Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 5/2022

Lãi suất các ngân hàng trong tháng 5/2022 đã có sự điều chỉnh, thay đổi theo các kỳ hạn như ngân hàng Techcombank, VPBank, MSB... Theo đó, mức lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng tháng cao nhất hiện nay là 7,8% của ngân hàng Techcombank.

Sang tháng 5, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, trong đó mức lãi suất cao nhất hiện nay lên tới 7,8%/năm đến từ Techcombank. Mức lãi suất này áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 999 tỷ đồng trở lên và sử dụng thêm sản phẩm bảo hiểm tại ngân hàng này.

Nằm trong top các ngân hàng có mức lãi suất trên 7%/năm còn có SCB với mức lãi suất 7,6%/năm; NamABank với 7,4%/năm; ACB, MSB và VietCapitalBank cùng chung mức lãi suất giao động từ 7 - 7,1%/năm.

VPBank mới đây cũng đã điều chỉnh mức lãi suất huy động tăng thêm 0,2% so với năm cũ, theo đó ngân hàng đã tăng mức lãi tiền gửi cao nhất lên đến 6,9%/năm đối với khách hàng gửi tiết kiệm online từ 50 tỷ đồng trở lên đối với kỳ hạn 36 tháng.

Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank vẫn không có sự điều chỉnh khác biệt nào so với trước đây, trong đó Vietinbank vẫn giữ mức lãi cao nhất là 5,6%/năm; 3 ngân hàng còn lại giữ mức 5,5%/năm.

Bên cạnh việc điều chỉnh lãi suất tiết kiệm, nhiều ngân hàng hiện tại đã công bố thêm các chương trình khuyến mại, như MSB cũng tăng thêm 0,8% lãi suất khi gửi online so với mức lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy. Theo đó, nếu giao dịch gửi tiết kiệm online tối thiểu từ 1 triệu đồng tại ngân hàng này, khách hàng sẽ nhận ngay lãi suất 7%/năm với kỳ hạn 15 tháng và 6,8% với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Đây là mức lãi suất thuộc nhóm cao nhất trên thị trường hiện nay.

MB cũng điều chỉnh lãi suất tăng 0,2%/năm tại kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng lên lần lượt 2,9% và 3%/năm; lãi suất kỳ hạn 36 tháng cũng tăng từ 6,4%/năm lên 6,6%/năm. Theo đánh giá của giới chuyên gia, diễn biến lãi suất huy động tăng do tác động từ nhiều yếu tố.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng bứt tốc ngay từ những tháng đầu năm kéo theo biên lợi nhuận thay đổi. Tính đến cuối tháng 3/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 5,04% (trong khi cùng kỳ năm 2021 đạt 2,16%).

Điều này phần nào giải thích cho việc thanh khoản hệ thống có phần căng thẳng hơn trong thời gian vừa qua. Thể hiện rõ nhất ở chỉ báo lãi suất VND liên ngân hàng không còn loanh quanh 1%/năm mà nhảy lên vùng 2%/năm.

Ngoài ra, với đà tăng giá của xăng dầu, mặt hàng được coi là đầu vào của nền kinh tế, áp lực lạm phát dần hiện hữu. Khi lạm phát tăng, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để giữ mức lãi suất thực dương thì mới có thể hút dòng tiền nhàn rỗi của cư dân.