Kiến nghị xử lý vi phạm của Vissan tại thời điểm chuyển đổi hình thức doanh nghiệp

Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (sau này là Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) là một trong số nhiều doanh nghiệp thuộc UBND TP HCM quản lý vừa bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra những vi phạm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đặc biệt liên quan đến đất đai.
Khu đất tại địa chỉ 420 Nơ Trang Long với giá trị lớn, là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ quyết toán giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Công ty Vissan
Khu đất tại địa chỉ 420 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) với giá trị lớn, là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ quyết toán giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Vissan

Vi phạm về tài chính và đất đai

Tại Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) liên quan đến hoạt động kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (sau này là Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản - Vissan), một trong số 28 doanh nghiệp thuộc UBND TP HCM quản lý bị “điểm tên” với hàng loạt những vi phạm.

Trong đó, Vissan được phát hiện chưa thực hiện các thủ tục pháp lý để điều chỉnh doanh nghiệp thuê đất từ công ty TNHH MTV sang công ty cổ phần, hoặc chưa hoàn tất thủ tục để ký hợp đồng thuê đất; Lập báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần chưa chính xác.

Với những vi phạm này, KTNN đã kiến nghị UBND TP HCM xem xét, xử lý các vấn đề lưu ý tại Báo cáo kiểm toán trước khi quyết định công bố giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản; Phê duyệt quyết toán tài chính, quyết toán chi phí cổ phần hóa, quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư, quyết toán số tiền thu từ cổ phần hóa theo quy định.

KTNN cũng kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, phối hợp với Vissan lập thủ tục để điều chỉnh tên chủ thể hợp đồng thuê đất từ công ty TNHH MTV sang công ty cổ phần, đồng thời ký các hợp đồng thuê đất đối với 13 khu đất được giao quản lý sử dụng theo Quyết định số 3910/QĐ-UBND ngày 10/8/2015 của UBND TP HCM nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất; Chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát và tham mưu cho UBND thành phố xử lý theo đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 65, điểm b khoản 2 Điều 68 Luật Đất đai và chỉ đạo tại Thông báo số 563/TB-VPCP ngày 7/12/2017 của Văn phòng Chính phủ đối với 11 khu đất có tổng diện tích 5.252,4 m² (là đất đai dôi dư trong quá trình cổ phần hóa tại Vissan), hiện đang tạm giao Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn tiếp nhận, tạm quản lý sử dụng).

Ngoài ra, KTNN cũng đề nghị Cục Thuế TP HCM kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan của Chi cục Thuế quận Bình Thạnh trong việc xác định sai tiền thuê đất tại địa chỉ 420 Nơ Trang Long với giá trị lớn, là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ quyết toán giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Vissan.

Hàng loạt “ông lớn” cũng bị “điểm tên”

Bên cạnh Vissan, hàng loạt “ông lớn” khác thuộc UBND TP HCM quản lý cũng vướng không ít sai phạm, có thể kể đến những cái tên quen thuộc như: Công ty TNHH MTV Công trình Giao thông Công chánh, Công ty TNHH MTV Công trình Giao thông Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xuất khẩu Lao động và Chuyên gia, Công ty Kinh doanh Thủy hải sản, Công ty TNHH MTV Đóng tàu An Phú, Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn, Công ty Kỹ thuật Xây dựng Phú Nhuận, Công ty TNHH MTV Phát triển Khu công nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Bến Thành, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Bến Thành, Công ty TNHH MTV Đầu tư Địa ốc Gia Định….

Đa số các đơn vị này vướng một hay nhiều sai phạm như: Đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ; Chưa nộp đầy đủ, kịp thời các khoản phải nộp về cổ phần hóa; Chậm lập báo cáo quyết toán cổ phần hóa; Chưa tuân thủ quy định trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; Chưa xây dựng phương án sử dụng đất trình UBND TP HCM phê duyệt trước khi xác định giá trị doanh nghiệp; Sử dụng đất không đúng mục đích; Kết quả kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại các doanh nghiệp 334,92 tỷ đồng và kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước 505,97 tỷ đồng.

Cũng theo KTNN, để xảy ra những vi phạm nêu trên, UBND TP HCM cũng có những thiếu sót trong việc chậm có ý kiến về phương án sử dụng đất hoặc chưa phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp; Chưa phê duyệt giá đất đối với diện tích đất khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần; Chậm phê duyệt hầu hết các báo cáo quyết toán tài chính, quyết toán số tiền thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp.

Từ đó, KTNN đã kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát và tham mưu cho UBND Thành phố xử lý theo quy định; Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng thanh kiểm tra và xử lý tài chính đối với những đơn vị đã sử dụng đất sai mục đích theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính Phủ; Tổ chức thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hoá theo điểm i khoản 1 Điều 2 Nghị Quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội để có biện pháp xử lý theo đúng quy định.