Lý do Omicron không tạo miễn dịch cộng đồng cho thế giới

Trước giả thuyết cho rằng Omicron đang dẫn thế giới đến gần hơn với miễn dịch cộng đồng, các chuyên gia khẳng định Omicron hay các biến thể khác đều không có khả năng đó.

Ảnh minh họa: iStock

Theo hãng tin AP, Tiến sĩ Don Milton tại Đại học Y tế Công cộng Maryland cho rằng miễn dịch cộng đồng là khái niệm khó nắm bắt và không thể áp dụng đối với virus SARS-CoV-2. Miễn dịch cộng đồng xảy ra khi cộng đồng có tỉ lệ lớn dân số có miễn dịch trước một loại virus và loại virus này khó có thể lây lan sang những người không được tiêm phòng hoặc nhiễm bệnh trước đó.

Chẳng hạn, miễn dịch cộng đồng với bệnh sởi đòi hỏi khoảng 95% cộng đồng có khả năng miễn dịch với virus sởi. Tuy nhiên, hy vọng ban đầu về khả năng miễn dịch cộng đồng chống lại virus SARS-CoV-2 đã biến mất dần trong thực tế khắc nghiệt vì một số lý do.

Thứ nhất, kháng thể sản sinh từ các loại vaccine hoặc từ lần nhiễm bệnh trước đó sẽ giảm dần. Dù vaccine có khả năng mạnh mẽ trong ngăn ngừa ca bệnh nặng và tử vong, nhưng khi kháng thể suy yếu, cơ thể chúng ta vẫn có thể nhiễm bệnh, ngay cả với những người đã được tiêm mũi tăng cường.

Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm chủng trên thế giới đang chênh lệch lớn. Ở các quốc gia thu nhập thấp, đến nay mới chỉ có gần 5% dân số được tiêm chủng, còn các nước giàu có vẫn đang phải chật vật khi người dân ngần ngại tiêm vaccine. Hơn nữa, ở một số khu vực, trẻ em vẫn chưa đủ điều kiện tiêm chủng.

Khi virus có cơ hội lây lan, nó sẽ tiếp tục đột biến và hình thành các biến thể mới. Những đột biến này - chẳng hạn như Omicron - có thể lẩn tránh miễn dịch tốt hơn.

Tiến sĩ Milton cho rằng nhiều cộng đồng đang tiến tới đạt “đề kháng cộng đồng”, tức là lây nhiễm vẫn tiếp tục xảy ra, nhưng mọi người đã có đủ khả năng bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 và các đợt bùng dịch trong tương lai không còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội.

Nhiều nhà khoa học tin rằng COVID-19 cuối cùng sẽ trở thành bệnh đặc hữu, giống như bệnh cúm và gây ra các đợt bùng phát theo mùa nhưng không phải là những đợt bùng phát lớn.

Ảnh: Reuters

Virus SARS-CoV2, dù là biến thể hiện tại hoặc biến thể trong tương lai, chắc chắn sẽ tái xuất và vẫn là một mầm bệnh nguy hiểm. Nó đang lây nhiễm cho trên 130.000 người Mỹ và giết chết trên 2.000 người mỗi ngày. Hàng chục triệu người vẫn có nguy cơ cao.

Trước đó, các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ước tính khoảng 3/4 người Mỹ sẽ nhiễm biến thể Omicron tính đến cuối đợt bùng phát này và sẽ có kháng thể. Tuy nhiên, việc ước tính khả năng bảo vệ vẫn còn khá xa so với khoa học chính xác. Đó là một mục tiêu chuyển động khi miễn dịch suy giảm và các biến thể mới lưu hành. Khả năng miễn dịch ở mỗi người cũng sẽ khác nhau. Không thể nào biết chính xác bao nhiêu người thực sự an toàn.

Ông Ali Mokdad - Giáo sư khoa học y tế tại Đại học Washington ở thành phố Seattle - nhận định: “Trong những tháng tới, chúng ta sẽ ở vị thế tốt hơn, nhưng cũng đừng nên coi đây là điều hiển nhiên và chủ quan”.

Trong khi đó, người dân ở một số quốc gia trên thế giới đã bắt đầu quay trở lại cuộc sống trước dịch một cách đầy thận trọng. Khi các quy định về khẩu trang được nới lỏng, người lao động quay trở lại văn phòng và các chuyến bay lại đầy hành khách.