Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Trong nửa đầu tháng 7, thị trường chứng khoán trong nước đi ngược lại với diễn biến chung của chứng khoán thế giới khi bất ngờ sụt giảm mạnh. So với thời điểm cuối tháng 6, chỉ số VN-Index đã giảm tới gần 110 điểm, tương ứng với 7,8% giá trị. Theo CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nguyên nhân của nhịp giảm này có thể là do:
- Những cảnh báo liên tục cho rằng thị trường đã tăng khá nóng trong ngắn hạn với tỷ lệ margin ở mức rất cao đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư ngắn hạn.
- Tình hình dịch bệnh do COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thậm chí có thể nói là nghiêm trọng ở một số tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là TP. HCM khiến Chính phủ phải siết chặt hơn các biện pháp giãn cách xã hội. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 6 tháng cuối năm so với kỳ vọng ban đầu.
Sự điều chỉnh của thị trường đã diễn ra trên diện rộng, tại tất cả các phân khúc vốn hóa từ nhỏ, trung bình đến lớn, khiến cho tất cả các chỉ số từ VNI, VN30, HNX-Index, VNMidcap và VNSmallcap đều ghi nhận mức giảm.
Dẫn dắt sự điều chỉnh của VN-Index là đà giảm của các nhóm ngành đã tăng trưởng mạnh trong giai đoạn trước là tài chính (với nhiều mã ngân hàng, chứng khoán) và vật liệu (với đại diện là nhóm thép) do áp lực chốt lời.
Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng diễn biến khá tiêu cực với nhịp giảm khá sâu của VIC cùng với sự điều chỉnh của NVL hay PDR. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng với các đại diện như MWG, DGW, MSN… lại có sự giảm điểm ít hơn so với mặt bằng chung.
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Bao giờ trở lại mốc 1.300 điểm Theo CTCK Vietcombank (VCBS), VN-Index đang chịu nhiều áp lực bán, bắt nguồn từ các thông tin tiêu cực từ ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 lần thứ 4. Trước các triển vọng kém khả quan trong ngắn hạn, VCBS cho rằng chỉ số nhiều khả năng sẽ tìm được lực cầu tiềm năng dồi dào hơn ở vùng hỗ trợ tiếp theo quanh 1.200 điểm. VCBS đánh giá nhóm ngân hàng và bất động sản, cùng các nhóm ngành triển vọng tốt giai đoạn nửa đầu 2021 sẽ là tâm điểm của các lực bán chốt lời sau thời gian dài liên tục lập đỉnh. Dòng tiền sẽ còn thận trọng, tập trung vào các mã có triển vọng kinh doanh tích cực và rõ ràng trong nửa cuối năm 2021. VCBS khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng tiền mặt lớn, hạn chế giải ngân mạnh hoặc sử dụng margin trong giai đoạn thị trường đang trong xu hướng "Giảm sâu" và "Mò đáy". Nhà đầu nên tập trung vào các doanh nghiệp có yếu tô cơ bản tốt và được toàn thị trường nhìn đánh giá cao. Chung quan điểm thận trọng, CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS) đánh giá việc VN-Index giảm 4,29% trong phiên đầu tuần với thanh khoản vượt trên mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra là khá mạnh. Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang đi trong sóng điều chỉnh a với target theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.210 điểm nên dư địa giảm là vẫn còn. Tuy nhiên, sau một phiên giảm mạnh với thanh khoản cao, thị trường sẽ dần có diễn biến ổn định hơn khi bên mua và bên bán tìm được vùng cân bằng trong ngắn hạn. |
Nhịp giảm điểm của thị trường đã thúc đẩy khối ngoại quay trở lại mua ròng trong nửa đầu tháng 7 với tổng giá trị hơn 6.500 tỷ đồng trong đó đáng chú ý có sự đóng góp khá tích cực của quỹ ETF Fubon của Đài Loan khi mà quỹ này liên tiếp tăng mạnh số lượng chứng chỉ quỹ, với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo VCSC, nhịp giảm mạnh của thị trường đã kích hoạt mức giá phải bán ra tại tất cả các cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị ngắn hạn để bảo toàn lợi nhuận thu được.
Trên phương diện phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index sau khi giảm về vùng hỗ trợ tại 1.270 điểm của đường MA100 ngày đã tạo lập được sự cân bằng ngắn hạn khi khối lượng giao dịch của sàn HOSE sụt giảm về mức thấp. Áp lực bán đã tạm thời suy yếu tạo điều kiện cho lực cầu chiếm ưu thế trở lại. Nếu nó có thể giúp cho VN-Index đóng cửa trên 1.300 điểm, thị trường sẽ xuất hiện một nhịp hồi phục kỹ thuật hướng lên vùng 1.325 - 1.330 điểm nơi có kháng cự của đường MA50 ngày.
Trong nhịp hồi phục này, thị trường sẽ biến động hẹp với nền tảng thanh khoản trung bình trong đó các cổ phiếu sẽ phân hóa theo kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II sắp được công bố. Theo đó, nhiều khả năng nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán hay thép sẽ là những mà sẽ ghi nhận sự hồi phục tốt hơn phần còn lại.
Tuy nhiên, trong kịch bản hồi phục với nền tảng thanh khoản yếu, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng với sự đảo chiều bất ngờ của thị trường nếu áp lực bán gia tăng trở lại.
Theo đó, nếu VN-Index đảo chiều giảm xuống dưới mốc 1.270 điểm, chỉ số có thể sẽ điều chỉnh sâu hơn về vùng 1.150 - 1.200 điểm.
Ở kịch bản này, hệ số P/E bình quân của VN-Index được kỳ vọng sẽ giảm về gần mức bình quân 5 năm qua ở khoảng 16,5 lần và theo Chứng khoán Bản Việt là một cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư theo giá trị khi mà khá nhiều báo cáo chiến lược thị trường nửa cuối năm trong đó có báo cáo của VCSC dự báo VN-Index có thể kết thúc năm 2021 ở mức từ 1.400 - 1.500 điểm.