Thống kê từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), trong tháng 9/2022, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm trước.
Tính luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142.209 tỷ đồng, chiếm khoảng 11,8% dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2021.
Việc mua lại trước hạn đã giảm được một phần quy mô đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, ước tính còn khoảng 350.000 tỷ đồng trong cả năm 2023, tương đương gần bằng 1/4 dư nợ tăng thêm của hệ thống ngân hàng năm 2022 với giả định tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%.
Hơn nữa, trong số trái phiếu đáo hạn này có khoảng 30% giá trị từ nhóm ngành ngân hàng. Do đó, khả năng cao vẫn có thể tái phát hành, song tỷ lệ hấp thụ sẽ bị hạn chế trong bối cảnh lãi suất cao và thanh khoản yếu đang diễn ra trong hệ thống.
Xét riêng tại ngành bất động sản đang chịu nhiều áp lực trong thời gian gần đây, trong năm 2023, ước tính có khoảng 130 nghìn tỷ đồng trái phiếu từ ngành bất động sản sẽ đáo hạn (sau khi loại trừ phần đã mua lại tính đến tháng 10/2022), chiếm khoảng 36% tỷ trọng giá trị đáo hạn năm 2023.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), khả năng đảo nợ trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản khá thấp do nhà đầu tư nắm giữ chủ yếu là cá nhân đang bị hạn chế rất nhiều do niềm tin đang bị ảnh hưởng cũng như do các quy định chặt chẽ hơn của NĐ 65/2022 NĐ-CP và do các hạn chế trong việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng.
“Mặt khác, dòng tiền từ hoạt động bán hàng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh lãi suất tăng và tín dụng thắt chặt. Do đó, một số rủi ro đáng chú ý về nợ xấu và tăng lãi suất của thị trường từ khả năng đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới”, nhóm phân tích của VDSC nhận định.
Ở một chiều hướng tích cực, hiệp hội trái phiếu doanh nghiệp đã có các buổi hội thảo cùng các quỹ trái phiếu, công ty chứng khoán và đã có một số đề xuất một số phương án trình lên cơ quan quản lý. Tuy nhiên, theo VDSC, vấn đề này sẽ cần nhiều thời gian để các ban ngành có thể đưa ra hướng xử lý cuối cùng. Do đó, trong khoảng thời gian này, nhóm phân tích dự báo hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán vẫn sẽ diễn biến khá thận trọng.
Chia sẻ với báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, thời gian vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ hạn chế. Trong đó, dù không đại diện cho toàn thị trường nhưng những sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp.
"Việc lấy lại niềm tin cho thị trường cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
"Bộ Tài chính sẽ tiếp tục “gỡ” các điểm nghẽn trong thủ tục về phát hành trái phiếu ra công chúng, để đảm bảo những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện phát hành ra công chúng sẽ nhanh chóng và khẩn trương phát hành trái phiếu dưới hình thức này".
Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo đó, để vừa củng cố "chất" của thị trường, vừa củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào kênh huy động hữu hiệu này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia.
“Tuy nhiên, chính sách mới sẽ cần thời gian để thị trường làm quen”, ông Phớc nhấn mạnh.
Thời gian tới, ông Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục gỡ các điểm nghẽn trong thủ tục về phát hành trái phiếu ra công chúng, để đảm bảo những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện phát hành ra công chúng sẽ nhanh chóng và khẩn trương phát hành trái phiếu dưới hình thức này.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp như phát triển nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ đầu tư. Việc mở ra một kênh đầu tư mới từ các quỹ này vừa tháo gỡ khó khăn vào trong hoạt động của các quỹ đầu tư, vừa tạo ra một lực cầu mới trên thị trường.