CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) |
VN-Index kết phiên 06/7 giảm gần 32 điểm, lùi về vùng thấp nhất kể từ tháng 2/2021 là 1.149,61 điểm. HNX-Index giảm hơn 6 điểm về mốc 271,92 còn UPCoM giảm gần 1 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt 15.070 tỷ đồng. Chỉ có hơn 200 mã ở chiều tăng trong khi hơn 600 mã ở chiều giảm.
Các mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số là các bluechip. Riêng VIC với mức giảm 6,6% đã kéo 4,4 điểm chiều giảm. GAS là mã “nặng vía” thứ hai khi nằm sàn, kéo 3,3 điểm chiều giảm. Rổ VN30 còn có VRE cũng kết phiên trong màu xanh sàn. CTG, PNJ, GVR, HDB, PLX, SSI cũng là những mã giảm sâu.
Kết phiên hôm nay, không một nhóm ngành nào giữ được sắc xanh. Trong đó, khai khoáng là nhóm giảm mạnh nhất. Tại ngành dầu khí, BSR giảm tới 14,6%, lùi về vùng giá 22.900. Từ phiên 28/6 đến nay, BSR liên tục rơi và đã mất 23% giá trị, từ mức giá 29.000 đồng. Nhiều mã dầu khí khác cũng giảm sâu. Ngoài nhóm khai khoáng, các nhóm hóa chất, chứng khoán, bán lẻ, bất động sản, bảo hiểm, công nghệ thông tin, xây dựng cũng giảm sâu, mất 2-3% giá trị vốn hóa.
Điều gì khiến cổ phiếu của Dabaco vẫn giữ được "trần"?
Ở chiều tăng, chỉ một số cổ phiếu nhỏ lẻ đủ sức chống chọi trước bão giông thị trường như BVH của Tập đoàn Bảo Việt, KLB của KienlongBank, SAB của Sabeco, VJC của Vietjet, MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, MCM của Giống bò sữa Mộc Châu… Trong đó, 2 ngành nhỏ có nhiều mã tăng giá là thủy điện và vận tải biển.
Đáng chú ý, DBC của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam tiếp tục tăng trần. Từ phiên 21/6 đến nay, cổ phiếu này liên tục có những phiên tăng trần, tăng mạnh, từ vùng giá 16.000 đồng lên 24.000 đồng. Dabaco gần đây không có thông tin gì đặc biệt ngoài việc phát hành thêm hơn 11,5 triệu cổ phiếu để nâng nâng số lượng cổ phiếu lưu hành lên 242 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 2.420 tỷ đồng. Đây là cổ phiếu phát hành trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%.
Diễn biến giá cổ phiếu DBC thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
Cổ phiếu DBC được chú ý có thể bắt nguồn từ việc giá thịt lợn tăng, đặc biệt mấy ngày trở lại đây khi thị trường Trung Quốc ghi nhận sự đột biến. Cập nhật ngày 6/7, giá thịt lợn hơi tại các công ty chăn nuôi tăng từ 1 - 5 giá so với tuần trước, lên 59.000 - 63.000 đồng/kg. Lợn hơi nuôi trong dân dao động từ 54.000 - 59.000 đồng/kg, cũng tăng 2 giá so với cuối tuần trước.
Trong suốt tháng 6, giá lợn hơi tại Trung Quốc luôn tương đương mức giá thấp của lợn hơi Việt, từ 53.000 - 56.000 đồng/kg, thế nhưng trong mấy ngày qua, giá lợn tại thị trường này vọt lên 71.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục và nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trở lại tại Trung Quốc sau nới lỏng lệnh phong tỏa tại Thượng Hải, Bắc Kinh đã đẩy giá lợn tại thị trường tăng mạnh.
Trong quý I/2022, DBC ghi nhận doanh đạt 2.805 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,4% và giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng lưu ý biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 25,4% về chỉ còn 9,1%. Biên lợi nhuận gộp giảm do chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào và các hoạt động giao thương, vận tải quốc tế bị đứt gãy. Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi lại không tăng, làm ảnh hưởng không nhỏ tới ngành chăn nuôi như DBC.
Năm 2022, DBC đặt kế hoạch tổng doanh thu 22.558 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 918 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,8% và 10,7% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, công ty mới chỉ hoàn thành 0,9% kế hoạch lợi nhuận năm.