Kinh tế châu Âu chật vật với cú sốc năng lượng nghiêm trọng

Kinh tế châu Âu đang gặp phải khó khăn lớn do cú sốc về năng lượng liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Nhưng suy thoái là điều ít có khả năng xảy ra.

Cú sốc giá năng lượng tác động mạnh đến ngành chế tạo tại Đức. Ảnh: DPA

Trong gần một thập kỉ qua, lãi suất ở mức đáy cùng với lạm phát thấp dường như đã trở thành một thực tế đời sống hiển hiện tại khu vực đồng tiền chung châu âu (eurozone). Giờ đây, chỉ số giá tiêu dùng đã vượt 8%/năm, cao hơn mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra.

Nhiều thành viên trong hội đồng điều hành ECB đã bắt đầu phát đi tín hiệu về sớm tăng lãi suất, một thông điệp nhiều khả năng sẽ được tái khẳng định trong phiên họp của ECB về chính sách tiền tệ ngày 9/6 tới. Tuy nhiên, cơ quan này hiện rơi vào tình thế khó khăn: Phải đẩy nhanh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhưng đi cùng đó là triển vọng kinh tế ngày một ảm đạm – một thực tế đòi hỏi phải duy trì thêm một thời gian nữa chính sách nới lỏng tiền tệ.

Nguyên nhân gây ra “thực trạng kép” này chính là cú sốc về giá năng lượng. Giá dầu mỏ và khí đốt bước vào chu kỳ tăng giá mạnh sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tăng giá ở hai mặt hàng này là tác nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tại châu Âu tăng mạnh hơn ở Mỹ - nước mới bắt tay siết lại các gói kích thích kinh tế hào phóng. Theo Goldman Sachs, giá nhiên liệu trong tháng 5 tăng 39% so với cùng kỳ làm lạm phát tăng 0,4% ở châu Âu, trong khi tại Mỹ chỉ là 0,2%.

Hệ quả đã bắt đầu lộ ra trên hai khía cạnh giá tiêu dùng. “Lạm phát lõi” - lạm phát loại trừ lương thực, năng lượng, đã tăng nhanh hơn ở eurozone trong tháng 5 so với ước đoán của giới chuyên gia kinh tế. Chi phí giá sản xuất đầu vào tại Đức đã tăng 33,5% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, không chỉ do giá năng lượng tăng cao, mà còn do các mặt hàng trung gian thâm dụng nhiều năng lượng, như kim loại, bê tông, hóa chất… Điều này làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giáng mạnh vào sức mua của người tiêu dùng.

Xu hướng trên đe dọa tới kinh tế eurozone ra sao? Một hệ quả của cú sốc năng lượng chính là giảm thu nhập thực tế hộ gia đình. Tiền lương, thu nhập của người lao động ở eurzone có tăng, nhưng không theo kịp mức tăng của lạm phát. Nhiều chủ sử dụng lao động đã thực hiện chính sách trợ cấp một lần cho nhân công, để bù đắp cho mức giá tăng và tránh được việc phải tăng tiền lương cho người lao động.

Tuy nhiên, mức tăng thu nhập tính theo năm vẫn đứng ở mức thấp, như tại Hà Lan con số này chỉ là 2,8%, dù tâm lý doanh nghiệp lạc quan, thị trường việc làm “nóng’. Ở một khí cạnh nào đó, đây là tin tốt với ECB, bởi nó giúp giảm nguy cơ giá tiêu dùng tăng do hiệu ứng tăng thu nhập. Nhưng ngược lại, mức tiêu dùng thấp cũng làm suy yếu tăng trưởng kinh tế.

Cầu yếu làm trầm trọng thêm thách thức đặt ra với khu vực chế tạo, nơi lòng tin doanh nghiệp suy giảm mạnh. Đứt gãy chuỗi cung lặp lại do Trung Quốc phong tỏa chống COVID-19 cùng với giá năng lượng tăng cao đang tác động mạnh tới doanh nghiệp, trong đó Đức và các nước Đông Âu thuộc nhóm dễ bị tổn thương trước suy yếu sản xuất công nghiệp. Đơn hàng đối với các nhà máy ở eurozone trong tháng 5 đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, cho thấy rõ cầu giảm. Đơn hàng xuất khẩu cũng giảm ở mức cao nhất trong hai năm trở lại đây.

Giới kinh tế vì vậy đã cắt giảm dự báo tăng trưởng đối với khu vực châu Âu, nhưng bảo lưu quan điểm ít có khả năng xảy ra suy thoái mạnh. Một phần là bởi nhiều quốc gia trong eurozone đối diện với cú sốc năng lượng trên thế mạnh, chứ không phải thế yếu. Lĩnh vực dịch vụ - nhất là du lịch đang được hưởng lợi, hồi phục tốt do chính sách mở cửa, chấm dứt làn sóng phong tỏa, đóng cửa.

Thị trường việc làm cũng chuyển biến tích cực. Quý 1 vừa qua, tính trung bình trong eurozone, cứ 100 chỗ làm còn 3 chỗ trống. Xu hướng tuyển dụng thêm lao động vẫn rất mạnh tuy có suy giảm chút ít ngay sau thời điểm bùng phát xung đột Ukraine. Khoảng 25% doanh nghiệp châu Âu cho biết thiếu nhân công là rào cản lớn đối với tăng năng lực sản xuất.

Tiết kiệm chi tiêu tích tụ trong các giai đoạn phong tỏa trước đó cũng giúp người tiêu dùng tăng khả năng chống chọi với cú sốc năng lượng. Tính toán sơ bộ cho thấy, mức tiết kiệm “phụ trội” này tại Pháp và Đức chiếm khoảng 10% thu nhập khả dụng của người tiêu dùng trong quý 1 vừa qua.

Tuy nhiên, khả năng bù đắp từ nguồn thu nhập tích trữ này là không đồng đều. Người nghèo ở các nước giàu và phần lớn hộ gia đình tại các nước nghèo thuộc nhóm dễ bị tổn thương. Như tại Slovakia, mức tiết kiệm gần như không tăng trong suốt thời gian diễn ra đại dịch. Giới chuyên gia đánh giá, yếu kém về tiêu dùng sẽ đến từ những hộ gia đình thu nhập thấp.

Ngay cả khi eurozone tránh được nguy cơ suy thoái, cú sốc năng lượng vẫn là lực cản đối với tăng trưởng. ECB đối diện với tình thế tiến thoái lưỡng nan không thể tránh được. Lạm phát tăng do nhân tố tăng giá năng lượng, lương thực sẽ khiến kinh tế châu Âu suy yếu đi.