Hải Phát Invest: Lợi nhuận 'tụt dốc', nợ trái phiếu vượt vốn chủ sở hữu

Tổng nợ vay trái phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát tính đến thời điểm ngày giữa năm 2022 là 4.277 tỷ đồng, vượt qua vốn chủ sở hữu đang ở mức 3.543 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng đang phải đối diện với tình trạng dòng tiền kinh doanh âm hơn 600 tỷ đồng.

Nợ trái phiếu hơn 4000 tỷ

Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest; mã: HPX) đã có Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022 đã soát xét. Theo đó, đến giữa năm, tổng tài sản của HPX đạt mức 10.041 tỷ đồng, tăng 4,7 % so với thời điểm đầu năm.

Mặc dù tổng tài sản tăng nhưng chất lượng tài sản lại có phần xấu đi. Theo đó, Tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ chỉ còn 279 tỷ đồng (đầu năm 634 tỷ đồng). Hàng tồn kho tăng từ 3.789 tỷ đồng lên 4.093 tỷ đồng. Trong đó, bất động sản để bán đang xây dựng đang tồn 2.915 tỷ đồng; bất động sản để bán đã hoàn thành đang tồn 612 tỷ đồng.

Hải Phát Invest dùng các quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, một số căn biệt thự tại dự án Roman Plaza để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay trái phiếu. (Nguồn ảnh: Hải Phát Invest).

Đến ngày cuối tháng 6, Hải Phải Invest có nợ phải trả đạt mức 6.498 tỷ đồng, tăng 6,9 % so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 1,8 lần. Trong đó, nợ vay tài chính đạt mức 5.311 tỷ đồng.

Tổng cộng nợ vay trái phiếu của HPX tính đến thời điểm 30.6.2022 là 4.277 tỷ đồng vượt qua cả vốn chủ sở hữu của Hải Phát Invest đang ở mức 3.543 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay trái phiếu dài hạn chiếm tới hơn 76%. Đối với trái phiếu ngắn hạn, HPX dùng tài sản bảo đảm là các quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với lô đất thương mại dịch vụ Dự án Cồn Tân Lập, Khu dân cư Cồn Tân Lập, phường Xuân Huân, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thuộc sở hữu của nhóm Công ty…

Đối với khoản trái phiếu dài hạn, HPX dùng tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Công ty thuộc sở hữu của một cá nhân và một số sàn thương mại thuộc Dự án The Pride, Khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội và một số sàn thương mại thuộc Dự án Tân Tây Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội thuộc sở hữu của Nhóm Công ty; các quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tại các dự án như: Roman Plaza (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội); Kalong Riverside (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh); Platin Center phường Cẩm Bình, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh…

Lợi nhuận “tụt dốc”, dòng tiền kinh doanh âm

Hết quý 2, doanh thu thuần của HPX đạt mức 582 tỷ đồng, giảm 21,2 % so với hồi đầu năm. Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 90,1 % xuống còn hơn 10 tỷ trong khi chi phí tài chính lại tăng 50,3 % đạt mức 197 tỷ đồng, chủ yếu là tăng chi phí lãi vay.

Tiêu tốn các khoản chi phí dẫn đến lợi nhuận thuần của HPX từ hoạt động kinh doanh giảm 75 % so với cùng kỳ năm 2021 xuống còn hơn 52 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 30.6.2022, lợi nhuận sau thuế của Hải Phát Invest đã tụt xuống mức 30 tỷ đồng, giảm 80,6 % so với con số đạt được cùng kỳ năm ngoái là 154 tỷ đồng.

Lợi nhuận của Hải Phát Invest đã tụt xuống mức 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 ở mức 154 tỷ đồng.

Về lưu chuyển tiền tệ, quý 2, HPX ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm tới hơn 600 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2021 con số này là âm 1.534 tỷ đồng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ bào mòn lợi nhuận và đe dọa khả năng duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động đầu tư của HPX ghi nhận âm 356 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2021 âm hơn 14 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc HPX chi hơn 600 tỷ để đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Theo tài liệu họp Đại hội Đồng cổ đông công bố, HPX đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt tối thiểu 2.700 tỷ đồng và lợi nhuận tối thiểu đạt 450 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý 2, doanh nghiệp này đạt 21,5 % doanh thu và 12,2 % lợi nhuận so với kế hoạch đề ra.