Mối lo khủng hoảng ngân hàng "nhấn chìm" chứng khoán Mỹ phiên thứ tư liên tiếp

Phiên lao dốc này khiến Dow Jones mất hết thành quả tăng giá có được từ đầu năm...

chung-khoan-my-1683251465.jpeg Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (4/5), khi mối lo về rủi ro lây lan giữa các ngân hàng khu vực bị đẩy cao. Giá dầu chững lại sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm tốc độ tăng lãi suất, nhưng đã “bốc hơi” khoảng 9% kể từ đầu tuần.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 286,5 điểm, tương đương giảm 0,86%, còn 33.127,74 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,72%, còn 4.061,22 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,49%, còn 11.966,4 điểm.

Đây là phiên giảm thứ tư liên tiếp của chứng khoán Mỹ, dưới sức ép từ môi trường lãi suất tăng, lạm phát còn cao, nền kinh tế đang giảm tốc, cuộc khủng hoảng trần nợ ở Washington, và mối lo khủng hoảng ngân hàng khu vực lan rộng.

Phiên này chứng kiến Dow Jones để mất hết thành quả tăng giá có được từ đầu năm, hiện đã giảm 0,06% so với thời điểm bước sang năm 2023. Boeing, Disney, Goldman Sachs, và American Express là những cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào sự giảm điểm của Dow Jones phiên này.

Cổ phiếu PacWest giảm hơn 50% sau khi có tin ngân hàng khu vực đặt ở bang California này đang cân nhắc các lựa chọn chiến lược bao gồm bán lại. Các cổ phiếu ngân hàng khu vực khác cũng bị bán tháo theo, thể hiện qua việc cổ phiếu quỹ SPDR S&P Regional Bank ETF giảm hơn 5%.

Cổ phiếu hai ngân hàng khu vực đang gây nhiều lo ngại Western Alliance và Zions Bancorporation giảm tương ứng 38% và 12%. Trong đó, cổ phiếu Western Alliance có nhiều thời điểm bị ngừng giao dịch.

Phiên này, nhà đầu tư tiếp tục nghiền ngẫm quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm và những nhận định về nền kinh tế mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra hôm thứ Tư. Động thái tăng lãi suất của Fed không nằm ngoài dự báo và Fed đã phát tín hiệu dừng thắt chặt, nhưng ông Powell có ý nói rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ không diễn ra trong năm nay.

Ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, mức tăng nhỏ nhất kể từ khi ECB bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ vào mùa hè năm ngoái. ECB để ngỏ mọi lựa chọn chính sách cho thời gian tới, trong bối cảnh lạm phát ở khu vực Eurozone cao dai dẳng.

Trao đổi với hãng tin CNBC, Giám đốc Keith Apton của công ty quản lý gia sản UBS Wealth Management nói rằng biến động trong lĩnh vực ngân hàng sẽ “gánh” bớt cho Fed một phần sứ mệnh hạ nhiệt nền kinh tế.

“Tôi nghĩ biến động này sẽ giảm bớt gánh nặng cho Fed… Các ngân hàng khu vực sẽ phải bảo toàn vốn. Tôi không cho rằng dòng tiền trong hệ thống trong nửa sau của năm nay còn chảy dễ dàng như thời gian qua. Việc đó sẽ gián tiếp khiến cho nền kinh tế giảm nhiệt, qua đó làm bớt nhiệm vụ giảm lạm phát của Fed”, ông Apton nói.

“Bởi vậy, tôi không cho rằng Fed còn phải tăng lãi suất thêm nữa trong năm nay, dù báo cáo việc làm công bố ngày thứ Sáu vẫn là một số liệu quan trọng cần phải theo dõi”.

Báo cáo việc làm tổng thể tháng 4 sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 5/5. Số liệu việc làm hàng tháng luôn là một chỉ báo quan trọng về tình trạng sức khoẻ của nền kinh tế.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu Brent giao sau tăng 0,17 USD/thùng, tương đương tăng 0,24%, chốt ở 72,5 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 0,04 USD/thùng, còn 68,56 USD/thùng.

Trước đó, giá vàng đã lao dốc liên tục trong tuần này, với tổng mức giảm khoảng 9%, do những mối lo về nền kinh tế Mỹ và dấu hiệu cho thấy ngành sản xuất giảm tốc ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Động thái tăng lãi suất ngày thứ Tư của Fed cũng gây áp lực giảm lên giá dầu. Dù vậy, việc ECB giảm tốc độ tăng lãi suất đã giúp giới đầu tư trên thị trường dầu lửa bớt lo ngại phần nào.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức nhóm OPEC+, đã bắt đầu kế hoạch cắt giảm sản lượng từ đầu tháng này. Ngày thứ Năm, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói Nga sẽ giữ đúng lời hứa tự nguyện giảm sản lượng 500.000 thùng dầu mỗi ngày từ tháng 2 cho tới hết năm.

“Những gì chúng ta đang chứng kiến là sự kết hợp giữa những cơn gió ngược kinh tế và mối hoài nghi về việc liệu OPEC có thực sự giảm sản lượng hay không”, và điều này đặt ra áp lực mất giá đối với dầu - nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC nói với hãng tin Reuters.