Kinh tế thế giới
Gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới cũng đang trở nên tồi tệ và có thể kéo dài đến năm 2022. Trong ảnh: Cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến, Trung Quốc, một trong những cảng biển lớn nhất thế giới. (Nguồn: China Daily)
Kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều thách thức
Nếu các ngân hàng trung ương hành động quá chậm, lạm phát có thể tiếp tục tăng. Nhưng nếu họ tăng lãi suất quá nhanh, điều đó có thể cản trở sự phục hồi kinh tế trong một thế giới nợ nần chồng chất.
Theo tờ Wall Street Journal, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau đợt suy thoái sâu của năm ngoái đang tiến gần một thời điểm nhạy cảm, khi các nhà hoạch định chính sách và các giám đốc điều hành doanh nghiệp phải vật lộn với quá trình chuyển đổi gập ghềnh từ giai đoạn mở cửa trở lại sau đại dịch sang giai đoạn với nhịp độ tăng trưởng bình thường hơn.
Các ngân hàng trung ương ở Mỹ và các nước khác đang cố gắng vạch ra một lộ trình nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát, nhưng không làm cản trở tăng trưởng. Họ đang phải tiến hành điều hướng quá trình loại bỏ các biện pháp khác thường đối với các nền kinh tế, bao gồm lãi suất chạm đáy và các chương trình mua trái phiếu khổng lồ - vốn được triển khai để hỗ trợ các nền kinh tế.
Sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng của Mỹ trong năm qua, được thúc đẩy bởi các gói kích thích trị giá hàng ngàn tỷ USD, đã gây ra sự gián đoạn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới cũng đang trở nên tồi tệ và có thể kéo dài đến năm 2022. Kết quả là giá cả cao hơn và cuộc tranh giành để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô và lao động đang gây áp lực lên một số công ty và tạo gánh nặng lên các nền kinh tế lớn như Đức.
Trong khi đó, Trung Quốc đang trong nỗ lực đầy tham vọng để cải cách nền kinh tế, bao gồm kiềm chế nợ hộ gia đình và nợ doanh nghiệp, đặc biệt đối với thị trường nhà ở của nước này, kìm hãm lĩnh vực công nghệ và theo đuổi các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Những yếu tố này có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc cũng như trên toàn cầu.
Kết quả là, sự phục hồi toàn cầu - trong khi vẫn còn mạnh mẽ - đang ở một điểm bấp bênh, với nguy cơ các bước đi sai lầm.
Ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics ở London (Anh), nhận định: “Đây là giai đoạn khó khăn của quá trình phục hồi. Các nhà hoạch định chính sách cần vạch ra các giải pháp lâu dài cũng như các giải pháp ngắn hạn”.
Nếu các ngân hàng trung ương hành động quá chậm, lạm phát có thể tiếp tục tăng, với việc giá cả và tiền lương sẽ tăng cao hơn. Nhưng nếu họ tăng lãi suất quá nhanh, điều đó có thể cản trở sự phục hồi kinh tế trong một thế giới nợ nần chồng chất. (TTXVN)
Hội nghị Bộ trưởng WTO triển vọng thành công
Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế tại Nghị viện châu Âu Bernd Lange đánh giá Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự kiến diễn ra cuối tháng 11 sẽ có khả năng thành công do Mỹ sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong các cuộc đàm phán.
Khẳng định Mỹ hiện đang đi đúng hướng và đó là một tín hiệu tốt cho WTO, ông Lange cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng của WTO dưới nỗ lực điều hành của Tổng giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala cùng với sự lãnh đạo của Mỹ và EU.
Tuy nhiên, Mỹ hiện vẫn chưa có Đại sứ tại WTO và chính quyền ông Biden hiện cũng nối tiếp chính quyền tiền nhiệm trong việc chặn việc bổ sung thành viên cho Cơ quan phúc thẩm của WTO, khiến Cơ quan này không thể tiếp nhận bất kỳ cáo trạng nào. (TG&VN)
Kinh tế Mỹ
* Dữ liệu Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/11 cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10/2021 tăng cao hơn nhiều so với dự đoán, lên mức cao nhất trong vòng 30 năm qua.
Cụ thể, CPI trong tháng 10/2021 đã tăng 0,9% so với tháng 9/2021 và 6,2% trong khoảng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng 10/2021. Trước đó, các nhà phân tích nhận định chỉ số CPI sẽ tăng 0,5% trong tháng 10/2021, tăng từ mức tăng 0,4% trong tháng 8/2021 và 5,8% trong giai đoạn 12 tháng tính đến hết tháng 10/2021.
Phần lớn lạm phát trong năm là do các lĩnh vực cụ thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 cũng như tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng, như ô tô, gỗ xẻ, nhà cho thuê và năng lượng. (Reuters)
Lạm phát tại Mỹ trong tháng 10/2021 đã lên tới mức cao nhất trong vòng 30 năm. (Nguồn: EPA)
* Các chuyên gia kinh tế cho rằng gói cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD vừa được Quốc hội Mỹ thông qua dù trong ngắn hạn sẽ không giúp nền kinh tế cải thiện nhiều, song sẽ chuẩn bị cho nước Mỹ một chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong những thập niên tới.
Luật bổ sung khoản chi tiêu khoảng 550 tỷ USD cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong vòng 10 năm tới, khoảng 1/5 nguồn kinh phí sẽ được dùng cho việc xây dựng và sửa chữa cầu đường và một phần nhỏ sẽ để cải thiện mạng lưới băng thông rộng, hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt, sân bay, bến cảng...
Nhà kinh tế học của Moody’s Analytics, Mark Zandi ước tính tới năm 2031, Luật sẽ giúp làm tăng tăng trưởng năng suất lao động thêm 0,03% mỗi năm. (TG&VN)
Kinh tế Trung Quốc
* Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) ngày 10/11 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã tăng 1,5% trong tháng 10/2021, cao hơn mức tăng trưởng tương ứng 0,7% được ghi nhận vào tháng 9. NBS cho rằng CPI tháng 10 tăng là do điều kiện thời tiết bất thường, chi phí tăng và cung - cầu mất cân đối trong một số sản phẩm.
Theo báo cáo của Chính phủ Trung Quốc, nước này đã đặt mục tiêu lạm phát tiêu dùng ở mức xấp xỉ 3% cho năm 2021.
Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc, đánh giá chi phí hàng hóa tại cổng nhà máy, đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 10 vừa qua. Con số này cao hơn mức tăng 10,7% của tháng 9. Trên cơ sở hàng tháng, PPI của Trung Quốc trong tháng 10 đã tăng 2,5% so với tháng trước đó. (Tân Hoa xã)
* Các chuyên gia cảnh báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại khi nước này kiên quyết theo đuổi chiến lược "Zero Covid" với mục tiêu đưa số ca mắc trong cộng đồng về 0.
Cụ thể, trả lời phỏng vấn CNBC, nhà kinh tế học Hao Zhou của Commerzbank (Đức), nhận định nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách "Zero Covid", nhu cầu trong nước sẽ bị hạn chế, đồng thời, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy nước này sẽ sớm thay đổi chiến lược trên nên trong vài quý tới hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục chậm lại.
Chiến lược "Zero Covid" đòi hỏi chính quyền phải nhanh chóng phong tỏa nghiêm ngặt khu vực bùng phát dịch kể cả là phát hiện một hay nhiều ca bệnh, tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, đóng cửa hoặc kiểm soát chặt chẽ các đường biên giới, cùng với đó là phải triển khai các hệ thống truy dấu tiếp xúc và cách ly bắt buộc. Mà những biện pháp này cuối cùng đều tác động tới các hoạt động cung và cầu trong nền kinh tế.
Theo khảo sát của CNBC, 10 ngân hàng lớn trên thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 của Trung Quốc. (TTXVN)
* Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 7/11 công bố số liệu cho thấy xuất nhập khẩu của nước này trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 31.670 tỷ Nhân dân tệ (4.890 tỷ USD), đánh dấu mức tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ghi nhận sự phục hồi ấn tượng từ đại dịch Covid-19, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy đà phục hồi đang chậm lại. (BNews)
Kinh tế châu Âu
* Theo dữ liệu trên sàn giao dịch ICE ngày 10/11, giá khí đốt ở châu Âu thời điểm mở cửa phiên giao dịch đã giảm xuống dưới 800 USD/1.000 m3 với kỳ vọng nguồn cung nhiên liệu từ Nga sẽ tăng lên.
Theo đó, giá khí đốt kỳ hạn tháng 12/2021 tại Trung tâm TTF ở Hà Lan giảm xuống 791,6 USD/1.000 m3 hoặc 66 Euro (khoảng 76,21 USD)/MWh.
Vào đầu giờ sáng ngày 10/11, lưu lượng khí đốt trong đường ống Yamal-Europe đã tăng gần một phần tư so với một ngày trước đó.
Ngoài ra, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 10/11 cũng đã gửi thông báo tăng vận chuyển khí đốt đi qua lãnh thổ Ukraine theo hợp đồng lên mức tối đa, khoảng 109,3 triệu m3/ngày.
Trong một diễn biến liên quan, trả lời phỏng vấn Tờ Kommersant ngày 10/11, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov nhận định Nga có thể lập lại kỷ lục về sản lượng khai thác dầu của mình vào khoảng 560 triệu tấn trong giai đoạn 2023-2024. (Reuters)
* Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s mới đây cho biết, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga năm 2021 sẽ lên tới 4,8%, so với mức dự báo 3,2% đưa ra hồi tháng 8/2021.
Báo cáo trên nêu rõ: “Trong thời gian qua, tăng trưởng của Nga mạnh hơn so với chúng tôi dự đoán, vì thế chúng tôi nâng dự đoán tăng trưởng kinh tế cả năm… Đến cuối năm nay, nền kinh tế sẽ còn được hỗ trợ bởi sự gia tăng sản lượng dầu và nhu cầu của người tiêu dùng”.
* Chính phủ Đan Mạch vừa đề xuất khôi phục sử dụng “thẻ corona” điện tử đối với người dân khi đến các quán bar và nhà hàng trong nhà do đất nước này đang bước vào đợt dịch thứ ba. Đan Mạch là một trong số ít quốc gia dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng chống dịch vào tháng 9 sau khi đã tránh được đợt lây nhiễm thứ ba trong mùa xuân và mùa hè.
Tuy nhiên, nước này đang đối mặt với số ca lây nhiễm Covid-19 hằng ngày tăng lên mức khoảng 2.300 trong những ngày gần đây từ mức ca nhiễm chỉ 200 vào giữa tháng 9. (Reuters)
* Đại diện các nước Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý rằng Ủy ban châu Âu sẽ là cơ quan thực thi duy nhất các quy tắc công nghệ mới với vai trò hạn chế đối với các cơ quan giám sát chống độc quyền quốc gia thay vì các quyền lực rộng lớn hơn.
Các bộ trưởng EU sẽ chính thức phê chuẩn thỏa thuận vào ngày 25/11 như một phần quan điểm chung của khối trước khi đàm phán với các nhà lập pháp EU và Ủy ban về dự thảo quy tắc về Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số. Đạo luật được đề xuất vào năm ngoái nhằm hạn chế quyền lực của các Tập đoàn công nghệ thông tin lớn như Google, Facebook... (Reuters)
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 10/11 gửi thông báo tăng vận chuyển khí đốt đi qua lãnh thổ Ukraine theo hợp đồng lên mức tối đa, khoảng 109,3 triệu m3/ngày. (Nguồn: Gettyy Images)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 6/11 cho biết Nhật Bản hoan nghênh và chờ đón RCEP có hiệu lực vào đầu năm sau, đồng thời khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp có thể tối đa hóa lợi ích từ FTA này.
Theo các chuyên gia kinh tế, RCEP có hiệu lực sẽ giúp GDP của nước này tăng khoảng 132 tỷ USD, gấp đôi so với mức tăng GDP nhờ việc tham gia Hiệp định CPTPP. (Reuters, Nikkei)
* Chính phủ Nhật Bản đang xem xét một gói kích thích kinh tế trị giá hơn 265 tỷ USD nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và kích thích nền kinh tế.
Gói kích thích dự kiến có 4 trụ cột gồm: Ngăn chặn sự lây lan của dịch, nối lại các hoạt động kinh tế-xã hội trong khi vẫn đảm bảo quản lý dịch bệnh, xây dựng chủ nghĩa tư bản mới cho xã hội tương lai, và đảm bảo an toàn, an ninh của người dân. (Reuters)
* Khoảng 90% doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn chưa thể quyết định về kế hoạch đầu tư cho năm 2022 do lo ngại các yếu tố bất ổn tiềm tàng bất chấp kế hoạch “sống chung với Covid-19” mà Chính phủ đã triển khai. Theo kết quả cuộc thăm dò do Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) tiến hành đối với 316 công ty, 56,2% cho biết họ chưa thể đưa ra kế hoạch đầu tư cho năm tới, 32,1% hiện đang xem xét các kế hoạch đầu tư và chỉ có 11,7% đã hoàn thành hoặc đang lập kế hoạch đầu tư. (BNews)
* Nhóm Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 8/11 công bố báo cáo “Tác động từ trở ngại sản xuất của 5 nước ASEAN tới chuỗi cung ứng toàn cầu”, trong đó đánh giá hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp trở ngại lớn do các biện pháp phong tỏa quyết liệt.
Nếu sản xuất ngành chế tạo của các quốc gia này gặp trở ngại khoảng 7%, thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc sẽ bị giảm tối đa 0,06%. (KBS News)
* Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2021 đã đạt 102,29 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD trong năm 2021. Cán cân thương mại nghiêng mạnh về phía Bắc Kinh với xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ đạt 78,33 tỷ USD.
Một số chuyên gia đánh giá thương mại giữa hai nước gia tăng cho thấy tính bổ sung lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn đang phát triển trên thế giới này. (TTXVN)
* Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhất trí nối lại hành lang du lịch giữa hai nước từng bước, trong đó sẽ bắt đầu tại các khu vực quan trọng gồm các thủ đô và đảo du lịch Bali.
Ngoài ra, ông Ismail Sabri cũng cho biết, Malaysia sẽ ân xá cho các lao động nhập cư Indonesia đang làm việc tại nước này mặc dù giấy phép lao động đã hết hạn. (TTXVN)
* Tờ Vientiane Times số ra ngày 10/11 đưa tin, chính phủ Lào sẽ đa dạng hóa các nguồn năng lượng bằng cách phát triển các nhà máy điện Mặt trời, điện gió và nhiệt điện than để giải quyết tình trạng thiếu điện trong mùa khô.
Theo ước tính của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, công suất điện Mặt Trời của nước này dự kiến sẽ khoảng 10.000 MW đến 15.000 MW, trong khi tiềm năng điện gió ước tính vào khoảng 100.000 MW. (TTXVN)