Liên tục 'than' lỗ, các 'ông lớn' xăng dầu đang làm ăn ra sao?

Mặc dù thị trường xăng dầu trong nước và thế giới có không ít biến động, nhưng nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đã hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã hoàn thành kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng.

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã hoàn thành kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng.

Những bất ổn trên thị trường trong nước và thế giới gây áp lực không nhỏ lên doanh thu và lợi nhuận của hàng loạt "ông lớn" xăng dầu Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá xăng đang có những biến động mạnh, mặc dù các doanh nghiệp lớn "than" càng bán càng lỗ nhưng trên thực tế lại vượt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng đầu năm.

Petrolimex

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2022 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, MCK: PLX), doanh thu thuần của doanh nghiệp ở mức gần 73.700 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của Petrolimex đạt 313 tỷ đồng tăng mạnh 179% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, PLX thu về lãi ròng 99 tỷ đồng, tăng 30% so với quý III/2021.

Phía PLX cho biết, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh xăng dầu trong kỳ phát sinh lỗ chủ yếu do giá xăng dầu thế giới diễn biến bất thường theo xu hướng giảm. Kèm theo chi phí khâu tạo nguồn, khâu lưu thông thực tế tăng cao hơn chi phí định mức theo quy định được tính trong giá cơ sở.

Trong khi đó, lợi nhuận từ hoạt động lĩnh vực khá tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhờ một số công ty con kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay,… đã trở lại hoạt động ổn định hậu Covid-19.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Petrolimex đạt 225.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 614 tỷ đồng, lần lượt tăng 88% và giảm 79% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, Petrolimex đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt là 186.000 tỷ đồng và 3.060 tỷ đồng.

Như vậy, với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, Petrolimex đã vượt 21% kế hoạch doanh thu nhưng mới chỉ hoàn thành 20% kế hoạch về lợi nhuận.

PV OIL

Tương tự, doanh thu của Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL, MCK: OIL) trong quý III/2022 gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, ở mức 25.962 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá xăng giảm sâu nên PV OIL lỗ sau thuế hơn 373 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước có lãi gần 57 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, PV OIL đạt doanh thu thuần 79.617 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 431 tỷ đồng. Như vậy, dù lỗ lớn trong quý III/2022 nhưng PV OIL đã vượt 77% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 8% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra chỉ sau 9 tháng.

Ngoài "anh cả" ngành xăng dầu nói trên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng báo doanh thu, lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (MCK: BSR), đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, báo doanh thu thuần trong quý III/2022 lên tới 39.567 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá vốn cũng tăng cao nên Bình Sơn lãi trước thuế 514 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, BSR đạt doanh thu thuần là 126.717 tỷ đồng (tăng 90% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế là 12.899 tỷ đồng (tăng 223% so với cùng kỳ).

Ở chiều ngược lại, dù doanh thu quý III/2022 ở mức 7.631 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái song giá vốn tăng cao hơn nên Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (MCK: TLP) lỗ gộp gần 25 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, TLP lỗ sau thuế gần 169 tỷ đồng trong quý III/2022, và lỗ 70 tỷ đồng lũy kế 9 tháng đầu năm 2022.