Đòi hỏi từ thực tiễn
Ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 36 về "tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy" nên việc xây dựng ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là yêu cầu cấp thiết, khách quan, phù hợp trong tình hình mới.
Thực tế cho thấy, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng trong đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, tuy nhiên, do sự phát triển nhanh của kinh tế, văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến công tác phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.
Một trong những điểm quan trọng là chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Trong khi đó, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc sử dụng ma túy tổng hợp. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự, không kiểm soát được hành vi, gây ra các vụ thảm án, tai nạn giao thông kinh hoàng, có những vụ đối tượng giết chính người thân trong gia đình gây hoang mang, bức xúc trong xã hội.
Ngày 8/11/2021, C04 triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia về Tây Ninh rồi đưa đi TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ với số lượng lớn, mỗi lần vận chuyển từ 30 đến 40 kg ma túy các loại, trong đó có ma túy tổng hợp dạng viên, trên bao bì in hình biểu tượng mercedes.
Do đó, yêu cầu đặt ra là cần phải quy định biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy để có biện pháp phòng ngừa họ tái sử dụng chất ma túy, theo dõi, giám sát để kịp thời ngăn ngừa họ vi phạm pháp luật, ngăn chặn hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác và chính bản thân họ, không để họ bước chân vào con đường phạm tội.
Bên cạnh đó, quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập. Số liệu từ 2009 đến 2019 cho thấy, số người nghiện trong cả nước tăng 60% (từ 146.731 người lên 235.314 người). Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội nhiều, ảnh hưởng nghiệm trọng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội.
Qua thực tiễn triển khai thực hiện cũng chỉ ra một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy không thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác. Có thể dẫn chứng sự mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính về quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; với Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự về thẩm quyền điều tra của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển.
Điều 259 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định thêm một số hành vi bị xử lý hình sự như: "Vi phạm quy định về tạm nhập, tái xuất, giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, cho phép sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần" nhưng trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) chưa quy định nghiêm cấm các hành vi này.
Ngoài ra còn một số vấn đề mới của thực tiễn đang đặt ra chưa có quy định, như: chính sách ưu đãi đối với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, một số loại thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất chưa đưa vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Mở ra giai đoạn mới với nhiều kỳ vọng
Ngày 30/3/2021, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy số 72/2021/QH14. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy vốn dĩ đầy khó khăn, phức tạp.
Điều quan trọng, những điểm bất cập của luật hiện hành đã được nhìn nhận để khơi thông trong luật mới. Có thể lấy ví dụ Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có một chương riêng về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, trên tinh thần việc quản lý thực hiện ngay từ lần đầu tiên phát hiện người đó có hành vi sử dụng trái phép để ngăn chặn từ sớm, từ xa.
Đối tượng “ngáo đá” mang theo dao, trèo lên mái nhà cao tầng tại khu tập thể ở Hải Phòng, sau đó nhảy vào nhà dân la hét, lấy rượu ra uống rồi đập phá nhiều đồ đạc trong nhà, phá hỏng máy giặt, bếp gas, 2 cánh cửa và dọa cho nổ bình gas. Đối tượng bị công an khống chế, bắt giữ
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Bộ Công an cho biết, những năm gần đây, trung bình mỗi năm phát hiện 140.000 người sử dụng trái phép chất ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp, ngay từ lần đầu tiên gây nguy hiểm cho chính bản thân người sử dụng, nguy hiểm cho người thân và gây ra thảm án, tai nạn giao thông thảm khốc. Chính vì vậy, việc chế tài trong đạo luật giúp người sử dụng không tiếp tục sử dụng trái phép, không thành người nghiện, giảm nguồn cầu và giúp họ tiến bộ và đây là biện pháp nhân văn.
Với 17 điều nội dung, Luật cũng sửa đổi căn bản toàn diện để khắc phục tình trạng bất cập trong công tác cai nghiện hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính và phù hợp với thực tiễn. Đáng chú ý, Luật quy định biện pháp cai nghiện ma túy gồm cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc với những tiêu chí, điều kiện cụ thể.
Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (Điều 30) được thực hiện với sự trợ giúp chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã. Thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng từ đủ 6 tháng đến 12 tháng, nhà nước có hỗ trợ kinh phí với những trường hợp đủ điều kiện.
Để tránh trường hợp lợi dụng việc cai nghiện tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuộc phiện bằng thuốc thay thế để không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Luật quy định chặt chẽ các trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên.
Trước thực tế người sử dụng ma túy trẻ hóa và để bảo vệ tốt nhất các quyền của trẻ em nên Luật đã có 1 điều riêng quy đinh cụ thể, nhân văn, phù hợp lứa tuổi về việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (Điều 34).
Hơn thế, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trên diễn đàn Quốc hội, đạo luật đảm bảo cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, sự đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn bất cập trong việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy trong những năm qua, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống ma túy./.