Hải quan lật tẩy nhiều thủ đoạn gian lận thương mại

Trong số vụ việc do lực lượng Hải quan bắt giữ trong nửa đầu năm 2022, cơ quan Hải quan đã phân loại thành nhiều nhóm đối tượng vi phạm pháp luật "truyền thống" gian lận thương mại trước đây như xuất khống, gian lận chủng loại, trị giá, xuất xứ, số lượng...
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn tham luận tại hội nghị. Ảnh: Q.H
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn tham luận tại hội nghị. Ảnh: Q.H

Đó là nội dung tham luận của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tổ chức sáng 4/8.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh thêm, trong số hàng hóa gian lận trên có nhóm đối tượng lợi dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, các tổ chức kinh doanh cấu kết với các đối tượng làm thuê… để thực hiện hành vi phạm tội.

Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm, riêng trên tuyến hàng không, cơ quan Hải quan đã phát hiện, xử lý hơn 100 vụ ma túy/140 đối tượng, thu giữ gần nửa tấn ma túy tổng hợp. Lực lượng Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Biên phòng để truy bắt các đối tượng, với các thủ đoạn tinh vi. Thống nhất chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính, lực lượng Công an, Hải quan tổ chức lực lượng phòng, chống từ xa, đánh đúng, đánh trúng đối tượng.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cũng nhấn mạnh đến nhóm đối tượng gian lận thương mại khác thông qua việc lợi dụng loại hình sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất.

Ví dụ như mặt hàng hạt điều. Nhận thấy dấu hiệu bất thường trong hoạt động XNK hạt điều, lực lượng Hải quan đã phối hợp với lực lượng Công an lật tẩy hành vi của các doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều để phục vụ sản xuất xuất khẩu nhưng cố tình mang tiêu thụ trong nội địa hòng trốn thuế.

Cơ quan Hải quan “lật tẩy” nhiều thủ đoạn gian lận thương mại
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Q.H

Nhóm đối tượng lợi dụng chính sách để gian lận khiến lực lượng Hải quan gặp không ít khó khăn trong công tác bắt giữ, xử lý. Đơn cử như quy định về xuất xứ “Made in Vietnam”, cấp Giấy Chứng nhận xuất xứ (C/O) không đúng quy định.

Do vậy, cần sửa đổi các cơ chế, chính sách không còn phù hợp để nâng cao công tác đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm.

Cũng liên quan đến chính sách, hiện cơ quan Hải quan gặp khó khăn trong việc xử lý khi phân biệt các lô hàng dược liệu hay thực phẩm.

Thêm một thủ đoạn mới về gian lận thương mại mà cơ quan Hải quan đang tiến hành xác minh, điều tra. Cụ thể, các đối tượng lợi dụng việc tăng giá của cước vận chuyển, vỏ container. Cụ thể, một số hãng tàu mua vỏ container mới nhưng lại khai báo vỏ container của hãng tàu.

Đại diện Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính cho biết đang tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính để sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế về các vướng mắc của các địa phương liên quan đến số lượng hàng giả lớn, chi phí giám định cao.