20%). Đáng nói, phần lớn các cuộc đình công của tài xế Grabbike hay GrabCar đều không mang lại kết quả gì. Thay vào đó, mức chiết khấu cao dần theo các năm, đồng thời các quy định thưởng cho tài xế ngặt nghèo hơn trước.
Mới đây nhất Grab lại tiếp tục gây bức xúc bởi một loại phụ phí có tên “phụ phí nắng nóng”. Theo đó, căn cứ theo thời tiết, Grab sẽ thu thêm "phụ phí nắng nóng". Mức phí là 5.000 đồng với mỗi chuyến GrabBike và mỗi đơn hàng GrabFood, GrabMart. Đối với dịch vụ Grab Express là 3.000 đồng/đơn hàng.
Lập tức cả cánh tài xế lẫn hành khách đều cảm thấy bức xúc bởi chính sách không rõ ràng của Grab. Dù Grab lý giải cho loại phụ phí này là được đưa ra nhằm hỗ trợ các tài xế thực hiện đơn hàng, nhưng vẫn còn nhiều điều khoản mập mờ trong chính sách này.
Anh Trần Hữu Hiền (40 tuổi, ngụ Quận 3) – một tài xế của Grab cho biết: “Bên Grab nói là hỗ trợ tài xế chứ thực tế vẫn chưa thấy được hỗ trợ gì cả. Tôi có nghe phí nắng mưa, giờ cao điểm nhưng tôi thật sự không rõ về loại phí này".
Không chỉ riêng anh Hiền, thậm chí rất nhiều tài xế Grab không hề biết đến sự tồn tại của loại phí này. Nhiều tài xế cho biết trên hệ thống tính toán bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, còn những loại phụ phí đó họ không nhận được thông báo cụ thế.
Trong khi đó, nhiều khách hàng của Grab cũng tỏ ra không hài lòng.
Anh Nguyễn Trang Phú Quý (25 tuổi, ngụ Gò Vấp) cho biết: “Thời tiết thì mưa nắng thất thường, tài xế nắng thì hành khách cũng nắng. Tôi biết làm tài xế vất vả nên không tiếc thêm tiền cho tài xế, chỉ sợ tài xế lại không nhận được toàn bộ số tiền đó”.
Bức xúc trước vấn đề này, chị Trần Thanh Thi (35 tuổi, Phú Nhuận) chia sẻ: “Phí đi Grab cơ bản đã cao hơn các hãng xe công nghệ khác, nay còn thêm hàng loạt các loại phụ phí. Lên giá vì xăng tăng đã đành, nay còn thêm phí nắng nóng, quá vô lý”.
Ngoài ra, Grab cũng đã triển khai áp dụng thu thêm một số loại phí và phụ phí như "phụ phí khi mưa lớn", "phụ phí kẹt xe", "phí chờ đợi". Thậm chí nhiều người còn cho rằng Grab tận thu hành khách, bằng cách “ăn ké” tài xế một cách trắng trợn. Còn phần thiệt thòi vẫn là người tiêu dùng lẫn các tài xế của Grab.
Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, đơn vị đã đề nghị Grab phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu. Cụ thể, Grab được yêu cầu cung cấp danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị.
Cung cấp thông tin chi tiết về việc áp dụng thu thêm các loại phí và phụ phí hiện nay như căn cứ, cơ sở và tiêu chí để áp dụng, thời gian áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và lái xe, các thông tin, tài liệu liên quan khác, cung cấp trước ngày 18/7 để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Người tiêu dùng sẽ quyết định sự sống còn của các thương hiệu
Sau Grab, hàng loạt thương hiệu xe công nghệ quốc tế khác cũng bắt đầu tấn công vào thị trường Việt Nam, bên cạnh đó nhiều hãng xe công nghệ trong nước cũng dần hình thành và phát triển.
Đặc biệt, dịch Covid-19 mặc dù tác động đến hầu hết các ngành nghề kinh tế, nhưng lại là cơ hội để thị trường xe công nghệ mở rộng sức ảnh hưởng, bổ sung hàng loạt dịch vụ.
Tính đến năm 2022, đã có hơn 20 nền tảng xe công nghệ khác nhau ra đời. Thị trường xe công nghệ có mức tăng trưởng cao thứ 2 sau thương mại điện tử, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 30 - 35% mỗi năm. Như vậy có thể thấy, thị trường xe công nghệ đang là một cuộc đua vô cùng khốc liệt
Số liệu của Statista năm 2020 ghi nhận, tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam là Grab, Gojek và Be đã đạt gần 99%.
Nghiên cứu mới nhất của ABI Research cho thấy, Grab dẫn đầu về thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam với 74,6% thị phần. Hãng này hiện nay đã gần như phủ khắp các tỉnh thành từ Bắc tới Nam với hàng loạt dịch vụ. Grab đã thực sự đã trở thành siêu ứng dụng với hàng loạt dịch vụ, không còn là một ứng dụng gọi xe đơn lẻ.
Gojek sau khi thay đổi tên cũng đang trên hành trình trở thành siêu ứng dụng xe công nghệ. Còn Be - ứng dụng gọi xe của người Việt - đến nay cũng đã hơn 5 triệu lượt tải xuống trên kho ứng dụng CH Play. Bên cạnh đó, còn hàng loạt các ứng dụng gọi xe Việt khác như FastGo, MyGo, Mai Linh, Futa (tên cũ là Vato),... cũng đang dần xây dựng thương hiệu với người tiêu dùng.
Có thể thấy, hiện các hãng xe công nghệ không chỉ ganh đua về chi phí, mà sẽ còn cạnh tranh nhau về chất lượng và sự đa dạng hóa dịch vụ. Sự cạnh tranh tích cực này sẽ đem lại những lợi ích nhất định cho cả khách hàng và tài xế.
Việc Grab phụ thu phí là quyền của doanh nghiệp, thế nhưng chắc chắn sẽ khiến thương hiệu của họ ảnh hưởng ít nhiều trong mắt người tiêu dùng. Khách hàng hoàn toàn có quyền từ chối sử dụng dịch vụ của hãng nếu cảm thấy chi phí tăng thêm là vô lý và sử dụng hãng khác có dịch vụ phù hợp hơn.
Grab không phải doanh nghiệp độc quyền về xe công nghệ, vì vậy có thể coi việc Grab phụ thu thêm nhiều loại phí là cơ hội để khách hàng có thêm trải nghiệm với nhiều thương hiệu khác. Đặc biệt là những hãng xe công nghệ thuần Việt lâu nay vẫn đang không ngừng cải tiến dịch vụ để phục vụ khách hàng.