Tăng trưởng của Trung Quốc vượt dự báo của các nhà phân tích - Ảnh: Reuters
Tổng cục thống kê Trung Quốc vừa công bố số liệu kinh tế năm 2021, theo đó tăng trưởng GDP quý 4 của nước này đạt 4%, đưa tăng trưởng cả năm đạt 8,1% so với năm trước, trong bối cảnh đợt tái bùng phát dịch Covid-19 và khủng hoảng trên thị trường bất động sản đã kìm hãm động lực tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tăng trưởng kinh tế quý 4 và cả năm 2021 của Trung Quốc vượt mức dự báo lần lượt là 3,3% và 7,9% theo khảo sát với các nhà kinh tế của Nikkei Asia vào tháng trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trong quý cuối năm sụt giảm so với mức 4,9% của quý trước đó. Đây cũng là mức tăng trưởng quý thấp nhất kể từ quý 2/2020 – thời điểm chỉ đạt 3,2% do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
Các đợt bùng phát rải rác tại nhiều địa phương của Trung Quốc thời gian gần đây khiến nhà chức trách siết chặt hơn nữa các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại, do đó ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sức tiêu thụ của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các vụ vỡ nợ khổng lồ của một loạt nhà phát triển bất động sản, đặc biệt là tập đoàn Evergrande, đã làm suy yếu niềm tin của người mua nhà cũng như các nhà đầu tư địa ốc tại Trung Quốc.
Theo dự báo của cá nhà kinh tế, tăng trưởng suy yếu có thể sẽ khiến Chính phủ Trung Quốc nới lỏng các biện pháp tiền tệ và hỗ trợ tài khóa trong năm 2022, đặc biệt sau cam kết duy trì ổn định kinh tế của Bắc Kinh vào cuối tháng trước.
"Việc Bắc Kinh ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế trong năm 2022 trước kỳ đại hội Đảng dự kiến diễn ra vào mùa thu năm cho thấy chính phủ nước này sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp kích thích kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng", các nhà phân tích của Bloomberg nhận định.
Bắc Kinh có thể được an ủi phần nào khi thặng du thương mại của nước này đạt mức kỷ lục 676,4 tỷ USD trong năm 2021, tăng khoảng 30% so với năm 2020. Các đối tác thương mại của Trung Quốc bắt đầu phục hồi sau đại dịch và tăng nhập khẩu hàng hóa từ nước này. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều tăng khoảng 30% trong năm ngoái.
Đồ họa: Bloomberg
Dhgate, một hãng vận hành thương mại điện tử xuyên biên giới có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết thiết bị gia dụng, đồ chơi và quần áo thể thao ngoài trời là những mặt hàng bán chạy nhất trên nền tảng của họ trong năm ngoái.
“Chúng tôi có thể dựa vào chống chịu bền bỉ của chuỗi cung ứng Trung Quốc để phục vụ các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn cầu”, Dhgate cho biết.
Năm 2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống chỉ còn 4,9%. IMF dự báo Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030, chậm hơn hai năm so với dự báo mà tổ chức này đưa ra trước đó. Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) cho rằng phải tới năm 2033, kinh tế Trung Quốc mới vượt được Mỹ do các biện pháp siết quản lý với lĩnh vực công nghệ hiện tại của Bắc Kinh.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, tăng trưởng 9,6% trong năm 2021. Doanh thu bán lẻ tháng 12/2021 - thước đo chi tiêu tiêu dùng tại quốc gia đông dân nhất thế giới - tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước và giảm 3,9% so với tháng 11 do các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Con số này thấp hơn đáng kể so với dự báo bình quân 3,8% của các nhà phân tích theo khảo sát của Bloomberg. Tính chung năm 2021, doanh thu bán lẻ của Trung Quốc tăng 12,5% so với năm trước.
Đầu tư tài sản cố định – thước đo chi tiêu vào các hạng mục như cơ sở hạ tầng, bất động sản, máy móc và thiết bị, tăng 4,9% trong năm ngoái.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 12/2021 của đất nước tỷ dân là 5,1%, tăng từ mức 5% của tháng 11. Tính cả năm, tỷ lệ này là 5,1%. Trung Quốc đặt mục tiêu tạo 11 triệu việc làm mới tại khu vực đô thị trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đô thị của nước này hiện là 5,5%. Theo số liệu chính thức, Trung Quốc tạo ra thêm 12,69 triệu việc làm mới trong năm 2021.
Theo dự báo của các nhà phân tích, triển vọng năm 2022 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn mờ mịt do dự báo nhu cầu toàn cầu vẫn phục hồi chậm, trong khi biến thể Omicron vẫn đang lây lan cả trong và ngoài quốc gia này. Bên cạnh đó, chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng thị trường địa ốc của nước này - mà tâm điểm là vụ vỡ nợ của tập đoàn Evergrande - có dấu hiệu hạ nhiệt.