Kinh tế thế giới nổi bật tuần (8-14/10): Châu Âu loay hoay hạ nhiệt khủng hoảng năng lượng, Nga nêu điều kiện 'ra tay giúp đỡ', Trung Quốc giảm tốc

14/10/2021 14:44

Châu Âu tìm cách hạ nhiệt giá khí đốt đang tăng cao, Nga nêu điều kiện tăng nguồn cung, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, đồng tiền Indonesia hoạt động tốt nhất châu Á… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng 7 và giữ nguyên dự báo cho năm 2022 là 4,9%. (Nguồn: IMF)

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021

Tại hội nghị mùa Thu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 12/10, IMF công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) cho biết, những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng và sức ép giá đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19.

Trong báo cáo trên, IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng 7 và giữ nguyên dự báo cho năm 2022 là 4,9%.

Tuyên bố của IMF cho biết, dù mức dự báo giảm chung chỉ là 0,1% nhưng đối với một số nước cụ thể, mức dự báo tăng trưởng giảm mạnh hơn.

Trong WEO, dự báo tăng trưởng nền kinh tế Mỹ được điều chỉnh giảm mạnh nhất, từ 7% xuống còn 6% trong năm 2021. IMF cho rằng, tăng trưởng của Mỹ có thể sẽ giảm mạnh hơn nữa vì dự báo lần này giả định, Quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn đề xuất chi tiêu xã hội và hạ tầng trị giá 4.000 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.

Báo cáo cũng cắt giảm tăng trưởng của nhiều nền kinh tế công nghiệp khác. Tăng trưởng của Đức giảm nửa điểm phần trăm xuống còn 3,1%, trong khi con số này của Nhật Bản giảm 0,4 điểm xuống còn 2,4%.

IMF dự báo tăng trưởng ở Anh năm nay giảm 0,2 điểm xuống còn 6,8% và đây là mức dự báo tăng trưởng nhanh nhất trong Nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển (G7).

Tăng trưởng năm 2021 của Trung Quốc được dự báo giảm 0,1 điểm xuống còn 8%, theo IMF là nhờ sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của đầu tư công.

Dự báo cho Ấn Độ không thay đổi, hiện là 9,5%. Tăng trưởng của nhóm "ASEAN-5" (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore) được cho là sẽ vào khoảng 2,9%, tăng so với mức suy giảm 3,4% ghi nhận trong năm 2020 nhưng giảm 1,4 điểm so với dự báo hồi tháng 7. Sang năm 2022, vùng này được dự báo đạt tăng trưởng 5,8%.

Riêng tại một số nước xuất khẩu hàng hóa như Nigeria và Saudi Arabia, IMF tăng nhẹ dự báo tăng trưởng nhờ giá dầu và hàng hóa tăng cao. (Reuters)

Liên hợp quốc yêu cầu phân phối công bằng vaccine Covid-19

Ngày 11/10, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và các quốc gia đang phát triển đã yêu cầu phân phối vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu một cách công bằng hơn và nhận được tài trợ nhiều hơn từ các nước giàu để giúp những quốc gia nghèo đối phó với dịch Covid-19.

Tại cuộc họp kỷ niệm 60 năm Phong trào Không liên kết (NAM), thành viên sáng lập Ghana đã chỉ trích các cường quốc toàn cầu về việc không chia sẻ vaccine một cách công bằng, cho thấy các quốc gia nghèo đang phải chịu “sự thương xót” từ các quốc gia hùng mạnh đang tích trữ nguồn cung cấp. (Reuters)

Kinh tế Mỹ

Các nhà máy và nhà cung cấp năng lượng tại Mỹ đang được yêu cầu tăng sản lượng trong khi nguồn cung về dầu và khí tự nhiên bị hạn chế, khiến kinh tế nước này đối mặt thách thức về giá năng lượng tăng cao.

Giá dầu thô đã tăng 64% trong năm nay; giá khí tự nhiên tăng gấp đôi trong vòng 6 tháng qua. Giá điện đã tăng 5.2% trong tháng 8 so với năm ngoái, mức tăng lớn nhất từ năm 2014.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, giá năng lượng tăng sẽ thúc đẩy lạm phát trong thời gian tới; làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và làm giảm tốc độ phát triển của kinh tế Mỹ. Lịch sử cho thấy, mỗi khi giá năng lượng tăng cao là thời kỳ giảm phát bắt đầu. (TG&VN)

* Ngày 7/10, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng Brian Deese cho biết, chính quyền Tổng thống Biden muốn giúp các nước đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu hơn cho các nhà sản xuất công nghệ năng lượng sạch của Mỹ.

Việc Mỹ có thể tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển và xây dựng các thị trường đó theo hướng có lợi cho Mỹ sẽ giúp tạo cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Mỹ và việc làm cho người lao động Mỹ. (Inside Trade)

Kinh tế Trung Quốc

* Theo khảo sát của 29 nhà kinh tế do Nikkei và Nikkei Quick News thực hiện, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại ở mức 5% trong giai đoạn từ tháng 7-9 năm nay. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch Covid-19 và tình trạng thiếu điện được coi là những nguyên nhân chính cản trở đà phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà kinh tế tham gia khảo sát dự đoán Trung Quốc sẽ chứng kiến sự suy giảm kinh tế trong quý III/2021 sau khi các số liệu được điều chỉnh theo mùa. (Nikkei Asia)

* Sáng 9/10, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, trao đổi về quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa bà Katherine Tai và ông Lưu Hạc.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết tại cuộc điện đàm, quan chức hai nước “đã đánh giá việc thực thi Thỏa thuận Kinh tế và thương mại Mỹ - Trung và nhất trí sẽ tiếp tục tham vấn về các vấn đề còn tồn tại”. (TTXVN)

Mỹ và Trung Quốc nhất trí tiếp tục tham vấn về các vấn đề còn tồn tại. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế châu Âu

* Ngày 13/10, Ủy ban châu Âu (EC) công bố một danh sách các biện pháp đề xuất mà các nước Liên minh châu Âu (EU) có thể áp dụng để "hạ nhiệt" giá năng lượng tăng cao nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và ngành công nghiệp.

Các biện pháp ngắn hạn do cơ quan điều hành EU đưa ra chỉ mang tính "tạm thời" và "được tập trung" để có hiệu lực ngay lập tức. Các biện pháp trung hạn mơ hồ hơn và nhằm hỗ trợ mục tiêu của EU trở thành khu vực trung hòa carbon vào năm 2050.

* Cũng trong nỗ lực giúp châu Âu thoát khỏi tình trạng khủng hoảng năng lượng hiện tại, Nga đã tăng tối đa nguồn cung khí đốt cho châu Âu theo các hợp đồng hiện có.

Ngày 13/10, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết nước này sẵn sàng tăng lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine nếu EU mua nhiều hơn và Kiev đề xuất các điều kiện chuyển tải cạnh tranh.

Ông Peskov nhấn mạnh: "Tổng thống Nga đã nhiều lần nói rằng nếu EU tiếp tục mua khí đốt của chúng ta, nếu họ tăng hợp đồng và nếu Ukraine đưa ra các đề nghị thương mại cạnh tranh, thì tất cả những điều này sẽ tiếp tục được thực hiện một cách hiệu quả”. (Reuters)

* Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) ngày 8/10 cho biết, xuất khẩu của nước này giảm trong tháng 8/2021 và là lần đầu tiên giảm kể từ tháng 4/2020 do tắc nghẽn nguồn cung đã kìm hãm sự phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19. Joachim Lang, Tổng Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) cho biết, các doanh nghiệp nước này đã phải chuẩn bị cho một “mùa Thu khó khăn”.

Chuỗi cung ứng thiếu hụt, chi phí logistics tăng và các tranh chấp thương mại chưa được giải quyết đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và có tác động lớn đến xuất khẩu của Đức. (AFP)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Ngày 8/10, tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã cam kết thực hiện “chủ nghĩa tư bản mới” để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng và tái phân phối các thành quả của quá trình tăng trưởng, nhằm xây dựng tầng lớp trung lưu lớn mạnh hơn.

Trong chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Kishida cho biết, chính phủ sẽ đầu tư vào các lĩnh vực tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, đồng thời xây dựng các văn bản pháp luật để ngăn chặn sự rò rỉ công nghệ sang các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Thủ tướng Kishida cam kết sẽ ngăn chặn thiểu phát bằng cách nới lỏng tiền tệ quyết liệt và tăng chi tiêu công, phần nào cho thấy tính tiếp nối chính sách Abenomics của cựu Thủ tướng Abe Shinzo (Kyodo)

Chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản đã giảm mạnh hơn so với dự kiến trong tháng 8/2021, giảm 3,0% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo của thị trường trung bình là giảm 1,5% và theo sau mức tăng 0,7% trong tháng 7/2021. Nguyên nhân chính là do tình trạng ế khẩn cấp để chống lại Covid-19 đè nặng lên tiêu dùng trong kỳ nghỉ hè và có nguy cơ làm suy giảm sự phục hồi của nền kinh tế. (Japan Times, Reuters)

* Nền kinh tế Hàn Quốc được đánh giá là giảm động lực tăng trưởng do tác động của Covid-19 với tăng trưởng dự kiến trong năm 2021 khoảng 2,8%, thấp hơn mức 3% trong năm 2020.

Nhờ việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, kinh tế Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại nhờ nhu cầu nội địa tăng mạnh. Tuy nhiên, các động lực tăng trưởng giảm dần do dự kiến giảm xuất khẩu và cắt giảm các gói hỗ trợ của chính phủ liên quan đến dịch bệnh. (Yonhap)

* Hàn Quốc có kế hoạch đưa ra các biện pháp để ổn định lạm phát trong bối cảnh giá tiêu dùng tại nước này dự kiến tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 10/2021 so với tháng trước đó.

Giá tiêu dùng của Hàn Quốc đã tăng hơn 2% trong sáu tháng liên tiếp trong tháng 9/2021, do giá các sản phẩm nông sản và dầu tăng cao. Bộ Tài chính cho biết cơ quan này sẵn sàng “đóng băng” cước phí vận tải và hóa đơn tiện ích công cộng trong năm nay để giảm bớt sức ép lạm phát. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Sau cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Quốc hội, Malaysia sẽ nâng giới hạn nợ chính phủ lần thứ hai trong vòng hơn một năm khi nước này tìm cách tài trợ thêm các biện pháp hỗ trợ đại dịch và thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Đa số các nhà lập pháp tại Hạ viện đã bỏ phiếu cho việc tăng mức trần nợ theo luật định lên 65% GDP cho đến cuối năm 2022, từ mức 60%. Dự luật tiếp theo sẽ được đưa đến Thượng viện, do liên minh của Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob kiểm soát, trước khi được Nhà vua ký thành luật. (Bloomberg)

* Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết Thái Lan chấm dứt các yêu cầu kiểm dịch đối với du khách đến từ 10 quốc gia có nguy cơ thấp bắt đầu từ ngày 1/11. Năm ngoái, Thái Lan đã phải hứng chịu sự suy thoái kinh tế sâu nhất trong hơn hai thập kỷ, khi lĩnh vực du lịch chủ chốt gặp khó khăn. (Reuters)

* Đồng Rupiah của Indonesia có thể là đồng tiền hoạt động tốt nhất của châu Á cho đến cuối năm với giá hàng hóa tăng cao thúc đẩy thặng dư thương mại của quốc gia này.

Indonesia đang hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã lôi kéo theo nhiều công ty đồng cấp của họ là các nhà nhập khẩu hàng hóa ròng. Indonesia sẽ công bố số liệu thương mại tháng 9 vào thứ Sáu, sau khi thặng dư kỷ lục 4,74 tỷ USD trong tháng 8 - lần thứ 16 liên tiếp. (Bloomberg)

Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế thế giới nổi bật tuần (8-14/10): Châu Âu loay hoay hạ nhiệt khủng hoảng năng lượng, Nga nêu điều kiện 'ra tay giúp đỡ', Trung Quốc giảm tốc" tại chuyên mục THẾ GIỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#