Trong tuyên bố được đăng tải trên trang web của Bộ Tài chính Mỹ cuối ngày 28/6, Mỹ sẽ trừng phạt 70 thực thể, trong đó có nhiều cơ sở quan trọng của ngành quốc phòng Nga.
Trong số 70 thực thể mới được thêm vào danh sách trừng phạt, có cả Tổng công ty Nhà nước Rostec, được coi là nền tảng của lĩnh vực quốc phòng, công nghiệp, công nghệ và sản xuất của Nga, cùng các công ty liên kết và cổ phần chủ chốt.
Ngoài ra, lệnh trừng phạt cũng nhằm 29 cá nhân Nga, bao gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov và giám đốc truyền thông Tina Kandelaki.
Các lệnh trừng phạt này là động thái mới nhất nhằm đáp trả cuộc chiến kéo dài nhiều tháng của Nga ở Ukraine và được thực hiện sau khi các nhà lãnh đạo G7 đồng ý thực hiện các bước, bao gồm cả lệnh cấm nhập khẩu vàng, nhằm làm suy yếu Moscow.
Bà Rachel Rizzo, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, chia sẻ với CNN rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Rostec là rất quan trọng, lưu ý rằng tập đoàn này "về cơ bản là nền tảng cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga".
“Nếu chúng ta có thể cắt đứt khả năng xuất khẩu, nhập khẩu, bán, mua của Rostec trong các lĩnh vực khác nhau mà tập đoàn này tham gia kinh doanh, cắt đứt nguồn tài trợ cho của Điện Kremlin, điều đó sẽ làm giảm đáng kể khả năng của Nga”.
Tuy nhiên, bà Rachel cũng lưu ý rằng các biện pháp đang được thực hiện không có mục đích răn đe Moscow chỉ trong thời gian ngắn và sẽ có hiệu quả tức thì.
"Tôi không nghĩ rằng điều này có nghĩa là cắt đứt Nga khỏi cơ sở công nghiệp quốc phòng của họ hôm nay hoặc ngày mai hoặc tuần sau, nhưng về lâu dài, nó chắc chắn sẽ có ảnh hưởng và tôi nghĩ đó là cách Mỹ và các đồng minh suy nghĩ về những điều này", bà Rachel nói.
Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt Vitaliy Pavlovich Khotsenko, Chủ tịch mới được bổ nhiệm của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR), một trong 2 khu vực ly khai được Moscow công nhận độc lập, và 6 cá nhân là quan chức cấp cao tại chính phủ Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LNR) và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR).
Một tài liệu từ Văn phòng Kiểm soát tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ, được công bố cùng ngày 28/6, chính thức đưa ra lệnh cấm với việc nhập khẩu vàng Nga.
“Nhập khẩu vàng có xuất xứ từ Liên bang Nga vào Mỹ bị cấm, ngoại trừ các trường hợp được luật pháp quy định, hoặc được OFAC cấp phép”, trích tuyên bố của OFAC. Theo đó, lệnh cấm này không áp dụng với lượng vàng Nga được xuất khẩu ra nước ngoài trước ngày 28/6.
Lệnh cấm vàng Nga có sự đồng thuận và tham gia của Anh, Canada, Nhật Bản, và đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo trước từ ngày 26/6, sau Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại Đức, với mục đích cắt nguồn tài trợ cho chiến tranh của Nga tới từ mặt hàng xuất khẩu đem lại lợi nhuận lớn thứ 2 sau năng lượng.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo Bộ Ngoại giao đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 45 thực thể và 29 cá nhân, đồng thời tiến tới áp đặt các hạn chế về thị thực "đối với 511 sĩ quan quân đội Nga vì đe dọa hoặc vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine”, và "đối với 18 công dân Nga liên quan đến việc trấn áp những người bất đồng chính kiến, bao gồm cả những vụ bắt giữ vì động cơ chính trị".
Trong số những người bị Bộ Ngoại giao xử phạt có 19 thành viên của hội đồng quản trị Rostec, 9 người là vợ/chồng/con của các cá nhân quan trọng tại Rostec.
Ông Blinken cho biết trong tuyên bố của mình: "Bộ Ngoại giao cũng đang chỉ định các đơn vị quân đội Nga có liên quan đến các hành vi vi phạm nhân quyền hoặc vi phạm luật nhân đạo quốc tế như một phần trong cam kết của chúng tôi nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình cho các hành động tàn bạo ở Ukraine".
Việc phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đã gây ra hậu quả đáng kể, khi Moscow bị tuyên bố vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên trong vòng 1 thế kỷ, bất chấp các tuyên bố của Điện Kremlin rằng nước này có khả năng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đã gây tổn hại cho người dân Mỹ và châu Âu do giá năng lượng cao hơn, ảnh hưởng của lệnh cấm toàn cầu đối với nhà nhập khẩu năng lượng Nga. Trong khi người Mỹ và châu Âu đang phải chịu giá khí đốt cao, Moscow vẫn đang thu được nguồn thu lớn từ xuất khẩu dầu của mình, một phần là do giá cả tăng chóng mặt.
Để ngăn chặn điều này, Mỹ và các quốc giá G7 đã đồng thuận thoả thuận về việc áp dụng giá trần đối với mặt hàng dầu Nga, nhưng vẫn chưa đưa ra được cách thức thực hiện và quyết định cụ thể.