Nhà đầu tư tiếp tục bị tra tấn tâm lý khi VN-Index vẫn đang trong quá trình dò đáy. Nhịp hồi phục ngắn đã xuất hiện nhưng lực cầu yếu cộng hưởng xu hướng tiêu cực của chứng khoán toàn cầu đẩy VN-Index rơi xuống dưới ngưỡng 1.200 điểm.
Đóng cửa tháng 6, VN-Index ở 1.197,6 điểm, giảm 7,3% so với cuối tháng 5. Tiêu cực hơn, HNX-Index mất 12,1% trong tháng qua trong khi UPCoM-Index giảm 7,2%.
Tháng 6 vừa qua cũng đánh dấu tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam. Lũy kế từ đầu năm, VN-Index mất 20,1% điểm số, đưa Việt Nam lọt nhóm những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất trên thế giới. Tồi tệ hơn, chỉ số của sàn HNX còn giảm đến 41,4% dưới tác động bởi mã THD của Thaiholdings.
Trước diễn biến không mấy khởi sắc của thị trường, nhà đầu tư cá nhân – bộ phận chiếm hơn 80% thanh khoản của thị trường giao dịch với tâm lý bi quan. Trong mỗi nhịp rung lắc, hàng loạt cổ phiếu lại giảm sàn?
Dòng tiền không tìm kiếm được những cơ hội đầu tư trong khi những nhóm cổ phiếu hot giai đoạn qua như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thép đều lao dốc đã khiến thanh khoản mất hút. Nhà đầu tư cá nhân vẫn mở mới lượng lớn tài khoản giao dịch chứng khoán, song dòng tiền mới lại không gia nhập thị trường.
Khối tự doanh mua ròng gần 360 tỷ đồng cổ phiếu trong tháng 6
Điểm tích cực trong tháng 6 là hoạt động mua ròng của nhóm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và khối tự doanh công ty chứng khoán.
Thống kê của phóng viên tại giao dịch cổ phiếu, khối tự doanh CTCK mua ròng 266,8 tỷ đồng trên sàn HOSE trong tháng qua. Giá trị mua ròng trên thị trường UPCoM là 159,2 tỷ đồng trong khi sàn HNX bị bán ròng 67,2 tỷ đồng.
Với giao dịch chứng chỉ quỹ ETF nội, khối tự doanh bán ròng 693,2 tỷ đồng trong tháng 6, tập trung vào sản phẩm DCVFM VN Diamond ETF (FUEVFVND) trong khi E1VFVN30 lại được mua ròng.
Những mã nào được mua bán nhiều nhất?
Thống kê giao dịch trên sàn HOSE, cổ phiếu EIB của Eximbank dẫn đầu về giá trị mua vào với gần 194 tỷ đồng. Theo sau là mã MWG của Thế giới Di động với giá trị mua ròng 149 tỷ đồng.
Những phiên cuối tháng 6, cổ phiếu GEX của Gelex được mua ròng mạnh, lũy kế đạt 138,7 tỷ đồng trong tháng. Trước diễn biến giảm của thị trường, khối tự doanh của Chứng khoán VIX đã xuống tiền mua vào mã chứng khoán trên.
Nhóm được khối tự doanh mua trên 100 tỷ đồng còn có IJC, KDH và EVF. Những mã chứng khoán có giá trị mua 50 – 65 tỷ đồng như VIC, GAS, HSG và DXG.
Ở chiều bán ra, cổ phiếu TCB của Techcombank dẫn đầu với 115 tỷ đồng, đây cũng là mã duy nhất bị xả trên 100 tỷ đồng. Cùng nhóm ngân hàng, STB và VPB cũng bị bán ròng 81,3 tỷ đồng và 72,2 tỷ đồng.
Hoạt động bán ròng còn diễn ra ở một số mã như CTR, NVL, HDG, DPM với quy mô 50 – 85 tỷ đồng. Cường độ bán nhẹ hơn xuất hiện ở các cổ phiếu như TRA, SSI, PNJ.
Trên thị trường UPCoM, tâm điểm của dòng tiền tự doanh là hai cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn và ACV của TCT Cảng hàng không Việt Nam. Động thái mua gom mã BSR của khối tự doanh diễn ra trong nhiều phiên liên tiếp khi đây cũng là khẩu vị mới của dòng tiền ngoại trên thị trường.
Khối tự doanh ưu tiên Mua (Long) phái sinh khi VN-Index dò đáy
Khi thị trường cơ sở có xu hướng lình xình tạo vùng đáy ngắn hạn, khối tự doanh có vẻ ưu tiên cho vị thế Mua (Long). Tổng hợp trong tháng 6, bộ phận này mở vị thế Mua (Long) 51.848 hợp đồng với tổng giá trị 6.585 tỷ đồng trong khi Bán (Short) 50.780 hợp đồng với giá trị 6.467 tỷ đồng.
Quan sát trong nhiều phiên giao dịch, vị thế Mua (Long) thường có phần nhỉnh hơn. Riêng trong phiên cuối tháng, khối này mở vị thế Long 4.717 hợp đồng trong khi Short 1.431 hợp đồng. Những phiên khối tự doanh ưu tiên Bán (Short) mạnh nhất là 1/6, 13/6, 20/6 và 21/6 với mức chênh lệch vị thế hàng nghìn hợp đồng.