Nền kinh tế Mỹ suy giảm quý thứ 2 liên tiếp

FED hy vọng đạt được kịch bản 'hạ cánh mềm', bằng việc tăng lãi suất ở mức vừa đủ để kiểm soát lạm phát mà không xảy ra suy thoái.

 

Nền kinh tế Mỹ đã suy giảm trong quý II//2022, đánh dấu quý tăng trưởng âm thứ 2 liên tiếp và gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế do lạm phát tăng cao.

Dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ mới đây cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại Mỹ, đã sụt giảm 0,9% trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý trước, GDP của Mỹ đã suy giảm 1,6% so với cùng kỳ.

Sự gia tăng của lạm phát và quan ngại về khả năng suy thoái kinh tế đã làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng tại Mỹ, tờ Washington Post nhận định.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981 và cao hơn mức tăng 8,1% của tháng 5. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống lại đà tăng giá cả thông qua việc nâng lãi suất cơ bản.

Báo cáo về kinh tế quý II của Mỹ được công bố một ngày sau khi FED nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, là lần tăng lãi suất thứ 4 của cơ quan này kể từ đầu năm tới nay.

FED hy vọng đạt được kịch bản “hạ cánh mềm”, hàm ý rằng có thể tăng lãi suất ở mức vừa đủ để làm chậm các hoạt động trong nền kinh tế và kiểm soát lạm phát mà không khiến nền kinh tế rơi vào cuộc suy thoái.

Việc FED nâng lãi suất cơ bản đã đẩy lãi suất thế chấp cao hơn, ảnh hưởng đến doanh số bán nhà và hoạt động xây dựng. Lãi suất trung bình của một khoản vay cố định thời hạn 30 năm hiện đã tăng lên tới 5,54%, từ mức 3,22% hồi đầu năm nay.

Ngân hàng Goldman Sachs nhận định xác suất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái là khoảng 30%, tăng so với dự báo xác suất ở mức 15% được đưa ra vào tháng 4.

Khách hàng mua sắm trong cửa hàng Whole Foods tại khu phố Fort Greene, quận Brooklyn, thành phố New York, Mỹ. Ảnh: WSJ.

Tại cuộc họp báo hôm 27/7 sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cảnh báo rằng “Các chỉ số về chi tiêu và sản xuất đã sụt giảm trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, tỉ lệ tăng việc làm vẫn mạnh mẽ và tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp". Các quan chức nhận định lạm phát cao là do các vấn đề của chuỗi cung ứng, giá thực phẩm và năng lượng gia tăng cùng với “áp lực giá rộng hơn”, theo CNBC.

Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố “cam kết mạnh mẽ” trong việc hạ nhiệt lạm phát, tuy nhiên lưu ý rằng điều đó có thể khiến tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng phải trả một cái giá.