Kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 732 tỷ USD

Với 732 tỷ USD, Việt Nam đang ở nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đây cũng là năm xuất siêu thứ 7 liên tiếp.

Theo thông tin mà Bộ Công thương vừa công bố tại hội nghị tổng kết 2022 chiều 26/12, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 732 tỷ USD, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên chỉ số này vượt mốc 700 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao.

Cùng với đó có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm nay đạt 360,5 tỷ USD, dự kiến tăng khoảng 8,5% so với năm trước và kiểm soát tốt các mặt hàng hạn chế nhập khẩu.

Theo cơ quan này, kết quả tăng trưởng của xuất khẩu chính là điểm sáng trong phát triển kinh tế năm 2022. Việt Nam đã vươn lên thứ 23 trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN về kim ngạch xuất khẩu, có quan hệ thương mại đầu tư với hơn 220 thị trường nước ngoài, mang lại nguồn ngoại tệ quan trọng trong ổn định tài chính tiền tệ và kinh tế vĩ mô trong nước.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, theo đại diện Bộ Công thương.

Tuy nhiên, xuất khẩu tăng chậm lại từ quý IV, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng. Một số mặt hàng chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá xuất khẩu giảm, đã làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm... Việc này, theo Bộ Công Thương, đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng xuất khẩu chung cả nước.

Mặc dù xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn còn lớn, chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, năng lực xuất khẩu các doanh nghiệp trong nước, nhất là vừa và nhỏ, chưa cao.

Bên cạnh đó, tốc độ đa dạng hoá thị trường một số sản phẩm, như rau quả, còn chậm nên chưa đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, hay tận dụng tốt các FTA đã ký. Việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, năm 2023, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm nay; cán cân thương mại duy trì xuất siêu.

Về tình hình năm tới, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên dự báo bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình quốc tế và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và có dấu hiệu suy thoái ở nhiều quốc gia; các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn còn hiện hữu. Xung đột địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; sức ép lạm phát, giá dầu thô, nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, khó đoán định.

Do đó, một số thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp, tiếp cận thị trường và vốn của các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn...

Bộ trưởng Diên cho rằng thời gian tới, cần chủ động rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới; đồng thời, tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, góp phần hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, chú trọng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả.

Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, năm 2023 sẽ phức tạp hơn khi nhiều nền kinh tế trên thế giới được dự báo lạm phát cao; kinh tế thế giới nhiều khả năng suy thoái kỹ thuật... kéo theo sức mua, tiêu dùng toàn cầu giảm.

Các đối tác thương mại cũng khó tính hơn, như điều chỉnh các quy định liên quan tới giảm phát thải carbon, hay siết chất lượng với hàng hoá nhập khẩu.

"Chắc chắn khách hàng sẽ khó tính hơn gắn với các điều kiện thương mại, phi thương mại, đòi hỏi các doanh nghiệp, ngành xuất khẩu có kịch bản ứng phó", ông Vũ lưu ý.