Phóng viên: Năm 2022 được đánh giá là một năm khó khăn, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2022?
PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: Theo các số liệu vĩ mô thì nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 có những điểm sáng vượt trội như: Thu ngân sách sau 11 tháng đã vượt dự toán 16,1% dù chi ngân sách nhà nước tính đến hết tháng 11 chỉ đạt 76,2% dự toán cả năm. Tăng trưởng kinh tế có thể đạt được 8% trong năm 2022, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2022 ước tính đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.
Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,38%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,02%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Vận tải hành khách mặc dù đã có nhiều khởi sắc nhưng sản lượng vận chuyển 11 tháng năm nay chỉ bằng 72,6% và luân chuyển bằng 68,4% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa có dịch Covid-19. Vận chuyển hàng hóa 11 tháng năm nay tăng 7,4% về vận chuyển và tăng 21% về luân chuyển so với cùng kỳ năm 2019.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11 đạt 596,9 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 11 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 2.954,2 nghìn lượt người, gấp 21,1 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Tính chung 11 tháng năm 2022, cả nước có 194,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 132,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,3%; bình quân một tháng có 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Nhìn tổng thể, kinh tế Việt Nam tương đối khả quan so với thế giới. Tăng trưởng trên thế giới năm 2022 bình quân khoảng 3,2 đến 4%, như vậy tăng trưởng của Việt Nam gấp đôi so với thể giới. Tỷ lệ lạm phát của chúng ta chỉ khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với trung bình toàn cầu là 8,8%. Việt Nam nằm trong 40 quốc gia có tỷ lệ lạm phát dưới 5% trong năm 2022. FDI của Việt Nam chiếm 1,23% FDI trên thế giới so với qui mô nền kinh tế của chúng ta chiếm khoảng 0.3% thế giới, tức là gấp khoảng 4 lần bình quân của thế giới.
Phóng viên: Trong bối cảnh đầy khó khăn thử thách như vậy nhưng nền kinh tế của Việt Nam vẫn giữ vững được sự ổn định, tiến trình phục hồi nền kinh tế đang diễn ra theo chiều hướng tích cực. Theo ông, điều gì đã giúp Việt Nam vượt qua được nghịch cảnh và đạt được những thành tựu ấn tượng trong năm 2022?
PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: Để có được những thành tựu kinh tế ấn tượng trong năm 2022, toàn bộ hệ thống chính trị, Đảng và nhà nước cùng toàn thể nhân dân đã có nhiều nỗ lực, lao động tích cực, sáng tạo, vượt lên rất nhiều khó khăn về vĩ mô và vi mô trong và ngoài nước.
Trong khó khăn mới thấy được giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam đó là: Đoàn kết, thân ái, tương trợ lẫn nhau, chịu thương, chịu khó vươn lên, cùng nhau phát triển và tiến bộ. Như Bác Hồ từng nói: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”. Có dân đồng lòng là có tất cả.
Ở đây chúng ta có sự đồng lòng về chỉ đạo vĩ mô, của bàn tay hữu hình; sự năng động, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, và kỳ diệu của bàn tay vô hình, của thị trường.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về vai trò điều hành của Chính phủ trong năm 2022? Phải chăng, những chính sách kinh tế vĩ mô của Đảng, Chính phủ đã ban hành năm 2022 chính là "chìa khóa" giúp Việt Nam giữ ổn định nền kinh tế, kiểm soát hiệu quả lạm phát, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: Đảng và nhà nước luôn đặt mục tiêu ổn định vĩ mô làm kim chỉ nam cho mọi hành động về kinh tế. Chính vì vậy việc chỉ đạo khoa học, khắt khe, tính kỷ luật của chính sách tài khóa, những chính sách vĩ mô linh hoạt của Đảng và Chính phủ trong năm 2022, theo cá nhân tôi, là rất thuyết phục về mặt lý thuyết và phù hợp với thực tế hiện nay tại Việt Nam. Đây chính là “liệu pháp” gần như là hoàn hảo để kinh tế nước nhà đạt được những thành công trong năm 2022 đầy biến động này.
Việc điều hành vĩ mô dựa trên cơ sở lạm phát mục tiêu đã làm tăng niềm tin với nhân dân và quốc tế, để từ đó gia tăng đầu tư cấp độ tư nhân trong nước và FDI, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả và kỳ diệu.
Phóng viên: Tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng. Theo ông, Việt Nam đang có những thuận lợi và phải đối mặt với những khó khăn thách thức nào?. Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông dự báo như thế nào về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023?
PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: Trong năm 2023, thế giới sẽ có những diễn biến phức tạp và rất khó lường, bởi những biến động về nhiều mặt, nhất là kinh tế, khi các dấu hiệu bình phục bị chậm lại và nguy cơ chiến tranh lan rộng vẫn hiện hữu, không loại trừ chiến tranh hạt nhân cục bộ. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 khả năng sẽ thấp hơn năm 2022 do những hệ lụy lâu dài của đại dịch Covid-19.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể nhìn nhận dưới góc độ lạc quan như: Tình hình kinh tế vĩ mô được ổn định, đảm bảo xuyên suốt và nhất quán quá trình tăng trưởng, niềm tin của nhân dân và quốc tế; chính sách điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả của nhà nước; chi ngân sách nhà nước vẫn còn độ mở cao và chưa sử dụng hết trong năm 2022. Do đó, đầu tư công sẽ là một trong những động lực tăng trưởng trong năm 2023. Hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đưa vào sử dụng nhằm giảm thiểu ách tắc giao thông và lành mạnh hóa môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, nền kinh tế của chúng ta có thể sẽ phải đổi diện với một số thách thức như sau:
Thứ nhất, thu ngân sách có thể không vượt dự toán như năm 2022 bởi những dư nợ thuế của năm 2021 đã được quyết toán cho năm 2022.
Thứ hai, lãi suất huy động và cho vay vẫn còn cao, đó là rào cản để các doanh nghiệp và người dân tiếp cận với tín dụng để mở rộng sản xuất và kích cầu.
Thứ ba, một trong những trụ cột của tăng trưởng là du lịch, dù đang khởi phát nhưng khó lấy lại được khoảng 50% “phong độ” như trước dịch.
Thứ tư, việc chuỗi cung ứng trên thế giới bị ảnh hưởng trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Thứ năm, việc kiểm soát lạm phát trên thế giới vẫn còn nhiều rủi ro, do vậy ảnh hưởng đến giá đầu vào của hàng hóa; nhu cầu về hàng hóa trên thế giới giảm do các quốc gia và người dân thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”.
Thứ sáu, chuyển đổi số, kinh tế số, dù đã được Đảng và nhà nước quan tâm, tuyên truyền rộng rãi, nhưng thực chất chưa đi vào đời sống nhiều, vì chúng ta yếu thế về công nghệ và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ bảy, việc cải cách thể chế, thủ tục hành chính chưa được như mong đợi và chưa giảm được chi phí giao dịch trong nền kinh tế.
Trong năm 2023, theo cá nhân tôi, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng vào khoảng 5-7%, lạm phát được kiểm soát tốt, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn trên đà gia tăng nhưng có khả năng gia tăng không quá 10%.
FDI vẫn là một động lực tăng trưởng với số vốn mới vào khoảng 20 đến 25 tỷ USD. Đầu tư công sẽ đạt chỉ tiêu từ 90 đến 100% do “tham nhũng” đã được kiểm soát ở mức độ cao. Thị trường bất động sản có một số tín hiệu quả quan nhưng không quá kỳ vọng phục hồi. Thị trường chứng khoán có khả năng thay đổi ở mốc 1.100 đến 1.300 điểm nếu lạc quan, còn không có thể xuống dưới mốc 900 điểm.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!