Theo đó, quá trình kiểm tra, UBKT Trung ương xác định Tổng công ty Sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt là TCT Bình Dương) tiền thân là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3/2 Sông Bé được thành lập vào năm 1982 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Sông Bé. Sau nhiều lần thay đổi, đến năm 2018 TCT chuyển thành công ty cổ phần, trong đó phần góp vốn của Đảng là 1.829 tỷ đồng, tương ứng trên 60% vốn điều lệ.
TCT Bình Dương được tỉnh Bình Dương giao quản lý nhiều khu đất, trong đó có khu đất 43ha và 145ha thuộc Khu liên hợp công nghiệp-đô thị-dịch vụ Bình Dương.
Khu đất 43ha và khu đất 145ha nằm liền kề nhau |
Tháng 3/2005, TCT Bình Dương có đề nghị và đến tháng 4/2006 UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương giao hơn 563ha đất trong khu liên hợp công nghiệp-đô thị-dịch vụ, trong đó có 2 khu 43ha và 145ha.
Đối với khu 43ha, xét đề nghị của TCT Bình Dương, ngày 17/8/2010 Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương có thông báo chấp thuận chủ trương cho TCT Bình Dương góp 60 tỷ đồng (tương đương 30% vốn điều lệ) để hợp tác với Công ty BĐS Âu Lạc tư nhân thành lập công ty Tân Phú đầu tư dự án Khu đô thị- dịch vụ-thương mại Tân Phú trên khu đất 43ha.
Khu đô thị này hiện đã rơi vào tay Công ty địa ốc Kim Oanh. Với khu đất này, việc giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua hình thức đấu giá là đúng theo quy định lúc bấy giờ. Tuy nhiên, việc Bình Dương giao đất năm 2012 nhưng áp giá năm 2006 đã gây thất thoát trên 106 tỷ đồng.
Đối với khu đất 145ha, theo đề nghị của TCT Bình Dương, ngày 24/10/2007, UBND tỉnh Bình Dương có công văn chấp thuận chủ trương cho TCT Bình Dương được liên doanh, góp vối với doanh nghiệp Hàn Quốc để thành lập Công ty Tân Thành thực hiện dự án sân Golf và khu nghĩ dưỡng. Việc giao đất khu 145ha có thu tiền sử dụng đất nhưng không qua hình thức đấu giá là đúng với quy định lúc bấy giờ. Tuy nhiên, việc Bình Dương giao đất năm 2013 nhưng áp giá năm 2006 gây thất thoát ngân sách trên 659 tỷ đồng.
Sân golf trên diện tích 145ha |
Vào năm 2016, TCT Bình Dương thống nhất chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty BĐS Âu Lạc với giá hơn 250 tỷ đồng. Mặc dù, công ty Âu Lạc mới chỉ chuyển trước 140 tỷ đồng nhưng TCT Bình Dương đã bàn giao khu đất vào tháng 3/2017 để đăng ký biến động khu đất sang Công ty Tân Phú vào tháng 7/2017.
UBKT Trung ương xác định, việc chuyển nhượng khu đất tại thời điểm này không thông qua đấu giá là sai quy định pháp luật. Theo định giá lúc đó, khu đất có giá trên 552 tỷ đồng. Do đó, đã gây thất thoát tiền nhà nước 302 tỷ đồng.
Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, TCT Bình Dương báo cáo Tỉnh ủy không thực hiện chuyển giao khu đất cho Công ty Impco như chỉ đạo mà xin chuyển toàn bộ 30% vốn tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc và được Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận.
Tháng 6/2017, TCT Bình Dương đưa khu đất 145ha góp vốn tại Công ty Tân Thành với giá 139 tỷ đồng hai bên tự thỏa thuận, không qua đấu giá vi phạm quy định, gây thất thoát 1.632 tỷ đồng.
Việc chuyển nhượng hai khi đất 43ha và 145ha đã gây thất thoát số tiền khoảng 2.700 tỷ đồng.
Từ những sai phạm trên, UBKT Trung ương đề xuất hình thức xử lý như sau: Đối với ông Phạm Văn Cành, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc xảy ra sai phạm tại TCT Bình Dương gây hậu quả rất nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật.
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương vi phạm quy định về những điều mà Đảng viên không được làm gây hậu quả rất nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật.
Cùng gây hậu quả rất nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật tương tự ông Trần Văn Nam còn có các ông gồm: Trần Thanh Liêm, nguyên Phó Bí thư, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Thanh Trúc, Chánh Văn phòng (nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương); ông Võ Văn Lượng, Phó Chánh Văn phòng (nay là Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương); ông Trần Xuân Lâm, trưởng phòng Kinh tế ngành (nay là Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương); ông Nguyễn Văn Đông, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy (nay là Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một); ông Ngô Dũng Phương, trưởng phòng Tài chính Đảng Văn phòng Tỉnh ủy.
Bắt hàng loạt người liên quan
Liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam các bị can gồm: Lê Thanh Trang, Cục trưởng Cục Thuế; Võ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế; Nguyễn Thái Thanh - phó trưởng phòng quản lý hộ kinh doanh cá nhân và thu khác (Cục Thuế tỉnh Bình Dương).
4 bị can vừa bị bắt theo thứ tự: Nguyễn Đại Dương; Nguyễn Quốc Hùng; Phạm Hữu Hiền và Hồ Hoàng Nam |
3 bị can Cục Thuế Bình Dương theo thứ tự gồm: Bình, Trang và Thanh |
Các bị can thuộc lãnh đạo TCT Bình Dương theo thứ tự gồm: Minh, Vũ và Hải |
Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Trần Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc TCT Bình Dương; Huỳnh Thanh Hải, PTGĐ TCT Bình Dương; Nguyễn Đại Dương (con rể Nguyễn Văn Minh với vai trò cấu kết); Nguyễn Quốc Hùng (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc); Phạm Hữu Hiền (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam); Hồ Hoàng Nam (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam).
Cơ quan CSĐT xác định, Nguyễn Đại Dương giữ vai trò cấu kết, thông đồng với bố vợ là Nguyễn Văn Minh, thực hiện các hành vi sai phạm liên quan đến khu đất 43ha đất công ở Bình Dương vào tay tư nhân.
Cụ thể, hai cha con Dương câu kết chuyển nhượng toàn bộ dự án khu dân cư - thương mại - dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43ha ở phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương từ đất Nhà nước sang Công ty cổ phần bất động sản Âu Lạc, đơn vị có 100% vốn tư nhân do bị can Nguyễn Quốc Hùng làm giám đốc.
Bị can Phạm Hữu Hiền với vai trò là tổ trưởng tổ thẩm định giá đã giúp sức cho các bị can chuyển nhượng dự án dẫn đến 43ha đất vốn là tài sản nhà nước vào tay tư nhân. Hiền biết TCT Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất 43ha và đưa khu đất 145ha vào góp vốn tại Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tân Thành là trái với quy định pháp luật. Tuy nhiên, Hiền đã giúp TCT Bình Dương sắp xếp, phân loại hai khu đất này vào mục tài sản chờ thanh lý, không thẩm định giá đưa vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, gây thất thoát tài sản nhà nước.