Tại báo cáo “Asian Economics Quarterly: Retooling factory Asia”, nhóm phân tích của HSBC đưa ra nhận định về Việt Nam xoay quanh các vấn đề về chính sách và rủi ro trong thời gian tới.
Đối với Việt Nam, 2022 là một năm phục hồi bùng nổ, giúp Việt Nam nhiều khả năng tiếp tục là một trong những nước tăng trưởng vượt trội ở châu Á. Quý 3/2022, GDP tăng 13.7% so với cùng kỳ năm trước (mặc dù một phần do cơ sở thấp), nhờ lĩnh vực bên ngoài vững vàng và nhu cầu trong nước mạnh mẽ. Mặc dù vậy, bức tranh triển vọng tăng trưởng giờ đây lại bị phủ lên bóng mây từ những trở ngại về thương mại gia tăng.
Điểm sáng tích cực là nhu cầu trong nước phần nào đem tới cứu cánh, nhờ thị trường lao động tiếp tục phục hồi. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 2.3% tính tới quý 3/2022, tỷ lệ này vẫn có khả năng giảm tiếp khi nhiều công việc tập trung trong lĩnh vực liên quan tới du lịch. Mặc dù du khách đã bắt đầu trở lại, số lượt khách tới Việt Nam vẫn chưa tới 20% của năm 2019.
Với những thuận lợi nhờ mở cửa trở lại vẫn còn, HSBC nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2022 lên 8.1% (dự báo cũ: 7.6%). Tuy nhiên, những thách thức nhiều khả năng ảnh hưởng nặng nề hơn trong năm 2023, đặc biệt sau khi những hiệu ứng do mở cửa trở lại nhạt dần đi và tác động của lạm phát cao bắt đầu ảnh hưởng dù chậm trễ. Vì vậy, HSBC dự báo tăng trưởng sẽ chậm lại ở mức 5.8% (dự báo cũ: 6.0%).
Bên cạnh đó, Việt Nam đã bắt đầu chứng kiến áp lực lạm phát mạnh hơn, dữ liệu mới nhất đã vượt mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Không chỉ lạm phát cơ bản tăng, Việt Nam còn chứng kiến tình trạng thiếu hụt năng lượng trong nước, khiến lạm phát toàn phần tăng. Mặc dù mới đây, HSBC giảm nhẹ dự báo lạm phát cho năm 2022 xuống 3.2% (dự báo cũ: 3.4%), HSBC đã nâng mức dự báo cho năm 2023 lên 4.0% (dự báo cũ: 3.7%). Điều này đồng nghĩa NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục chu kỳ thắt chặt.
Không giống các nước trong khu vực như Malaysia hay Indonesia, Việt Nam không có nhiều “room” tài khóa để áp dụng những biện pháp xoa dịu nhằm giảm nhẹ tác động do giá năng lượng tăng cao. Từ tháng 4, các nhà chức trách đã cắt giảm một số loại thuế, trong đó có các loại thuế nhiên liệu và bảo vệ môi trường. Nhằm đối phó áp lực lạm phát gia tăng, Bộ Tài chính đang tìm cách kéo dài thời gian áp dụng cắt giảm thuế bảo vệ môi trường hiện tại đối với một số nhiên liệu đến cuối năm 2023. Điều đó cho thấy trong bối cảnh giá dầu thế giới có thể hạ nhiệt trong năm 2023, các nhà chức trách có thể chọn áp dụng trở lại thuế bảo vệ môi trường sớm nhất là từ năm 2024. Bên cạnh đó, giá năng lượng khác có thể tăng lên trong năm 2023. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã đề xuất tăng giá điện trong năm 2023, đợt điều chỉnh lớn đầu tiên trong gần bốn năm, với lý do chi phí nhập khẩu năng lượng tăng cao.
Về tiền tệ, là ngân hàng trung ương cuối cùng ở ASEAN có động thái, NHNN Việt Nam đã chủ động bắt kịp xu hướng chung nhằm đối mặt tình hình đồng Việt Nam yếu đi và lạm phát nhập khẩu tăng. Chỉ mới bắt đầu trong tháng 9, NHNN đã liên tiếp tăng lãi suất mỗi lần 100 điểm cơ sở, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 6.0% vào cuối tháng 10. Hiện tại, những đợt tăng lãi suất mạnh tay hơn cho thấy mối quan ngại từ các yếu tố bên ngoài như chu kỳ tăng lãi suất nhanh chóng của Fed và những biến động tỷ giá hối đoái. Các yếu tố bên ngoài đã trở nên thuận lợi hơn trong những tuần gần đây, với việc Fed nhiều khả năng giảm tốc độ điều chỉnh tăng lãi suất và áp lực tỷ giá ngoại tệ dịu bớt. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tăng càng chứng minh chu kỳ tăng lãi suất của NHNN vẫn đang trên đà diễn ra. Do đó, HSBC dự báo NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ sở trong quý 1/2023 và quý 2/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7.0% vào giữa năm 2023.
“Rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam là những khó khăn trong thương mại ngày càng gia tăng. Việt Nam không tránh khỏi những tác động do đợt thương mại toàn cầu chậm lại đáng kể này, nói cách khác, giai đoạn “chững lại” đã tới. Kể từ khi xảy ra những căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất xét về thương mại và chuyển hướng đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt thúc đẩy thị phần xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Và cũng chính vì vậy mà Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn khi kinh tế Mỹ suy giảm.
Các rủi ro khác đến từ áp lực tăng giá năng lượng. Mặc dù đã giảm so với đỉnh trong tháng 6, giá xăng vẫn ở mức cao. Để giảm rủi ro của việc dự trữ nhiên liệu nhập từ nước ngoài vốn tiềm tàng nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo các nhà máy lọc dầu trong nước và doanh nghiệp nhà nước có kế hoạch tăng cường nhập khẩu năng lượng trong ít nhất 6 tháng đầu năm 2023. Động thái này nhiều khả năng sẽ siết lại lợi thế tài khoản vãng lai của Việt Nam do chi phí nhập khẩu tăng cao hơn”, nhóm chuyên gia đánh giá.