IMF nhận định lạc quan về kinh tế thế giới năm 2023

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tình trạng suy thoái toàn cầu sẽ "chạm đáy" vào cuối năm 2023 và nền kinh tế thế giới sẽ hướng tới quỹ đạo tăng trưởng cao hơn vào năm 2024.

Trong buổi họp báo về tình hình kinh tế thế giới ngày 12/1 (giờ địa phương), Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết các quốc gia vẫn chưa nhân thấy tác động đầy đủ của việc thắt chặt điều kiện tài chính, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng các ngân hàng trung ương cần tiếp tục có biện pháp trong cuộc chiến chống lạm phát của họ, AFP đưa tin. 

Tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2023, do các ngân hàng trung ương bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát. 

Bà Kristalina Georgieva nhận định: "Lạm phát vẫn còn dai dẳng và theo đó, công việc của các ngân hàng trung ương vẫn chưa hoàn thành". Điều này cho thấy các ngân hàng trung ương có thể cần tiếp tục tăng lãi suất, cân bằng giữa việc giảm nhu cầu của và tránh đẩy các nền kinh tế vào suy thoái.

Hành động này có thể đi kèm với rủi ro, vì vậy người đứng đầu IMF nhấn mạnh sự cần thiết phải theo dõi tác động của việc thắt chặt các điều kiện tài chính tới thị trường lao động và khả năng dẫn tới căng thẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động.

tong-giam-doc-quy-tien-te-quoc-te-imf-kristalina-georgieva-1674327223.png
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. Ảnh: Independent.

Suy thoái chạm đáy

IMF dự đoán tình trạng suy thoái toàn cầu sẽ "chạm đáy" vào cuối năm 2023 và nền kinh tế thế giới sẽ hướng tới quỹ đạo tăng trưởng cao hơn vào năm 2024, bà Georgieva cho biết.

IMF khẳng định rằng "có thể tránh được suy thoái toàn cầu" ngay cả khi một số quốc gia chứng kiến suy thoái. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào việc không có các "cú sốc" tiêu cực như tình trạng bất ổn xã hội ngày càng tăng và hiệu ứng lan toả giữa các quốc gia, các sự kiện khí hậu hay ảnh hưởng tồi tệ do cuộc chiến của Nga ở Ukraine. 

Mặc dù các điều kiện tài chính thắt chặt hơn sẽ có tác động "đáng kể" đối với các quốc gia có mức nợ cao nhưng bà Georgieva cho biết IMF không nhận thấy một "cuộc khủng hoảng nợ hệ thống sắp xảy ra".

Tổng giám đốc IMF nói thêm rằng, một hội nghị bàn tròn toàn cầu mới về nợ quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 2 với sự tham gia của các chủ nợ chính và các nhà tài chính tư nhân.

Phát triển đúng hướng

Đề cập về các quốc gia cụ thể, bà Georgieva lưu ý rằng Trung Quốc cần "đi đúng hướng" trong việc mở cửa trở lại sau gần 3 năm thực hiện chính sách nghiêm ngặt Zero-COVID, đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tại quốc gia này. 

Tổng giám đốc IMF cho biết, sự phục hồi của Trung Quốc sau đợt gia tăng số ca nhiễm COVID-19 mới nhất kể từ khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, kiểm dịch và xét nghiệm hàng loạt gần đây sẽ có ý nghĩa quan trọng trên toàn cầu.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từng mang lại tới 40% tăng trưởng thế giới.

“Điều quan trọng nhất đối với Trung Quốc là tiếp tục tiến trình, không lùi bước trước việc mở cửa trở lại đó”, bà Georgieva nói. Nếu đúng như vậy, Trung Quốc có thể trở thành một "nhân tố đóng góp tích cực" cho tăng trưởng trung bình toàn cầu vào giữa năm 2023 hoặc sau đó, người đứng đầu IMF thông tin thêm.

Trong khi đó, bà Georgieva bày tỏ sự lạc quan về khả năng phục hồi "đáng chú ý" của thị trường Mỹ, với sự hỗ trợ của thời đại COVID-19 giúp thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bà Georgieva nói: “Điều này mang lại kỳ vọng rằng Mỹ sẽ tránh rơi vào suy thoái”, đồng thời cho biết thêm rằng khả năng suy thoái có thể sẽ rất nhẹ.