Kết luận điều tra vụ Nhật Cường: Hai tiệm vàng chuyển nghìn tỷ ra nước ngoài

Điện thoại, thiết bị điện tử được Cty TNHH Nhật Cường nhập lậu qua biên giới Việt - Trung; qua cảng Hải Phòng và thậm chí nhập trái phép qua sân bay Nội Bài. Tiền mua bán được các bị can chuyển ra nước ngoài thông qua các tiệm vàng tại Hà Nội.

Buôn lậu qua sân bay

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Bộ Công an đã hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cty TNHH Nhật Cường (Cty Nhật Cường), Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay Nội Bài và một số đơn vị liên quan.

Trong số 15 bị can, Nguyễn Thị Bích Hằng - Kế toán trưởng Cty Nhật Cường và Nguyễn Ngọc Bảo - GĐ tài chính Cty Nhật Cường bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bùi Quang Huy và các đồng phạm tại Nhật Cường bị xác định buôn lậu điện thoại, thiết bị điện tử từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ.

Những người còn lại bị đề nghị truy tố về tội “Buôn lậu” gồm Trần Ngọc Ánh - Phó tổng GĐ Cty Nhật Cường; Đỗ Quốc Huy - GĐ bán hàng Cty Nhật Cường; Nông Văn Lư - nhân viên Cty Nhật Cường; Nguyễn Bảo Trung - lao động tự do; Trần Tất Khoa - GĐ Cty Nhật Cường Quảng Châu; Lê Hoài Phương - nhân viên Cty Nhật Cường Quảng Châu; Ngô Đức Tùng - lao động tự do; Ngô Tuấn Sửu - GĐ Cty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Thanh Sơn; Hoàng Văn Phong - Trưởng ngành hàng Apple  của Cty Nhật Cường; Mai Tiến Dũng - trưởng ngành điện thoại cũ của Cty Nhật Cường; Phạm Văn Hiệp - lao động tự do; Bùi Quốc Việt - nhân viên Cty Nhật Cường; Đỗ Văn Dũng - lao động tự do. Bị can Nguyễn Bảo Ngọc cũng bị đề nghị truy tố thêm về tội danh này.

Theo kết luận, Cty Nhật Cường thành lập năm 2001 và đến năm 2019 có vốn điều lệ 38 tỷ đồng do Bùi Quang Huy làm Tổng GĐ, doanh nghiệp này có kinh doanh mua bán điện thoại di động, thiết bị điện tử. Cty Nhật Cường có 4 hình thức kinh doanh gồm nhập và mua bán hàng có hóa đơn GTGT; nhập hàng trong nước không có hóa đơn, nguồn gốc để bán; nhập khẩu hàng hợp pháp; nhập khẩu không hợp pháp. Trong đó, từ năm 2014 - 2019, Bùi Quang Huy sử dụng hệ thống của Cty Nhật Cường để mua trái phép 255.311 sản phẩm điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy tính bảng, đồng hồ… với tổng trị giá 2.927 tỷ đồng.

Số hàng này được nhập từ 16 chủ hàng có địa chỉ tại các nước Mỹ, UAE, Singapore, Hồng Kông nhưng không qua đường chính ngạch. Thay vào đó, Bùi Quang Huy thuê chuyển hàng trái phép vào Việt Nam với chi phí hơn 72,9 tỷ đồng. Cụ thể, việc vận chuyển được Bùi Quang Huy giao cho Cty Nhật Cường Quảng Châu (ở Trung Quốc) phụ trách. Điện thoại, hàng điện tử được chuyển từ Hồng Kông về Quảng Châu và từ đó tập kết tại biên giới Việt - Trung để nhập cảnh trái phép.

Chuyển nghìn tỷ ra nước ngoài

Đường đi cụ thể của hàng lậu gồm Hồng Kông - Đông Hưng - Móng Cái - Hà Nội hoặc Hồng Kông - Bằng Tường - Lạng Sơn - Hà Nội. Ngoài ra, có số hàng lậu trị giá 307 tỷ đồng được chuyển trực tiếp từ Hồng Kông về cảng Hải Phòng trước khi được giao tới tay Bùi Quang Huy ở Hà Nội. Đặc biệt, Bùi Quang Huy còn thuê 3 đường dây vận chuyển hàng lậu bằng đường không qua sân bay Nội Bài. Các đường dây này đã giúp Cty Nhật Cường nhập trái phép hơn 57.000 sản phẩm với tổng giá trị hơn 860 tỷ đồng.

Kết luận điều tra vụ Nhật Cường: Hai tiệm vàng chuyển nghìn tỷ ra nước ngoài - Ảnh 1.
 

Bị can Bùi Quốc Việt - anh trai Bùi Quang Huy cũng bị bắt trong vụ án này

Toàn bộ số hàng lậu này được theo dõi trên hệ thống quản lý nội bộ ERP, được ký hiệu là “hàng nhập khẩu không VAT”. Khi nhận hàng, Bùi Quang Huy sẽ chi tiền cho các nhà cung cấp vào tài khoản của họ hoặc bằng tiền mặt thông qua trung gian thanh toán là các tiệm vàng ở Hà Nội. Hàng lậu được chuyển về hệ thống của Cty Nhật Cường để bán lẻ ra thị trường. Phía điều tra xác định, Cty Nhật Cường đã bán được 254.364 sản phẩm, thu hơn 3.213 tỷ đồng và qua đây, các bị can hưởng lợi bất chính 221 tỷ đồng. Đến khi khởi tố, còn 947 sản phẩm trị giá hơn 7,7 tỷ đồng chưa được tiêu thụ.

Cũng trong thời gian 2014 - 2019, Bùi Quang Huy chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán trong đó 1 hệ thống nội bộ, bí mật để theo dõi số liệu thực tế. Một hệ thống khác ghi nhận báo cáo tài chính, sổ sách kế toán để khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước. Hai hệ thống này có sự chênh lệch về số liệu và theo kết quả giám định, Cty Nhật Cường đã trốn đóng hơn 26,8 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng và hơn 3,1 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong vụ án , một số dữ liệu và lời khai thể hiện Bùi Quang Huy đã chuyển hàng nghìn tỷ đồng ra nước ngoài qua các tiệm vàng tại Hà Nội. Trong đó, một tiệm vàng  ở phố Hà Trung  giúp Huy chuyển hơn 1.729 tỷ đồng tiền hàng, tiền cước vận chuyển; một tiệm vàng ở phố Hàng Dầu giúp chuyển 795 tỷ đồng ra nước ngoài. Tuy nhiên, chủ các tiệm vàng không thừa nhận giúp Cty Nhật Cường chuyển tiền ra nước ngoài và Bùi Quang Huy lại đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra chưa xử lý được hành vi này.

Quá trình giải quyết vụ án, CQĐT tách vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội để xử lý sau. Cảnh sát cũng yêu cầu các nước Mỹ, UAE, Trung Quốc, Canada, Hồng Kông, Singapore phối hợp làm rõ 11 nhà cung cấp hàng cho Cty Nhật Cường nhưng chưa có kết quả. Phía điều tra khẳng định khi bắt được Bùi Quang Huy và có kết quả tương trợ tư pháp sẽ làm rõ thêm vụ việc.

Tổng cộng, Bùi Quang Huy sử dụng 8 đường dây vận chuyển hàng lậu từ nước ngoài vào Việt Nam gồm 3 đường dây nhập hàng qua Sân bay Nội Bài; 4 đường dây nhập qua biên giới bộ Việt - Trung và 1 đường dây chuyển hàng Hồng Kông - cảng Hải Phòng. Qua đây, các đường dây này hưởng lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.