Gần hai năm sau khi Covid-19 bùng phát, chính phủ Đan Mạch ngày 1/2 thông báo sẽ không coi Covid-19 là dịch bệnh nghiêm trọng và dỡ bỏ mọi hạn chế. 5,8 triệu dân của quốc gia nằm trong nhóm thịnh vượng nhất thế giới quay trở lại cuộc sống "bình thường", ngay cả khi nước này ghi nhận gần 43.000 ca nhiễm mới hôm 15/2.
Tuy nhiên, giới chức Đan Mạch cho biết số ca tử vong đang tăng chậm hơn nhiều so với số ca mắc. Số bệnh nhân nằm trong ICU ở mức thấp nhất trong nhiều tháng.
Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke cho biết đất nước sẽ không thể vượt qua Covid-19 hoàn toàn. Nhưng ông cho rằng đây là thời điểm thích hợp để nới lỏng, do độc lực ít nghiêm trọng của Omicron và tỷ lệ tiêm chủng cao - 81% dân số tiêm chủng đầy đủ, trong đó có 62% nhận mũi tăng cường.
Đây là động thái phòng dịch mới nhất ở các quốc gia châu Âu khi Thụy Điển, Hà Lan hay Na Uy cũng đang đưa ra những tuyên bố tương tự.
Với tỷ lệ tiêm chủng cao, cùng với khả năng xuất hiện thêm các biến chủng mới trong tương lai, châu Âu đang thúc đẩy mô hình “sống chung với Covid-19” và coi đây là bệnh đặc hữu, thay vì cố gắng loại bỏ virus.
Fortune cho rằng dường như châu Âu đã quá mệt mỏi và muốn chấm dứt đại dịch, bất chấp lời cảnh báo của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus: “Còn quá sớm để bất kỳ quốc gia nào đầu hàng hoặc tuyên bố chiến thắng”.
Nhiều nước châu Âu "sổ lồng"
Quốc gia EU đầu tiên dỡ bỏ mọi hạn chế là Đan Mạch, bắt đầu từ ngày 1/2. Điều đó đồng nghĩa người dân không cần trình thẻ tiêm chủng hay đeo khẩu trang. Nhà hàng, quán bar không phải đóng cửa sớm.
Thủ tướng Mette Frederiksen phát biểu trong cuộc họp báo ngày 26/1 rằng: “Chúng ta sẽ nói lời tạm biệt với những hạn chế, và chào mừng trở lại cuộc sống trước khi có Covid-19”.
Các quốc gia Bắc Âu khác cũng nhanh chóng “theo chân”. Na Uy vẫn giữ nguyên các quy tắc cơ bản về giãn cách, nhưng loại bỏ lệnh giới nghiêm vào ban đêm.
Thụy Điển thậm chí còn táo bạo hơn khi tuyên bố “đại dịch đã kết thúc”. Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren nói rằng dù số ca nhiễm Omicron vẫn nhiều, Covid-19 không còn được xem là gây nguy hiểm cho cộng đồng ở mức độ nguy hiểm cấp đại dịch toàn cầu.
Kể từ ngày 9/2, nhà hàng và quán bar ở Thụy Điển được phép mở cửa sau 23h. Những sự kiện lớn không còn giới hạn người tham dự và không yêu cầu chứng minh đã tiêm vaccine.
Ở cả 3 nước trên, khẩu trang không còn là vật dụng bắt buộc ở tất cả không gian công cộng.
Đan Mạch là nước EU đầu tiên dỡ bỏ mọi hạn chế phòng dịch Covid-19. Ảnh: New York Times. |
Phần Lan cũng đang tìm cách thực hiện các động thái tương tự. Chính phủ dỡ bỏ giới hạn số lượng người tham gia tụ họp kể từ ngày 14/2. Thủ tướng Sanna Marin cho biết kế hoạch tổng thể dỡ bỏ tất cả hạn chế có thể thực hiện vào đầu tháng 3, và nước này sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến ở Na Uy và Đan Mạch.
Yêu cầu đeo khẩu trang cũng được xem xét dỡ bỏ ở phía nam. Người dân ở Italy và Tây Ban Nha sẽ không cần bắt buộc sử dụng khẩu trang ở ngoài trời trong tuần này, nhưng vẫn là vật bất ly thân tại địa điểm đông người hoặc không gian công cộng kín.
Tây Ban Nha đang chuẩn bị dừng đếm số ca mắc. Hồi đầu tháng 1, Thủ tướng Pedro Sánchez đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) xem xét điều trị Covid-19 như căn bệnh đặc hữu, tương tự bệnh cúm.
Ở Trung Âu, các quốc gia đang dừng việc sử dụng "thẻ xanh vaccine". Người dân Czech không còn phải xuất trình bằng chứng tiêm chủng khi vào nhà hàng, quán bar, tiệm làm tóc hay các sự kiện thể thao.
Theo kế hoạch ba giai đoạn, chính phủ Đức đồng ý dỡ bỏ các hạn chế tụ họp trong nhà với người đã tiêm phòng. Yêu cầu bằng chứng xét nghiệm âm tính hoặc giấy chứng nhận vaccine không còn có giá trị.
Tất cả hạn chế chính, bao gồm làm việc tại nhà, sẽ hết hạn vào ngày 20/3. Tuy nhiên, giới chức Đức vẫn yêu cầu giữ khoảng cách và đeo khẩu trang trong nhà, cũng như trên phương tiện giao thông công cộng.
Hà Lan hôm 15/2 thông báo sẽ cho phép quán bar, nhà hàng hoạt động như chưa từng có dịch. Trong khi đó, "thẻ xanh vaccine" sẽ không còn được sử dụng từ ngày 25/2.
Giãn cách xã hội và đeo khẩu trang không còn là điều kiện bắt buộc ở hầu hết địa điểm. Trong khi đó, thời gian cách ly với người mắc Covid-19 rút ngắn xuống còn 5 ngày.
Chính phủ Thụy Sĩ cho biết từ 17/2 đến hết cuối tháng 3, các quy định phòng dịch duy nhất tại nước này sẽ là cách ly trong 5 ngày nếu mắc Covid-19, và đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng hay tại cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Trong khi đó, Thủ tướng Áo Karl Nehammer sẽ bỏ hầu hết biện pháp phòng dịch kể từ ngày 5/3.
Liệu có quá vội?
Đối với WHO, việc loại bỏ yêu cầu về khẩu trang là quá sớm vì làn sóng biến chủng Omicron ở châu Âu mới đạt đỉnh vào đầu tháng 2.
“Chúng tôi đang yêu cầu các quốc gia tiếp tục thận trọng khi tiến về phía trước”, bà Maria Van Kerkhove thuộc Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO cho biết. “Mọi thứ đang diễn ra không phải là mãi mãi. Bạn sẽ không cần đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách mãi mãi. Nhưng hiện tại, điều quan trọng là chúng ta cần cẩn trọng”.
Suốt 2 năm sống trong những hạn chế phòng dịch khác nhau khiến người dân mệt mỏi. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, khi vaccine có thể bảo vệ chống lại bệnh nặng và tử vong, cùng với tình trạng mệt mỏi của công chúng vì hạn chế kéo dài, các chính phủ nhận nhiều lời kêu gọi chấm dứt đại dịch.
Theo khảo sát từ YouGov, Đan Mạch dỡ bỏ mọi hạn chế trong bối cảnh công chúng “ít lo lắng” về Covid-19.
Dữ liệu cũng cho thấy ngày càng nhiều người Anh chọn cách sống chung với Covid-19. Tỷ lệ đeo khẩu trang giảm trong những tuần gần đây. Người Anh hiện cảm thấy thoải mái hơn bất kỳ người nước nào khi sẵn sàng hòa nhập vào các nhóm đông người.
Các chuyên gia cảnh báo dỡ bỏ hay nới lỏng hạn chế không đồng nghĩa với kết thúc đại dịch. Kevin Schulman, giáo sư y khoa tại Đại học Stanford (Mỹ), cho biết việc loại bỏ các hạn chế nên đi kèm với tuyên bố rằng “thế giới vẫn chưa thoát khỏi đại dịch”.
“Ý tưởng chúng ta đã xử lý xong (virus) không phải là thông điệp phù hợp”, ông nói. “Chúng ta đã hy sinh rất nhiều, và bây giờ chúng ta cần phải duy trì những thành quả đó”.
Tuy nhiên, các chính phủ, bao gồm cả Đan Mạch, khẳng định họ sẵn sàng tái áp đặt các hạn chế nếu xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn.
Câu hỏi còn lại là người châu Âu sẽ chấp nhận thực hiện phòng dịch ở mức độ như thế nào sau khi họ đã lại quen với tự do.
Tim Spector, giáo sư dịch tễ học di truyền tại Đại học King's College London (Anh), nói thêm: “Đây có thể là lần cuối cùng chúng ta đưa ra các hạn chế bắt buộc, nhưng không có nghĩa là đại dịch đã kết thúc. Virus luôn đi trước chúng ta một bước”.