Mỹ hành động mạnh tay, hàng loạt đồng tiền lập tức mất giá

Nhiều đồng tiền trên thế giới nhanh chóng bị mất giá sau khi Fed tăng lãi suất. Nếu so với cuối năm 2021, nhiều đơn vị tiền tệ đã mất giá mạnh.

Thông tin việc ngày 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất mạnh nhất trong vòng gần 30 năm qua, ông Phạm Chí Quang – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho hay, mức tăng 0,75% của Fed là mức lãi suất tăng lớn nhất từ năm 1994 trở lại đây.

Bình thường mỗi lần Fed chỉ tăng khoảng 0,25%. Dự báo mức lãi suất cuối năm của năm 2022 mà Fed tăng sẽ dao động từ khoảng 3-3,6%.

Ngay sau khi Fed tăng lãi suất thì một loạt Ngân hàng Trung ương đã có điều chỉnh lãi suất ngay lập tức. Đơn cử, Hong Kong ngay lập tức tăng 0,75% lãi suất cơ bản, bám sát lãi suất của Fed vì đồng đô la Hong Kong (HKD) là đồng tiền neo rất chặt chẽ với đồng USD. Ngoài ra, hầu hết các Ngân hàng Trung ương đều tăng lãi suất từ 0,5 - 1 điểm %. Các quốc như Ả Rập Xê Út, Kuwait, Brazil, Anh… đều có động thái tăng lãi suất.

Những biến động trên cho thấy Fed tăng lãi suất có tác động rất lớn đến phạm vi tài chính toàn cầu. Cùng với đó, nhiều đồng tiền trên thế giới nhanh chóng bị mất giá. Cụ thể, đồng đô la Đài Loan (TWD) mất giá 0,29%; đồng bạt Thái Lan (THB) mất giá 0,49%; đồng yên Nhật (JPY) mất giá 0,47%; đồng Ringgit Malaysia (RM) mất giá 0,35%; đồng nhân dân tệ Trung Quốc (CNY) mất giá 0,25%...

Cùng với đó, sau khi Fed tăng lãi suất thì chỉ số đồng đô la Mỹ dao động từ 103-105%, con số này đã tăng 9-10% so với cuối năm 2021. Điều này dẫn đến việc một loạt các đồng tiền khác trên thế giới đều mất giá rất mạnh.

Nếu so với cuối năm 2021, nhiều đồng tiền mất giá lớn. Tính đến ngày 16/6, đồng TWD mất giá 7,33%; THB mất giá 5%; JPY mất giá 14,6%; đồng Won Hàn Quốc mất giá 7,5; đồng Peso Philippines mất giá 4,3%; CNY mất giá 5,1%. Ngay cả đồng Euro cũng mất giá 8,2%; đồng bảng Anh mất giá 10,2%. Trong bối cảnh đó, lãi suất huy động cho vay mặt bằng trong nước tăng 0,09%, tỷ giá tiền đồng Việt Nam ổn định, mất giá nhẹ khoảng 2%.

Giá trị các đồng tiền đã có biến động ngay sau quyết định của Fed

Với diễn biến như vậy của các đồng tiền trên thế giới thì áp lực trong thời gian tới đối với Việt Nam về mặt lãi suất, tỷ giá là rất lớn. Đặc biệt, khi giá dầu, giá nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất biến động bởi chiến tranh Nga-Ukraine. Theo ông Quang, Việt Nam hoàn toàn có khả năng kiểm soát được lạm phát ở mức 4%. Từ đó, đủ dư địa chính sách tiền tệ, kiểm soát ổn định mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá để ổn định nền kinh tế. Hạn chế lạm phát nhập khẩu đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao.

Phó Thống đốc NHNN – ông Đào Minh Tú cũng cho biết, lượng dự trữ ngoại hối quốc gia vẫn ở mức hơn 100 tỷ USD. Đây là con số rất lớn so với nhiều năm qua. Các nước sẽ thông qua dự trữ ngoại hối để đánh giá sự ổn định của tỷ giá ngoại tệ. Quan trọng là trạng thái ngoại tệ ổn định, nhu cầu ngoại tệ chính đáng được đáp ứng kịp thời và lượng ngoại tệ dư thừa trong nền kinh tế được mua vào. Thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia nhưng vẫn điều hành để lượng tiền đồng đưa ra nền kinh tế mua ngoại tệ hợp lý, đảm bảo kiểm soát lạm phát.

Với phương pháp điều hành tỷ giá trung tâm, theo nguyên tắc thị trường, NHNN đang cân đối cung cầu ngoại tệ một cách tích cực, hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo tỷ giá trong tầm kiểm soát của nhà nước và trong quan hệ với lãi suất cũng như các lĩnh vực khác.