Kịch bản nào cho thị trường hiện tại ?
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trong giai đoạn chịu nhiều tác động không thuận lợi từ các yếu tố nội và ngoại, trong đó VN-Index đã giảm 11,6% trong tháng 9 và tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh đầu tháng 10.
Quan sát trên thị trường cho thấy, tâm lý của nhà đầu tư đang chịu tác động bởi một số thông tin về các sự việc liên quan tới sai phạm cá nhân và doanh nghiệp cụ thể trên thị trường, trong đó có các thông tin liên quan tới trường hợp sai phạm tại “Vạn Thịnh Phát”.
Tuy nhiên, theo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, so sánh tương quan của một số thị trường trên thế giới và khu vực, mức định giá hiện tại của TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là hợp lý và dự báo sẽ góp phần thu hút dòng tiền tham gia khi các rủi ro ngắn hạn dịu bớt.
Nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu cũng có những nhận định lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như: Fitch Ratings dự báo 6,6%, S&P Global Ratings dự báo 6,9% và đặc biệt Moody‘s dự báo lên mức 8,5%,...
Về diễn biến trên TTCK trong tuần mở đầu quý IV/2022 vừa qua, Chứng khoán VCBS cho rằng VN-Index trải qua một tuần u ám với với việc giảm điểm mạnh liên tục xuống sát khu vực 1.020.
Góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã xuyên thủng qua mốc 1.050 điểm tương đương với thang đo Fibonacci mở rộng 0.618 tính từ đỉnh tháng 4, và chưa có bất cứ tín hiệu chững lại. Bên cạnh đó, chỉ báo ADX đã dâng lên trên 50 cho thấy việc VN-Index tiếp tục giảm điểm mạnh là hoàn toàn có thể xảy ra.
Xét về khung đồ thị tuần, VN-Index đang bước vào nhịp sóng 3 trong chu kỳ giảm và đang hướng về về khu vực quanh 995 điểm. Nếu tình hình tệ hơn, xác suất chỉ số chung có thể lùi sâu về khu vực 900 điểm. Do đó, VCBS giữ nguyên quan điểm, khuyến nghị các nhà đầu tư không bắt đáy sớm, kiên nhẫn chờ đợi VN-Index xuất hiện chuỗi phiên tích lũy lại để tạo điểm cân bằng để hạn chế tối đa rủi ro.
Trong Báo cáo chiến lược của Chứng khoán SSI, số liệu vĩ mô 9 tháng năm 2022 của Việt Nam được công bố khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực so với cùng kỳ năm 2021. Mặt khác, số liệu cũng cho thấy tăng trưởng có thể đạt đỉnh trong quý III này và áp lực sẽ tăng dần trong thời gian tới.
Vì vậy, SSI duy trì góc nhìn thận trọng đối với diễn biến dòng tiền vào thị trường chứng khoán cũng như xu hướng vận động chung của thị trường, ít nhất cho tới cuộc họp của FED vào tháng 11. Bên cạnh rủi ro đến từ bên ngoài, nhân tố nội tại có tác động không tích cực đến tâm lý thị trường ngày càng xuất hiện rõ ràng hơn, như tăng trường chậm lại hay Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định môi trường tỷ giá.
Trong khi đó, yếu tố tích cực đến từ việc định giá thị trường hiện đang ở mức thấp có thể giúp dòng tiền chủ động giải ngân. Định giá P/E hiện tại của VN-Index đang ở mức 11,7 lần vào ngày 03/10 đang dần tiệm cận mức đáy 10,35 lần vào ngày 24/3/2020, còn P/E ước tính năm 2022 cho chỉ số hiện ở mức 10,2 lần. Với yếu tố tích cực này, kỳ vọng hoạt động giải ngân ở mức thăm dò có thể diễn ra.
Từ góc nhìn kỹ thuật, vận động của VN-Index trong tháng 10 sẽ được quyết định bởi vùng quan sát quan trọng 1.100 điểm. Nếu duy trì ổn định được trên vùng này, nhiều khả năng VN-Index sẽ hình thành một nhịp hồi phục với vùng mục tiêu quan trọng là vùng 1.142 - 1.150 điểm (vùng đáy ngắn hạn tháng 7). Ngược lại, khi mốc 1.100 điểm bị xuyên thủng, chỉ số có thể sẽ tìm điểm cân bằng và hồi phục trở lại từ nền hỗ trợ cứng 1.025 - 1.000 điểm.
Vì thế, SSI gợi ý một chiến lược đầu tư thận trọng là nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng tại các vùng giá hỗ trợ cho cổ phiếu.
Liệu có dễ đi qua "sương mù" tháng 10?
Đánh giá về cơ hội của thị trường, ông Bùi Khoa Bảo, Trưởng phòng đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS thông tin với Người Đưa Tin, hiện tại thị trường đã rơi 20% sau đỉnh gần nhất với đà rơi rất sốc và nhanh, điều này chứng tỏ thị trường sẽ sớm tìm được đáy và thiết lập lại điểm cân bằng. Đồng thời, vùng giá này sẽ là cơ hội rất lớn cho nhà đầu tư vẫn còn tiền mặt để giải ngân.
Phiên ngày 7/10 vừa qua, hiện tượng thanh khoản đẩy lên cực kì lớn đã xuất hiện, điều này chứng tỏ dòng tiền đầu tư bắt đầu quan tâm trở lại và có sự trao đổi kì vọng xảy ra, thêm vào đó, một lượng lớn cổ phiếu đã được chuyển từ nhà đầu tư nhỏ lẻ yếu sang các tổ chức với nguồn lực dồi dào và một góc nhìn dài hạn hơn.
“Thị trường luôn đi trước các thông tin tiêu cực, với hàng loạt các tin tức xấu bơm ra cuối tuần sau 1 chu kì giảm thì không còn là rủi ro nữa. Ngay khi thị trường bơm những tin xấu cuối cùng và thanh khoản đẩy lên cao kỉ lục, đó sẽ là những phiên tạo đáy cho VN-Index. Đây là vùng nhà đầu tư có tiền nên mua, còn nhà đầu tư kẹp hàng tuyệt đối không nên bán vội”, ông Bảo cho hay.
Theo qua điểm của đại diện VPS, kịch bản tốt nhất cho thị trường chính là nhúng thủng mốc hỗ trợ tâm lý cứng 1.000 điểm. Khi điều này xảy ra, tất cả lệnh bán cuối cùng của nhà đầu tư yếu sẽ được kích hoạt, sau đó chuyển giao cổ phiếu sang những nhà đầu tư mạnh như các tổ chức, các quỹ, chủ doanh nghiệp, ... Ngay tại điểm đó, nếu có sự đồng thuận của thanh khoản đẩy lên, điểm đảo chiều sẽ xuất hiện và không thể “đẹp” hơn.
Tương tự, ông Đặng Quang Đông, Trưởng phòng quản lý khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng chia sẻ với Người Đưa Tin rằng trong ngắn hạn, thị trường vẫn đang tiềm ẩn rủi ro. Về mặt vĩ mô, động thái của NHNN nâng lãi suất điều hành cùng với việc bán USD đã cho thấy tỉ giá đang là mối quan tâm hàng đầu cần bình ổn. Bởi đây là một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại liên tục bán ròng và tình trạng này đang gây áp lực lên thị trường.
Thêm vào đó, ông Đông cho biết với những tin tiêu cực ở thị trường trái phiếu, vụ việc liên quan đến Vạn Thịnh Phát sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư thêm hoảng loạn.
Tuy nhiên, bao quát tình hình hơn, ông Đông nhận định thị trường sẽ sớm ổn định và cân bằng trở lại khi tin tức xấu đã được công bố hết. Đồng thời, việc NHNN và Uỷ ban Chứng khoán công bố thông cáo và cam kết những biện pháp ổn định thị trường sẽ góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư trong thời gian tới.
Diễn biến thị trường phiên ngày 6/10 vừa qua, mức thanh khoản đã có sự cải thiện, điều này cho thấy dòng tiền bắt đáy đã được kích hoạt phần nào. Mức P/E về quanh mốc 11 đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư về mặt dài hạn, ông Đông khẳng định.
Đại diện VDSC đưa ra lời khuyên với nhà đầu tư rằng nên bình tĩnh nhìn nhận cơ hội hơn là lo sợ rủi ro. Bởi nếu thị trường không có những cú sụt giảm mạnh, thì sẽ không có nhiều cổ phiếu giảm về mức giá thấp như hiện tại. Tâm lý số đông luôn có đặc điểm là có thể chấp nhận mua mạnh cổ phiếu ở mức giá cao quanh 1.500 điểm, nhưng về đến mốc này lại lo sợ không dám mua.
Dự báo mức thấp nhất VN-Index có thể đạt, ông Đông cũng đồng quan điểm rằng thị trường sẽ tạo đáy trung hạn ở mốc 950-1.000 điểm như một số nhà phân tích nhận định.
Lượng tiền lớn đang nằm chờ thời cơ
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2022 đã có 2,1 triệu tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, nâng tổng số tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước lên tới 6,4 triệu tài khoản, tương đương 6,4% dân số Việt Nam, về đích sớm hơn ba năm so với mục tiêu được Chính phủ đặt ra là đạt 5% dân số đầu tư vào chứng khoán vào năm 2025.
Dù thời gian qua thanh khoản thị trường chứng khoán suy giảm, song vẫn có lượng tiền lớn đang "chờ thời" để giải ngân.
Theo dữ liệu từ FiinGroup, tính tới hết nửa đầu năm nay có khoảng 70.000 tỷ đồng tiền mặt vẫn nằm trong tài khoản chứng khoán, chờ cơ hội thuận lợi để trở lại thị trường.