(Ảnh minh họa/Vietnam+)
Năm 2021 là một năm đầy khó khăn đối với đời sống-xã hội Việt Nam do tác động của dịch COVID-19, lần đầu tiên kinh tế tăng trưởng âm 6,7% trong quý 3, khiến GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42%.
Song trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán lại ghi đấu một năm “thăng hoa” với các mốc kỷ lục mới được xác lập trên chặng đường phát triển 21 năm.
Vốn hóa thị trường xấp xỉ 100% GDP
Đánh giá về thị trường năm 2021, ông Phạm Tuyến-Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng nền kinh tế cả năm vẫn đạt tăng trưởng dương nhưng chắc chắn không đạt được mục tiêu tại Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam lại có sự tăng trưởng ngoạn mục. Hiện nay, vốn hóa thị trường đã đạt hơn 7,5 triệu tỷ đồng, tăng trên 45% so với cuối năm 2020 và xấp xỉ bằng 100% GDP.
Ông Tuyến nhấn mạnh dấu ấn lớn nhất phải kể đến đó là VN-Index lần đầu tiên vượt mốc 1.500 điểm (ngày 26/11), đánh dấu "đỉnh lịch sử" về chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, số tài khoản mở mới cũng đạt kỷ lục, với hơn 1,3 triệu tài khoản (trong 11 tháng), cao gấp 3,3 lần số lượng mở mới năm 2020.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Việt Nam, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước tính đến cuối năm 2021 đạt trên 4 triệu tài khoản (tương đương gần 4% dân số cả nước).
Sự hưng phấn của thị trường với các giao dịch tăng vọt đã dẫn đến tình trạng liên tục xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh. Tuy nhiên, việc hệ thống giao dịch mới của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) chính thức được đưa vào vận hành kể từ đầu tháng 7/2021 đã giải tỏa nút thắt về thanh khoản trong giai đoạn trước đó, khiến cho thanh khoản trung bình mỗi phiên trên sàn HOSE gia tăng đều đặn cả về giá trị và khối lượng giao dịch.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, thời điểm hiện tại (ngày 24/12), VN-Index đã tăng 32,3% kể từ cột mốc 1.104 điểm (kết thúc năm 2020). Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm tăng mạnh thứ hai kể năm 2010 trở lại đây, chỉ thua mức tăng 48% vào năm 2017.
Với kết quả này, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng lọt vào trong top thị trường mang lại suất sinh lời cao nhất trên thế giới, theo sau là thị trường các nước Mỹ với chỉ số S&P 500 tăng 24%, Ấn Độ với chỉ số Sensex tăng 19,5%, chỉ số TWSE của Đài Loan (Trung Quốc) tăng 18,3%.
Với sự “bùng nổ” về số tài mở mới, thanh khoản thị trường cũng tăng trưởng chưa từng có. Thanh khoản thường xuyên ở mức 1 tỷ USD, đặc biệt lập kỷ lục trong phiên ngày 23/12 với gần 53 nghìn tỷ đồng, tương ứng gần 2,3 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, tổng giá trị giao dịch trung bình từ đầu năm đến nay trên 3 sàn đạt khoảng 27.000 tỷ đồng/phiên, cao gấp 3,5 lần mức trung bình phiên của năm 2020; trong đó giá trị khớp lệnh trung bình đạt khoảng 24.500 tỷ đồng/phiên, tăng gần 300% so với cùng kỳ.
Về điều này, ông Phạm Tuyến cho hay thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt cả Singapore, thậm chí có những phiên vượt cả Thái Lan, dù GDP của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan.
Tuy nhiên, một “điểm trừ” của thị trường chứng khoán trong năm qua là việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng.
Cụ thể, ông Thắng chỉ ra tổng giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm đến thời điểm hiện tại đạt gần 65.000 tỷ đồng và vượt xa so với mức bán ròng gần 19.000 tỷ đồng của cả năm 2020.
Tuy nhiên, mức bán ròng này cũng không ngăn cản được dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước đổ vào thị trường chứng khoán. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng hơn 84 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng, là động lực chính giúp tăng thanh khoản thị trường và VN-Index liên tục lập đỉnh mới trong năm 2021.
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư đã chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán, với số lượng tài khoản mở mới của cá nhân trong nước duy trì trên mức 100 nghìn tài khoản/tháng.
“Nếu như trước năm 2020, quy mô giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 20% giá trị giao dịch mỗi phiên thì hiện chỉ đạt 7%, do sự bùng nổ của nhà đầu tư cá nhân trong nước,” ông Thắng nói.
VN-Index kỳ vọng tăng trưởng 15%-20%
Các chuyên gia đưa ra dự báo dựa trên kịch bản năm 2022 nền kinh tế Việt Nam sẽ dần lấy lại đà tăng trưởng kinh tế như giai đoạn trước dịch, nhưng đi cùng với mức lạm phát cao. Lãi suất có thể tăng nhẹ nhưng nhìn chung vẫn giữ ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh như vậy, thị trường chứng khoán nhìn chung sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn, nhất là với các nhà đầu tư cá nhân.
Ông Thắng nhận định mặc dù có bối cảnh được xem là khá thuận lợi như vậy song rất khó để thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì được mức tăng hơn 30% như trong năm 2021. Tuy nhiên, với mức định giá tại thời điểm hiện tại với P/E (hệ số giá/lợi nhuận) toàn thị trường khoảng 17 lần vẫn chưa phải là mức cao, nên vẫn có thể kỳ vọng VN-Index tiếp tục đi lên với mức tăng khoảng 15%-20%, đồng nghĩa với tăng lên mức khoảng 1.650-1.750 điểm. Bên cạnh đó, thanh khoản trong năm tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng và có thể còn cao hơn mức trung bình 27.000 tỷ đồng/phiên trên cả 3 sàn trong năm nay.
Nhiều chuyên gia nhận định xét về triển vọng dài hạn, sự gia nhập của nhà đầu tư trong nước ngày càng tăng là báo hiệu tốt cho sự phát triển liên tục của thị trường. Dù năm 2021, khối ngoại bán ròng mạnh, nhưng trong dài hạn khối ngoại sẽ không thể bỏ qua sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bên cạnh đó, làn sóng thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp niêm yết mới sẽ bắt đầu trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang tích cực như hiện nay, mang lại cơ hội mới cho nhà đầu tư.
Nền tảng giao dịch mới của HOSE sẽ được áp dụng vào quý II/2022, cho phép phát triển các sản phẩm khác và thu hút thêm dòng tiền vào thị trường chứng khoán.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, cho rằng đà tăng của thị trường có thể kéo dài nhờ việc nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng và sự tham gia ngày càng nhiều của dòng vốn cá nhân trong nước. Mặt khác, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi MSCI (công ty nghiên cứu đầu tư cung cấp các chỉ số chứng khoán) của Việt Nam sớm hơn dự kiến cũng giúp thị trường có dư địa tăng giá.
Dù vậy theo bà Hiền, rủi ro chính đối với thị trường trong năm 2022 vẫn là lạm phát cao hơn dự kiến có thể dẫn đến việc các chính sách tiền tệ thắt chặt được triển khai.
Đồng tình với nhận định này, ông Phạm Tuyến-Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cũng cho rằng năm 2022, thị trường hứa hẹn nhiều triển vọng tăng trưởng tốt với những tin tức hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô sẽ sớm đến, như các gói kích thích kinh tế, nới "room tín dụng" ngân hàng cho khối ngoại và đặc biệt là quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên thành mới nổi.
“Nhằm thúc đẩy đưa thị trường chứng khoán là nơi huy động và dẫn vốn cho các doanh nghiệp, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan quản lý xây dựng các chính sách nhằm đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả đáp ứng được các yêu cầu về phát triển thị trường chứng khoán đến 2030. Với đà tăng trưởng và phát triển của thị trường trong năm qua, kỳ vọng thị trường sẽ bùng nổ không chỉ về thanh khoản mà còn về mặt điểm số trong năm 2022,” ông Tuyến nói./.