Theo người dân, phòng khám tổ chức khám chữa bệnh nhưng không có số giấy phép cũng không có biển bảng theo quy định của Bộ Y tế. Thêm vào đó, cơ sở này không đáp ứng đầy đủ trang thiết bị, trang phục cho nhân viên, thậm chí có cơ sở vật chất hết sức sơ sài, diện tích nhỏ, lụp sụp...
Nằm ngay mặt đường Ỷ La (đường trục chính cũ) của phường Dương Nội, cách UBND phường không xa và ngay sát chợ La Cả, nhưng phòng khám này chưa hề được cấp phép, công khai hoạt động mà không gặp bất cứ trở ngại gì.
Qua quan sát của phóng viên, phòng khám này rộng chừng 8m2 đến 10m2 với 1 "bác sỹ" luôn túc trực để khám chữa cho bệnh nhân. Phòng chờ, khu khám bệnh và khu làm thủ tục không được tách thành khu riêng biệt theo quy định. Phòng khám còn không nhà vệ sinh khiến cho nhiều người không khỏi rùng mình, lo lắng.
Thông thường quy định phòng khám phải có các thiết bị chuyên dùng và đặc biệt phải có bác sỹ có văn bằng, chứng chỉ hành nghề chuyên khoa, giấy chứng nhận chuyên môn... Thế nhưng, phòng khám này có dấu hiệu không đảm bảo đầy đủ những quy định bắt buộc, vẫn đang hoạt động.
Theo nhiều người dân ở đây, phòng khám này của bác sỹ tên Hằng (chưa rõ bằng cấp, đang thuộc bệnh viện nào) hoạt động nhiều năm nay... bác sỹ Hằng không chỉ khám cho người già, trẻ em, thanh niên mà còn trực tiếp đừng ra bán thuốc cho tất cả ai có nhu cầu... thậm trí bác sỹ Hằng còn trực tiếp truyền thuốc luôn khi bệnh nhân cảm thấy sức khỏe không ổn…
Có thể nói một cơ sở không đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid - 19, việc mua bán thuốc, truyền thuốc cho người bệnh không đúng quy định dễ tiềm ẩn nguy cơ tổn hại đến sức khỏe người dân. Việc truyền thuốc trực tiếp dễ dẫn đến rủi ro làm cho người bệnh sốc thuốc, thậm chí tử vong.
Trao đổi với phóng viên về phòng khám không phép này, chị Nguyễn Thị Thu- Phó Chủ tịch UBND phường phường Dương Nội, quận Hà Đông cho rằng: Đây là bác sỹ của bệnh viện Đa khoa Hà Đông, người dân biết thì đến khám chữa bệnh, phường nhiều lần xuống nhắc nhở, biết cô là bác sỹ nhưng để kinh doanh một ngành nghề gì phải có đủ điều kiện, liên tục nhắc nhỏ, có một thời gian cô này nghỉ, gần đây nghỉ hưu bắt đầu quay về tập trung vào phòng khám này và đang làm thủ tục…
Có thể nói một phòng khám không giấy phép, hoạt động nhiều năm trời, vừa bán thuốc vừa truyền thuốc cho các bệnh nhân mà đến nay vẫn chưa bị xử lý dứt điểm khiến dư luận hoài nghi về việc có hay không việc chính quyền ở địa phương nương tay? Vì sao sai phạm đã rõ ràng nhưng không có cơ quan chức năng nào xử lý triệt để?
Có hay không việc mở phòng khám chui khám bệnh vì "đam mê" hay khám bệnh bất chấp pháp luật vì lợi nhuận, để lấy tiền từ bệnh nhân. Những hệ lụy từ việc khám chữa bệnh không giấy phép, không thiết bị, không đúng chuyên môn… nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe bệnh nhân ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo sẽ tiếp tục thông tin!